banner
Thứ 4, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Hạt gạo làng ta
24-10-2022

(ngochoi.kontum.gov.vn): Khoe với chúng tôi chiếc bao bì có in thương hiệu mô hình lúa chất lượng cao của xã Pờ Y, chị Võ Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã tự hào: “Tìm hướng đi mới cho bà con trên địa bàn phát triển kinh tế, xã đã định hướng thử nghiệm canh tác giống lúa chất lượng cao ST24.

Kiểm tra chất lượng giống lúa ST24 tại các thôn thí điểm

Qua quá trình triển khai đã cho kết quả hết sức khả quan, đem lại cho nhiều hộ gia đình nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, từ 3 thôn thí điểm trồng giống lúa ST24, xã đã chủ trương nhân rộng tại 8/8 thôn trên địa bàn xã”.

Theo chị Hà thông tin, chúng tôi được biết xã Pờ Y có diện tích đất tự nhiên là 9481,11 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 182,66 ha. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã tương đối hoàn chỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân dựa vào cây lúa. Qua quá trình khảo sát nhiều mô hình trồng lúa ngoại tỉnh, chính quyền xã Pờ Y đã quyết định mang giống lúa chất lượng cao ST24 về địa phương. Đây là hướng đi mới  để bà con vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, đặc biệt đối với người đồng bào DTTS trên địa bàn.

Theo đó, vào cuối năm 2020, chính quyền xã Pờ Y đã tổ chức họp lấy ý kiến thống nhất ở 3 thôn (Ngọc Hải, Bắc Phong, Măng Tôn) để triển khai mô hình canh tác thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST24. Trước đó, xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền các nội dung, chính sách và lợi ích có liên quan đến mô hình này để nhân dân biết, tham gia. Đồng thời, xã cũng lựa chọn đơn vị tư vấn, đầu tư và tổ chức ký kết giữa đơn vị tư vấn với các hộ gia đình.

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ một phần vật tư, phân bón hữu cơ và 50% tiền lúa giống. Xã phân công cán bộ Địa chính - nông nghiệp địa phương theo dõi, giám sát thực hiện mô hình. Thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của lúa để hỗ trợ bà con kịp thời khi có vấn đề phát sinh.

Theo lời giới thiệu của chị Hà, chúng tôi đến thực tế tại một số mô hình của địa phương. Tại thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với ông Đinh Xuân Thìn (dân tộc Mường). Giữa cánh đồng lúa mênh mông, xanh ngát, ông Thìn đang lụi hụi kiểm tra các khóm lúa đang thời kỳ vào mẩy.

Nở nụ cười rạng rỡ trên gương mặt lấm tấm mồ hôi, ông Thìn trò chuyện với chúng tôi: “Phải công nhận là giống lúa ST24 có khả năng kháng bệnh cao thật, khác hẳn với những giống khác. Từ ngày tôi canh tác đến nay, chưa gặp trường hợp bị bệnh bao giờ. Chúng có thể phù hợp với nhiều môi trường, thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi. Ngoài ra, đây còn là giống lúa cứng và cao cây (chiều cao khoảng từ 110 – 115cm), nên khi bón phân không sợ bị đổ ngã. Bản lá cây lúa ít mo, lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hột tốt. Duy nhất chỉ có một nhược điểm là khi đưa vào mắt xát, tỷ lệ gạo không cao bằng so với lúa thường. Tuy nhiên, bù lại thì giống lúa ST24 cho gạo hạt dài, mặt gạo trắng, đẹp, cơm thơm, mềm, ngọt”.

Từ ông Thìn, chúng tôi biết thêm, giống lúa ST24 còn có khả năng chịu phèn, chịu mặn tốt. Chúng có khả năng chống chịu với rầy nâu mạnh hơn nhờ mạ cứng, ống rạ to, và rất ít nhiễm bệnh đốm vằn. Thời gian sinh trưởng của giống lúa ST24 là 103 – 105 ngày.

