banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 7 năm 2024
Đôi điều suy nghĩ về văn hóa giao tiếp nơi công sở
7-1-2013
Người Việt Nam rất đề cao tính tôn ty trật tự trong gia đình và xã hội theo phương châm “kính trên nhường dưới”, “kính lão đắc thọ”… nên trong giao tiếp hàng ngày, khi nói chuyện với người lớn tuổi thì phải gọi là cụ, ông, bác, chú, cô, anh…; khi nói chuyện với người nhỏ hơn thì tùy vào mức độ thân mật mà gọi là em, chú em, cháu, thỉnh thoảng còn gọi là mày, chú mày... Cơ sở của lối xưng hô đó có nguồn gốc xuất phát từ văn hoá làng xã Việt Nam mà cốt lõi là truyền thống gia đình nông nghiệp, trọng cái tình, sự từng trải và tính cấu kết cộng đồng. Tính tôn ty trật tự tạo nên sự bền vững trong mối quan hệ gia đình Việt, nó chi phối đậm nét đến các mối quan hệ xã hội và trong giao tiếp hàng ngày. Xã hội Việt Nam không bao giờ chấp nhận kiểu “cá mè một lứa” trong giao tiếp và cách xưng hô. Giao tiếp trong hành chính công vụ là một bộ phận không thể tách rời của giao tiếp xã hội, do đó, nó cũng mang các dấu ấn “gia đình” trong cách sử dụng các đại từ dùng để xưng hô như cô, dì, chú, bác, con, cháu...
AnhMinhHoa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngày nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với bạn bè quốc tế, nếu vẫn bảo thủ giữ nguyên cách xưng hô “gia đình” trong hành chính công vụ thì thật khó chấp nhận. Đành rằng khi hội nhập phải giữ gìn bản sắc Việt nhưng điều đó không có nghĩa là cứ bảo thủ trì trệ. Cái gì cần giữ thì phải giữ, cái gì lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với xu thế chung thì phải mạnh dạn cải cách, đảm bảo từng bước chuẩn hoá quy tắc xưng hô trong hành chính công vụ.

Có thể thấy, sử dụng các từ xưng hô như: chú, bác, cô, dì, con, cháu... trong hành chính công vụ là chưa thực sự chuẩn xác về vận dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Một trong những đặc điểm của nền hành chính hiện đại là tính “vô nhân xưng”, tức là mọi cán bộ, công chức nhà nước khi hoạt động công vụ luôn luôn và chỉ đại diện cho nhà nước, thay mặt nhà nước để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, không thể sử dụng các đại từ xưng hộ mang tính “gia đình” trong quan hệ và hoạt động công vụ.

Thực tế hiện nay, Nhà nước ta chưa có một văn bản nào quy định, hướng dẫn cụ thể về cách xưng hô trong các cơ quan Nhà nước, nên chưa tạo ra sự thống nhất chung. Chúng ta rất dễ thấy trong công sở hiện tượng này: cấp dưới xưng hô với cấp trên là “Sếp”, nếu lớn tuổi hơn thì gọi là cô, chú, bác, thậm chí là anh Hai, cô Ba, chị Bốn..., cũng không hiếm khi do đồng môn, đồng lứa nên có một số người vẫn xưng “tao” gọi “mày” với cấp trên; còn cấp trên gọi cấp dưới là cháu, con, em, chú (em), thậm chí gọi cấp dưới là chú mày, là lính…

Lâu nay chúng ta rất lạm dụng từ “đồng chí” trong xưng hô. Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, mọi người cứ thoả mái dùng từ “đồng chí” mà không biết rằng trong diễn đàn đó có rất nhiều thành phần tham gia, là cử tri, học sinh, sinh viên, đại diện các tổ chức phi chính phủ, thậm chí có cả người đại diện các tôn giáo, những người không cùng quan điểm với người nói, người nước ngoài… Như vậy, sử dụng từ “đồng chí” trong các trường hợp này sẽ không được nhiều người đồng tình.

Một điều nữa, trong việc giới thiệu đại biểu lãnh đạo đến dự các cuộc hội họp và các diễn đàn, chúng ta thường mắc phải lỗi gắn quá nhiều chức danh vào trước tên của người được giới thiệu. Có lẽ người giới thiệu sợ không giới thiệu hết chức danh sẽ làm lãnh đạo không vừa lòng, làm giảm đi cái oai và cái uy của lãnh đạo. Họ đâu biết rằng, một người có thể đảm nhận nhiều trọng trách, tuy nhiên mỗi chức danh gắn với một nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể, do đó việc giới thiệu chức danh lãnh đạo trong một hội nghị, một diễn đàn không phải để làm oai mà giới thiệu đúng sẽ tôn lên cái uy và vai trò của người lành đạo khi đến dự. Điều muốn nói ở đây là xưng hô, giới thiệu phải chuẩn xác và phù hợp.

Tại sao vẫn tồn tại cách xưng hô như vậy?

Trước hết, là do thói quen của cả xã hội, ai cũng gọi như thế nên cán bộ, công chức cũng gọi theo thành quen, gọi khác thì tự cảm thấy ngần ngại, sợ mếch lòng, sợ thiếu tôn trọng.

