banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Đền ơn đáp nghĩa truyền thống quý báu của dân tộc ta
26-7-2013

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Máu đào của các liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta". Độc lập, tự do hôm nay được dựng xây từ những đau thương mất mát, do vậy, tri ân, đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng liệt sỹ chính là đạo lý, nghĩa cử cũng là trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó cũng là cơ sở cho triết lý biện chứng “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, có sự hy sinh ươm mầm cho sự sống, người người ngã xuống nhưng anh linh vẫn trường tồn cùng dân tộc và các thế hệ hôm nay. Nặng lòng với thương binh và gia đình liệt sĩ, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Nơi an táng các liệt sĩ mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa tri ân và bia tưởng niệm ghi nhận sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương.... phải giúp đỡ họ có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét”.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, cấp uỷ và chính quyền từ huyện đến xã đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tu sửa, nâng cấp các đài tưởng niệm liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Mỗi năm, quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện vận động hàng trăm triệu đồng để chung tay, giúp đỡ các gia đình chính sách. Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, ưu tiên hàng đầu của huyện là giúp đỡ các đối tượng chính sách giải quyết khó khăn về nhà ở để ổn định đời sống. Từ năm 2010 đến nay, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, các chương trình chính sách khác, huyện ta đã đầu tư hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới được 99 căn nhà cho các gia đình chính sách, thân nhân liệt sỹ, người có công với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách và con em họ luôn được chú trọng.

Công tác thăm hỏi động viên các gia đình chính sách được quan tâm hơn, nhất là trong các dịp lễ, tết. Trong dịp 27/7 năm nay, các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân-UBND, Ủy ban MTTQ huyện đã tới thăm hỏi, tặng trên 400 xuất quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, với tổng số tiền 86 triệu đồng, trực tiếp trao hơn 900 xuất quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh. Những món quà tuy giá trị vật chất không quá lớn, nhưng giá trị tinh thần thì lớn hơn nhiều, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.

Cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, Lễ thắp nến tri ân, Lễ viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ huyện cũng được tổ chức với sự tham gia của đông đảo lực lượng cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên học sinh và quần chúng nhân dân tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện. Việc tưởng nhớ, trân trọng và tri ân anh hùng, liệt sĩ, người có công với nước với dân trong giai đoạn cách mạng hiện nay càng trở nên quan trọng để bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh. Trước đây, trong kháng chiến, lớp cha anh đã không tiếc máu xương, xả thân vì nước. Giờ đây, tinh thần đó cần phải được kế thừa, phát triển trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến công vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; sẵn sàng đối phó hiệu quả trước mọi thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch. 

Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ là dịp để Đảng bộ, Chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi thể hiện lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Ngày thiêng liêng này, chúng ta khắc cốt, ghi tâm lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có cờ độc lập nào mà không tô thắm bằng máu đào liệt sĩ. Có đài tự do nào không được xây dựng bằng xương trắng các anh hùng”.

 

Hà Linh
Số lượt xem:24860
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 442 Số người online:
Phát triển:TNC