banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 7 năm 2024
Cần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi tại xã Sa Long
28-1-2013
Trong thời gian qua, trên địa bàn xã Sa Long đã xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình, mà chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vì cần một khoản tiền để chi tiêu nên họ đã phải vay mượn bằng cách thế chấp tài sản, tuy nhiên do trình độ còn hạn chế nên họ thường bị các chủ nợ tính lãi suất rất cao và nhiều hộ gia đình đang rơi vào tình trạng nợ không thể trả
AnhMinhHoa
Hai vợ chồng ông bà A Bố tại căn nhà của mình

Những ngày này, trong khi mọi người, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón tết thì tại xã Sa Loong, nhiều hộ gia đình đã phải khóa cửa, đưa cả nhà vào sống trong rẫy xa mà không dám về nhà bởi họ sợ sẽ bị chủ nợ đến đòi tiền mà không biết lấy đâu ra để trả, những khoản tiền không nhỏ so với thu nhập của họ. Theo chân Bà Y Tin, Chủ tịch UBMT TQVN xã Sa Loong, chúng tôi có mặt tại gia đình ông, bà A Bố, Y Nó Thôn ĐắK Wang, trong ngôi nhà được hỗ trợ từ chương trình 134 của Chính phủ, không có vật dụng gì đáng giá, vợ chồng ông bà buồn rầu cho biết "Tôi có cuốn sổ hưởng chế độ bệnh binh 1 tháng được 2 triệu rưỡi, từ năm 2010, đứa con trai bị tai nạn xe máy, vì không có tiền nên phải mang cắm quán để lấy số tiền 5 triệu đồng để thuốc men điều trị cho con, hàng tháng số tiền ấy đều bị chủ quán giữ hết, không hiểu họ tính lãi như thế nào mà đến bây giờ vẫn còn nợ 13 triệu đồng nữa, cũng chẳng biết khi nào mới lấy lại được cuốn sổ đó".

Gia đình ông A Bố chỉ là một trong số nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Sa Loong đang rơi vào tình trạng nợ vay khó trả, bởi cách tính lãi của các chủ nợ mà họ không hề hay biết. Chính bởi sự hạn chế về nhận thức nên đa phần trong số hộ bị các chủ nợ tính lãi suất cao ngất ngưởng, trong khi số tiền vay được có khi lại không được đầu tư đúng mục đích để sinh lời, và như thế, lãi mẹ đẻ lãi con và khi số nợ lãi lên cao thì nhiều hộ đã phải khóa cửa nhà để vào sinh sống trong nương rẫy.

 Sa loong là xã biên giới với trên 80% người đồng bào DTTS sống bằng sản xuất nông nghiệp, số hộ nghèo chiếm trên 28%, chủ yếu rơi vào các hộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ; cuộc sống khó khăn, trình độ còn hạn chế, chưa biết cách tính toán chi tiêu hợp lý, vì vậy nắm được yếu điểm này, nhiều hộ tiểu thương đã lợi dụng để cho vay với lãi suất cao, thường từ 150 đến 200% một năm. Bà Y Tin- Chủ tịch UBMT TQVN xã Sa Loong cho biết "các hộ gia đình này hầu hết là rơi vào các hộ nghèo, do không biết tính toán làm ăn nên rơi vào cảnh nợ nần,  do trình độ nhận thức còn hạn chế nên khi vay, các chủ quán tính toán lãi suất ra sao họ không biết được, nhưng thường là rất cao, với số tiền vay đầu năm, cuối năm phải trả gấp đôi, nhiều hộ năm nay không trả được, sang năm lại không trả được, cứ thế, số nợ, lãi được tính lê, đến nay nhiều hộ gia đình hầu như không dám về nhà, triền miên ở rẫy, về thì sợ họ đến xiết nợ cho nên ảnh hưởng tới việc con cái học hành.   

Trao đổi về vấn đề này, ông Thao Phan- Chủ tịch UBND xã Sa Loong khẳng định "tình trạng cho vay nặng lãi hiện nay tại xã Sa Loong là có thật và đã diễn ra từ nhiều năm qua, chủ yếu là trong các hộ đồng bào DTTS tại chỗ, bà con vay tại các quán để mua thuốc trừ sâu, trừ cỏ, mua gạo, trả tiền công sản xuất… Hiện tại xã chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song số lượng hộ vay nặng lãi là tương đối nhiều. Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân, hạn chế tình trạng vay nặng lãi, đồng thời thống kê các hộ gia đình hiện đang còn vay nặng lãi để có biện pháp giúp đỡ. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể có biện pháp tín chấp để các hộ gia đình này được vay vốn phát triển sản xuất".

Được biết, chủ nợ cho vay với lãi suất cao đối với các hộ dân nơi đây đều là các hộ tiểu thương ngoài Thị trấn Pleikần, họ không ra mặt mà chờ hàng tháng, khi các hộ gia đình này nhận tiền trợ cấp chế độ thì họ lại xuất hiện, đưa sổ cho các đối tượng ký nhận sau đó thu lại sổ cùng số tiền vừa nhận. Được biết, hiện tượng này không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Sa Loong mà tại một số xã trên địa bàn huyện cũng đã và đang xảy ra tình cho vay nặng lãi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khiến không ít các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng, các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc và có biện pháp tích cực để ngăn chặn tình trạng này nếu không, những người dân nghèo vẫn sẽ mãi với điệp khúc trả-vay, vay- trả và vẫn luẩn quẩn với vòng đói nghèo./.

Hà Linh
Số lượt xem:719
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 7757 Số người online:
Phát triển:TNC