(ngochoi.kontum.gov.vn): Cách đây hơn 30 năm, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mường ở các huyện của tỉnh Hòa Bình đã di cư phục vụ xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình vào lập nghiệp ở các xã Sa Long, Đắk Kan, Đắk Xú, Pờ Y và thị trấn Pleikần. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 4.000 hộ dân là người dân tộc Mường, sinh sống tại 5/8 xã, thị trấn.
Tái hiện Lễ hội Lễ Pôn Pông (hay còn gọi là Lễ mừng cơm mới) của các nghệ nhân Thôn Hào Phú, xã Đắk Kan
Với bản tính cần cù, chịu khó, họ đã tạo dựng được cuộc sống mới ấm no, trù phú trên quê hương mới, đời sống văn hóa, tinh thần không ngừng được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được cộng đồng gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ. Để có được thành quả như ngày nay là biết bao sức lực và trí tuệ của cả cộng đồng, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự yêu thương đùm bọc, giúp đỡ của người dân sở tại, bên cạnh đó là vai trò tiên phong của những có uy tín trong cộng đồng.
Ông Bùi Duy Nhất - Bí thư Chi bộ thôn Thung Nai, xã Đắk Xú cho biết “Người Mường đi đâu cũng giữ hồn cốt phong tục tập quán của dân tộc mình, những lễ hội truyền thống cũng được tổ chức hàng năm, mặc dù không lớn, chỉ tổ chức trong phạm vi nhỏ, chủ yếu là bà con trong thôn, thế nhưng vẫn đầy đủ các nghi lễ và trang trọng, nhằm nhắc nhở con cháu không quên cội nguồn dân tộc".
Với mong muốn những người con xa quê, cùng vun đắp ý thức gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa dân tộc, vào dịp Lễ, Tết đồng bào Mường đang sinh sống trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói chung, cộng đồng Người Mường ở Thôn Hào Lý xã Sa Loong nói riêng lại cùng nhau xúng xính trong trang phục truyền thống, hòa mình trong tiếng cồng chiêng, điệu múa pồn - pôông, hát xường, nhảy sạp và các trò chơi dân gian cổ truyền như ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo…và chế biến các món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Đồng thời, truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếng nói, bài hát, các trò chơi dân gian của dân tộc Mường.
Theo ông Đinh Công Chạnh - già làng Hào Lý cho biết văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường, mặc dù xa quê hương đã hơn 30 năm, lập nghiệp trên vùng quê mới nhưng cộng đồng người Mường trên địa bàn huyện nói chung, người Mường tại Thôn Hào Lý nói riêng vẫn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại; những ngày lễ tết, nhân dân trong thôn vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tái hiện các lễ hội truyền thống của dân tộc như Lễ hội Pôn - Pông hay còn gọi là Lễ hội mừng cơm mới; lễ khuống mùa (xuống đồng); Lễ khai hạ còn được gọi là lễ Hạ nêu hay lễ Mở cửa rừng...Những dịp lễ, tết, văn nghệ phụ nữ bao giờ cũng mặc trang phục Mường để thể hiện những bài hát Mường. Cũng như ngoài quê Hòa Bình, ngoài Tết Nguyên đán, bà con người Mường duy trì Tết Độc lập 2-9 và Tết Khai hạ mồng 5 hoặc mồng 7 tháng Giêng.
Tại ngày Hội văn hóa các dân tộc Huyện Ngọc Hồi lần thứ nhất năm 2022, chúng tôi ấn tượng với màn tái hiện Lễ Pôn Pông hay còn gọi là Lễ mừng cơm mới của đoàn nghệ nhân Thôn Hào Phú, xã Sa Loong. Đây là Lễ hội dân gian được cộng đồng người Mường lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong đời sống của người Mường.