Thư hai, do chưa nắm hoặc nắm không đầy đủ các nguyên tắc trong giao tiếp công vụ và hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp công vụ.

Thư ba, xưng hô cũng thể hiện một phần bản chất từng người. Có người gặp cấp trên thì chú chú cháu cháu, xun xoe, xưng hô ngọt xớt vì muốn lấy lòng cấp trên; còn với cấp dưới thì mày mày, tao tao, tỏ vẻ trịch thượng; lại có người còn tự huyễn hoặc mình bằng vai, phải lứa với người lãnh đạo.

Đã đến lúc, những cán bộ, công chức trong nền hành chính công vụ hiện đại phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này. Thật sai lầm nếu vẫn giữ nguyên suy nghĩ xưng hô thế nào cũng được, miễn là được việc. Chúng ta phải chuẩn hoá các đại từ nhân xưng dùng để xưng hô trong cả hệ thống các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Người giữ chức vụ nào thì sử dụng từ xưng hô tương ứng để vừa đảm bảo tính thống nhất, vừa bao hàm sự trân trọng.

Chẳng hạn, các vị cán bộ cao cấp của Nhà nước khi hội đàm, tiếp xúc mang tính chất đối ngoại thì gọi là “Ngài”, là “Bà” như Ngài Chủ tịch Quốc hội, Ngài Chủ tịch nước, Bà Phó Chủ tịch nước, Ngài Thủ tướng, Ngài Bộ trưởng…, nhưng trong quan hệ đối nội thì tuỳ theo giới tính để gọi là ông hoặc bà. “Ông”, “Bà” (và có thể “Anh”, “Chị”) còn được áp dụng cho các chức danh còn lại trong công sở.

Về phía người nói, chỉ nên sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít là “Tôi”, trong một số trường hợp đặc biệt có thể sử dụng đại từ “Chúng tôi”. Cần nhớ rằng, không phải cứ dùng từ Tôi với Ông, Tôi với Bà là vô lễ, mà Tôi hoặc Chúng tôi ở đây là Nhà nước, đại diện cho Nhà nước, tính uy quyền của Nhà nước chứ không phải là cái Tôi cá nhân của người nói. Cần nói thêm rằng sử dụng đại từ ông và bà để xưng hô trong công vụ không làm giảm bớt trọng thị đối với người được gọi, mà rõ ràng trong cách xưng hô đó đã hàm chứa cả sự tôn kính, sự chuẩn xác và phù hợp với xu thế chung trong hội nhập quốc tế. Khi mọi người đã nhận thức đầy đủ như vậy thì việc áp dụng sẽ dễ dàng và hiệu quả.

Từ “đồng chí” sử dụng khi nào là chính xác và phù hợp? Ở đây không lạm bàn về nghĩa từ vựng của từ “đồng chí” vì ai cũng biết rõ nghĩa của nó. Chúng ta chỉ nên sử dụng “đồng chí” trong sinh hoạt, hội họp nội bộ của Đảng, của những tập thể (thường là tập thể lãnh đạo) mà hầu hết các thành viên là đảng viên hoặc là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội. Ở những diễn đàn có nhiều thành phần xã hội tham gia, như các diễn đàn do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, hoạt động tiếp xúc cử tri, gặp gỡ doanh nhân, gặp mặt các chức sắc tôn giáo… thì có lẽ dùng từ “đồng chí” là không phù hợp.

Việc giới thiệu chức danh và tên của các vị lãnh đạo phải hết sức chú ý. Nếu diễn đàn của Đảng thì giới thiệu chức danh cao nhất trong Đảng. Nếu có nhiều vị lãnh đạo cùng dự một hội nghị thì chỉ giới thiệu đầy đủ tên và chức danh của người có chức vụ cao nhất, còn lại chỉ giới thiệu, không liệt kê dài dòng, có khi mất nhiều thời gian. Một người giữ nhiều chức danh khác nhau trong Đảng, chính quyền và các tổ chức khác thì tuỳ vào nội dung, tính chất của hội nghị, vào vai trò của người lãnh đạo khi đến dự (chủ trì, chỉ đạo, tham gia…) mà giới thiệu phù hợp, tránh cho những người cùng dự bị ức chế.

Nói tóm lại, khi xưng hộ và vận dụng đại từ xưng hô trong hành chính nhà nước không thể qua loa và tùy tiện mà cần được chuẩn hóa, vì văn hóa nơi công sở vẫn phải tuân theo truyền thống của dân tộc, như tôn trọng tuổi tác, thứ bậc, chức vụ và phải phù hợp với hoàn cảnh. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, cách xưng hô trong hành chính công vụ cần phải có sự điều chỉnh theo xu thế chung của thế giới, nhưng phải đúng chuẩn mực theo phong cách giao tiếp của người Việt. Không thể để tồn tại kiểu xưng hô “gia đình” và cách xưng hô tuỳ tiện trong quan hệ và giao tiếp hành chính công vụ như hiện nay.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:15187
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 8663 Số người online:
Phát triển:TNC