banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024
Ngọc Hồi: Sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm
22-3-2024

(ngochoi.kontum.gov.vn): Sáng ngày 21/3, Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đồng chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động 

Ngọc Hồi là huyện miều núi, biên giới, nằm ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum, có đường biên giới giáp với Lào và Cam- Pu- Chia dài 61,87 km (trong đó: Lào 32,2 km, Cam-Pu-Chia 29,67 km). Tổng diện tích tự nhiên 83.936,22 ha. Dân số toàn huyện 16.287 hộ với 64.500 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 9.397 hộ, 35.398 khẩu, gồm 17 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn 07 xã, 01 thị trấn với 68 thôn, tổ dân phố (trong đó có 48 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số).

Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 481 hộ, chiếm tỷ lệ 2,95% dân số toàn huyện (trong đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 447 hộ, chiếm 92,93%); số hộ cận nghèo là: 384 hộ, chiếm tỷ lệ 2,36%, (trong đó số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 318 hộ chiếm 82,81%).

Xã Đăk Ang phát biểu tham luận tại Hội nghị

Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh và các văn bản liên quan của tỉnh và Huyện ủy. Trong 03 năm qua, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn huyện đã được cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình, hưởng ứng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; từng bước đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”; Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Việc triển khai hiệu quả công tác xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động đã tạo sức lan toả đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ phận người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.

Cụ thể, trong năm 2021: Các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ công tác đã xây dựng được 44 mô hình. Trong đó, cấp huyện 10 mô hình (Mặt trận- Đoàn thể 07 mô hình; các tổ công tác 03 mô hình); cấp xã 34 mô hình. Tổng số hộ tham gia mô hình là 572 hộ DTTS, trong đó có 256 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 329,63 triệu đồng. Đến nay còn 21 mô hình đang duy trì hoạt động (Cấp huyện còn 03 mô hình, cấp xã còn 18 mô hình).

Năm 2022, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ công tác đã xây dựng được 35 mô hình. Trong đó cấp huyện 11 mô hình (Mặt trận - Đoàn thể 10 mô hình; Tổ 08 xã Đăk Ang 01 mô hình); cấp xã 24 mô hình (Xã Đăk Kan 12 mô hình; xã Sa Loong 10 mô hình; xã Đăk Nông 11 mô hình; xã Đăk Dục 04 mô hình; thị trấn Plei Kần 03 mô hình; xã Pờ Y 02 mô hình). Tổng số hộ tham gia mô hình là 120 hộ DTTS, trong đó có 41 hộ nghèo, 70 hộ cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 751,93 triệu đồng; trong đó kinh phí Nhà nước cấp và các cơ quan hỗ trợ là 290,4 triệu đồng (Cấp cho Mặt trận-Đoàn thể huyện là 80 triệu đồng), hộ dân đóng góp 8,3 triệu đồng; các nguồn vận động khác 453,23 triệu đồng.

Năm 2023, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ công tác đã xây dựng được 46 mô hình. Trong đó cấp huyện 12 mô hình (Mặt trận 03 mô hình; các đoàn thể 10 mô hình); cấp xã 24 mô hình (xã Đăk Ang 02 mô hình; xã Đăk Dục 03 mô hình; xã Đăk Nông 04 mô hình; xã Đăk Xú 03 mô hình; thị trấn Plei Kần 03 mô hình; xã Đăk Kan 04 mô hình; xã Sa Loong 01 mô hình; xã Pờ Y 04 mô hình). Tổng số hộ tham gia mô hình là 136 hộ DTTS, trong đó 53 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo. Tổng kinh phí thực hiện là 496,38 triệu đồng; trong đó, kinh phí Nhà nước cấp và các nguồn quỹ khác là 371,88 triệu đồng; kinh phí từ các nguồn vận động là 107,5 triệu đồng; hộ dân đóng góp là 17 triệu đồng.

Hội nghị có nhiều tham luận của các đơn vị, địa phương về cách làm hay, hiệu quả trong triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trong 3 năm qua.

Đồng chí Đinh Cao Cường, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu bế mạc Hội nghị

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian đến, phát biểu bế mạc tại Hội nghị, đồng chí Đinh Cao Cường, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các ban, ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của dồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” và các văn bản liên quan.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Chỉ đạo tiếp tục khảo sát, hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương; đưa nội dung Cuộc vận động vào chương trình tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể ở huyện và cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tuyên truyền 10 điều biết trong Sổ tay tuyên truyền Cuộc vận động đến đồng bào dân tộc thiểu số; bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả; lồng ghép tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội hiện hành với nội dung của Cuộc vận động, các phong trào, cuộc vận động khác do Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì và đang triển khai thực hiện. Tranh thủ, huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động và giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, sơ kết, đánh giá kết quả, biểu dương và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện Cuộc vận động...

Dịp này, có 25 tập thể, 24 cá nhân và 10 hộ gia đình được tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất trong thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023.

Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân và hộ gia đình

Thy Thảo
Số lượt xem:1848
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 6299 Số người online:
Phát triển:TNC