banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 7 năm 2024
Huyện Ngọc Hồi quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
14-1-2013
Thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, tạo môi trường để đông đảo quần chúng tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
AnhMinhHoa
Nhà Rông làng Đắk Mế, xã Bờ Y (Ảnh: Nam Phương)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; trong những năm qua, công tác xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Ngọc Hồi quan tâm, chú trọng. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà Rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình văn hoá, thể thao ở khu dân cư. 

Đến nay, huyện đã xây dựng được Nhà Văn hóa – Thể thao tại trung tâm huyện, là nơi tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa, thể thao tại địa phương; xây dựng được 01 Thư viện huyện với gần 6.000 đầu sách các loại; 01 Sân vận động trung tâm huyện; 01 sân bóng đá mi ni bằng cỏ nhân tạo, 03 nhà văn hóa xã; 03 sân vận động xã; 35 nhà rông và 23 nhà sinh hoạt cộng đồng, 55 sân bóng đá mi ni, 65 sân bóng chuyền, 10 sân cầu lông, 09 bàn bóng bàn tại các thôn/làng/TDP. Hầu hết các nhà Rông, nhà sinh hoạt cộng đồng đều được hỗ trợ trang thiết bị âm thanh để phục vụ công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại Bảo tàng truyền thống của huyện còn lưu giữ được khoảng 200 hình ảnh, hiện vật truyền thống, gồm: cồng chiêng, trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng truyền thống, các di sản văn hóa độc đáo còn tồn tại trong kho tàng dân gian, ở khắp các thôn/làng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Theo thống kê, toàn huyện hiện có khoảng 64 bộ cồng chiêng, 52 đội nghệ nhân chiêng- xoang, 76 đội văn nghệ quần chúng, 04 câu lạc bộ thể thao… Tiêu biểu trong công tác bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống là người B râu -  làng Đắk Mế - xã Bờ Y, chỉ chưa đầy 100 hộ dân mà Làng đã có đến 12 bộ Chiêng Tha (2 cái/bộ), 5 bộ Chiêng goong (loại 10 -11 cái/bộ). Đội nghệ nhân của làng Đắk Răng- xã Đắk Dục là một trong những đội nghệ nhân tiêu biểu của huyện, thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn ở huyện, tỉnh và Trung ương. Năm 2009, đội nghệ nhân Đắk Răng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; có 04 nghệ nhân của huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” đó là các Nghệ nhân: Thao Pem- Làng Đắk Mế- xã Bờ Y; Bloong Vươn- Làng Dục Nhầy 1, Bloong Lệ và BRôl Vẻ- làng Đắk Răng- xã Đắk Dục.

Bên cạnh các loại hình văn hoá- nghệ thuật, các di tích lịch sử trên địa bàn huyện cũng được các cấp quan tâm trùng tu, tôn tạo, trở thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu, như: Di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần (địa bàn xã Đắk Xú) được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2000; Di tích Chiến thắng Đắk Seang - xã Đắk Dục đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011; ngoài ra còn khoảng 10 di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng ở dạng tiềm năng sẽ được đầu tư khai thác trong thời gian không xa.

Hàng năm, từ trung tâm huyện đến các thôn, làng đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân. Hội thi, hội diễn văn hóa - văn nghệ và thi đấu thể dục - thể thao được duy trì tổ chức với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Trung bình mỗi năm, đã tổ chức được khoảng 08 lượt Hội thi, Hội diễn, Liên hoan cấp cơ sở và cấp huyện, 15 giải thể thao tại huyện, 16 giải thể thao tại các xã, hàng trăm lượt giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các thôn/làng.

Định kỳ 2 năm/lần tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc, Liên hoan văn hóa Cồng chiêng cấp huyện. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng theo hàng năm (từ 17,5% vào năm 2009, đến nay, đạt 20,5%). Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đã được một số địa phương phát huy hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ, đã tạo được sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Nguồn ngân sách chi cho hoạt động văn hoá từ huyện đến cơ sở tăng theo hàng năm trong khả năng đảm bảo ngân sách huyện. Ngoài ra, UBND huyện còn hỗ trợ các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại tỉnh, khu vực và Trung ương đạt kết quả.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa – thể thao ở xã, thị trấn thường xuyên được củng cố,  đều có bằng trung cấp trở lên, có tâm huyết và trách nhiệm với công viêc; hàng năm đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; huyện đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên văn nghệ, thể thao khá bài bản, làm nòng cốt để đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, nhà rông văn hóa từng bước được ổn định, góp phần phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, làm nền tảng để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Với những kết quả đã đạt được, huyện Ngọc Hồi đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình trên con đường xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong những năm tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, UBND huyện đã đề ra một số giải pháp, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao vai trò của nhân dân trong việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa-văn nghệ, thể dục- thể thao nâng cao đời sống tinh thần; phấn đấu xây dựng thôn, làng văn hóa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ V đề ra.

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao từ huyện đến các xã, thị trấn theo quy hoạch, đảm bảo có Trung tâm văn hóa - thể thao, sân bóng đá, sân bóng chuyền để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, rèn luyện thể dục thể thao.

Quan tâm tu sửa, xây dựng Nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, làng, tổ dân phố, phấn đấu 100% thôn, tổ dân phố đều có nhà rông, hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng phát huy hiệu quả sử dụng. Hỗ trợ trang thiết bị cho hoạt động tuyên truyền tại các Nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, đồng thời hướng dẫn các thôn/làng quản lý, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa.

Xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, phục dựng các lễ hội, mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, ngành nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm) nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở có đủ trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện không lành mạnh trong các hoạt động văn hóa - thể thao – du lịch. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng, phát triển thiết chế văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Nguyễn Thị Tình
Số lượt xem:1216
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 7658 Số người online:
Phát triển:TNC