banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 7 năm 2024
Ghi nhận về phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở qua hoạt động thông tin lưu động
4-5-2013

Tuy công việc lưu diễn là thường niên và là công việc thường xuyên của Đội, trước mỗi chuyến đi biễu diễn là một chuỗi ngày vất vả từ khâu dàn dựng, tập luyện chương trình đến khi biểu diễn phục vụ bà con, nhưng trên hết vẫn là niềm vui bởi sự ủng hộ nhiệt thành, với các tiết mục giao lưu đậm đà bản sắc của các chàng trai, cô gái và những tràng pháo tay của bà con tại các thôn, làng. Có thể khẳng định, hoạt động thông tin lưu động, văn hoá văn nghệ là nhu cầu rất cần thiết cho đời sống tinh thần của bà con nhân dân tại các thôn làng, là sân chơi thực sự lành mạnh, bổ ích cho nhân dân, đặc biệt là cho thanh thiếu niên.

Đội TTLĐ biểu diễn phục vụ nhân dân (Ảnh:HA)

Trong thời gian qua, để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, ngành văn hóa thông tin huyện đã không ngừng quan tâm đến việc phát triển và duy trì hoạt động văn nghệ quần chúng trong các tầng lớp nhân dân. Và có thể nói, kết quả đạt được hôm nay là một khởi sắc rất đáng được ghi nhận. Tất cả thôn, làng trong huyện đều có đội văn nghệ; ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số còn có đội cồng chiêng – xoang với lực lượng đông đảo, thường xuyên duy trì tập luyện và tham gia biểu diễn ở nhiều nơi. Mặc dù chỉ là những tiết mục “cây nhà lá vườn”, được tập luyện trong những giờ nghỉ ngơi ít ỏi của những người lao động nương rẫy, nhưng tất cả đều rất đặc sắc. Tham gia biểu diễn văn nghệ không chỉ là dịp để các diễn viên, nghệ nhân thể hiện năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn là dịp giao lưu văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Cũng qua những lần tổ chức lưu diễn như vậy, mà ngành văn hóa thông tin đã tìm ra được những hạt nhân trong phong trào, xây dựng được đội ngũ cộng tác viên khá chuyên nghiệp.

Có thể nói, phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương như vườn hoa đa hương sắc, phong phú ở các thể loại: ca hát, múa dân gian, nhảy hiện đại, kịch câm, kịch nói v.v... Ở thể loại ca hát, các bạn trẻ ngày nay mạnh dạn hơn rất nhiều, họ tự tin thể hiện tài năng và lòng yêu ca hát qua các ca khúc, chủ yếu là dòng nhạc trẻ; còn những người trung tuổi, lớn tuổi hơn thì dòng nhạc truyền thống, với “những ca khúc đi cùng năm tháng” vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên. Những ca khúc này không chỉ đem lại sự giải trí sau những ngày lao động, mà còn khơi dậy trong họ niềm tự hào về một thời kỳ lịch sử vàng son của dân tộc mà họ đã trải qua, đó là thời kỳ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; còn ở thể loại múa, các tiết mục còn thể hiện được sự phong phú, độc đáo về bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện.

Ngọc Hồi của chúng ta có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có một lối sống riêng, phong tục tập quán riêng, nét văn hóa riêng. Vì vậy, khi biểu diễn ở Đắk Nông, Đắk Dục, Đắk Ang thì các chàng trai, cô gái Tây Nguyên trong tiếng cồng chiêng và điệu múa xoang quen thuộc của dân tộc Dẻ Triêng, Xơ Đăng; khi đến với Đắk Kan chúng ta sẽ được gặp gỡ các thiếu nữ miền Tây Bắc xinh tươi, uyển chuyển trong trang phục truyền thống áo trắng váy đen của dân tộc Mường; khi vào Bờ Y, ta lại được nghe tiếng chèo cổ của những người con sinh ra từ đất lúa Thái Bình, nghe âm thanh KRông Pút vang lên từ bàn tay của những người phụ nữ BRâu vỗ vỗ vào hai đầu miệng ống lồ ô như tiếng gọi thiêng liêng của đại ngàn. Khi đến Đắc Xú, ta lại được hòa vào điệu múa sạp rộn ràng của dân tộc Thái, tiếng đàn Tính (Tính then) của dân tộc Tày...

Có thể nói, dù xã hội ngày càng phát triển với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, truyền thông, đặc biệt là chương trình vui chơi giải trí, ca nhạc trên sóng truyền hình, Enternet…nhưng hoạt động thông tin lưu động vẫn có một chỗ đứng bền vững trong lòng bà con nhân dân. Bởi đây là sân chơi thực tế, ở đó bà con vừa được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, vừa được tham gia biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật sau những giờ lao động vất vả. Hoạt động thông tin lưu động vừa tạo môi trường vui chơi giải trí bổ ích cho bà con, vừa lồng ghép giáo dục tuyên truyền, định hướng văn hóa nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần hạn chế sự phát sinh của các tệ nạn xã hội.

NTT
Số lượt xem:897
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 6691 Số người online:
Phát triển:TNC