Theo ông Thìn tâm sự: Thời gian đầu, khi xã đưa giống lúa này về địa phương, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên tham gia canh tác thí điểm. Ngay khi nhận được những bao lúa giống đầu tiên, ông thử nghiệm đổ vào chậu nước thì hầu như rất ít hạt nổi. Điều đó đồng nghĩa hạt giống lúa này mẩy, cho tỷ lệ nảy mầm cao.

Bà con phấn khởi với giống lúa ST24

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng tại đồng lúa của gia đình, ông Thìn cho biết, trong chăm sóc cây lúa, việc “cho cây ăn” (bón phân), là một trong những khâu kỹ thuật cực kỳ quan trọng, để cho năng suất cao. Theo kinh nghiệm bản thân, ông Thìn thường sử dụng vỏ cà phê xay, ủ với phân chuồng để bón dặm. Sau khi xuống giống, ông thường ghi rõ ngày tháng cụ thể. Được 15 ngày thì bón thúc đợt một, đến 30 ngày bón thúc đợt hai và 40 ngày thì bón thúc đợt ba. Đồng thời trong quá trình bón phân, phải thường xuyên làm cỏ để đảm bảo cây lúa có môi trường phát triển tốt nhất.

Hiện tại từ diện tích khoảng 1,1ha của mình, nằm 2021 vừa qua ông Thìn canh tác 2 vụ, thu về khoảng 65 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Theo ông Thìn chia sẻ, giống lúa ST24 khá dễ trồng và ít tốn công. Người nông dân có thể tận dụng khoảng thời gian rảnh để phát triển thêm các mô hình kinh tế khác.

Ông Thao Phước – cán bộ Địa chính-nông nghiệp xã Pờ Y cho biết: “Ông Thìn chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Pờ Y có nguồn thu ổn định nhờ giống lúa chất lượng cao ST24. Mô hình thử nghiệm canh tác giống lúa ST24 được thực hiện từ ngày 31/12/2020 đến 15/5/2021. Tổng diện tích mô hình là 10,2 ha với 54 hộ tham gia (thôn Ngọc Hải 3,5ha, thôn Bắc Phong 2,7ha, thôn Măng Tôn 4ha)”.

Kết thúc quá trình thí điểm, mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt trung bình 7 tấn/ha. Với giá bán hiện tại là 7.500 - 8.000 đồng/kg (cao hơn các giống lúa canh tác trước khoảng 1000 đồng), sau khi trừ chi phí (đã tính công lao động), thì lợi nhuận trung bình thu được là khoảng 28 triệu đồng/ha mỗi vụ.

Chị Võ Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y đánh giá: Qua quá trình triển khai, các hộ tham gia mô hình đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn. Giống lúa ST24 phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm trên 95%, cứng cây, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, giảm công chăm sóc…

Từ mô hình này, xã đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hướng dẫn người nông dân trồng và thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ, góp phần giảm thiểu sự rủi ro trong nông nghiệp. Đồng thời, dần thay thế một số cây trồng có năng suất và chất lượng thấp.

Được biết, từ 3 thôn thí điểm trồng giống lúa ST24, xã Pờ Y đã chủ trương nhân rộng tại 8/8 thôn trên địa bàn. Hiện tại, nhiều hộ gia đình ngay từ trước thời điểm thu hoạch, đã có thương lai đến đặt hàng thu mua sản phẩm với giá cao. Xã Pờ Y đã có kế hoạch đưa Giống lúa ST24 làm sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm) năm 2022 với thương hiệu “Gạo thơm ST24”.

Hi vọng với những kết quả tích cực từ việc sản xuất giống lúa ST24, sẽ là chìa khóa cho nhiều hộ nông dân đưa vào canh tác trên địa bàn, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu cho các gia đình ở xã biên giới này.

Tất Thành
Số lượt xem:1910
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 1195 Số người online:
Phát triển:TNC