Ông Đinh Văn Thiệu, Thôn Hào Phú, xã Đắk Kan cho biết : "Theo quan niệm của người Mường, sau khi lúa chín được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó đi cúng ông bà tổ tiên trước sau đó mới được ăn. Ngoài mang ý nghĩa giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên thì đây cũng là dịp để các thành viên trong thôn sum họp, quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một mùa vụ làm ăn vất vả".
Chị Bùi Thị Thủy, Thôn Hào Phú, xã Đăk Kan cho biết thêm :"Lễ hội này được tổ chức vào dịp cuối năm và mục đích của Lễ hội là để tạ ơn trời đất, thiên nhiên đã ban tặng cho người con bản Mường có được bữa cơm ngon, ấm no, đầy đủ, sum vầy".
Trong chuyến công tác tại huyện Ngọc Hồi dịp cuối tháng 6/2022, đoàn công tác của Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đã đến thăm, động viên nhân dân thôn Hào Lý và tặng cộng đồng thôn 1 bộ chiêng Mường gồm12 chiếc để người dân sử dụng trong các dịp lễ hội.
Theo ông Bùi Văn Hiến, Bí thư chi bộ - Thôn trưởng Thôn Hào Lý cho biết : "Đây là dàn chiêng Xéc bùa, đây vừa là loại nhạc cụ độc đáo, có giá trị về vật chất và tinh thần, cả về mặt nghiên cứu lịch sử âm nhạc sân khấu dân tộc. Chiêng Xéc bùa, mỗi vùng có bài bản khác nhau, tên gọi khác nhau. Song đều được sử dụng làm hiệu lệnh đi săn, đám ma… và giống nhau về cách sử dụng. Chiêng vui trong đám cưới, mừng nhà mới, ngày tốt".
Cũng theo ông Bùi Văn Hiến, khác với các dân tộc ở Tây Nguyên, người Mường không cầm tay vào chiêng để hãm âm lượng khi gõ mà dùng bằng tay bóp chặt dây chiêng lại, làm như vậy để chiêng không bị tức tiếng, tuổi thọ của chiêng vì thế kéo dài hơn. Dàn cồng chiêng của người Mường bao gồm 4 chiếc, 6 chiếc, 8 chiếc, 10 chiếc. Một bộ đầy đủ nhất phải có 12 chiếc to, nhỏ khác nhau. Người Mường cho rằng, số lượng 12 chiếc chiêng là biểu hiện của 12 tháng trong năm. Số người biểu diễn bao giờ cũng là một nửa nam, một nửa nữ - điều này thể hiện tín ngưỡng phồn thực cân bằng âm dương…Chiếc cồng to nhất gọi là “dàm” hay chiêng đại được dùng để mở đầu và giữ nhịp cuộc diễn, một đôi nhỏ hơn gọi là chiêng “đám”, một đôi nhỏ nữa gọi là chiêng “bồng bênh” hay còn gọi là chiêng “vặn”, chiêng “lộn bồng” được sử sụng đánh lộn đị lộn lại hòa tấu chung của cả dàn chiêng. Chiếc cồng “chót” có thanh âm cao nhất, thánh thót nhất. Mở đầu hòa tấu là mấy tiếng cồng lớn, tiếp đến là chiêng “lộn bồng”. Dựa vào tiếng và nhịp của chiếc cồng mở đầu cả dàn chiêng cùng hòa âm. Hiện nay có 4 điệu chính thường được các đội cồng chiêng trình tấu là: “Đi đường”, “Rủ nhau vào hội”, “Chúc rượu” và “Giã bạn” (chào).
Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đã gắn chặt với đời sống tâm linh, tình cảm của bà con dân tộc Mường từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, xã hội truyền thống của đồng bào Mường đã nhiều phần thay đổi, khi mặt trái cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến từng gia đình, từng thôn bản, lớp thanh niên ngày nay không còn nhiều tâm huyết với cồng chiêng, trong các thôn, bản thưa vắng dần âm thanh cồng chiêng thì vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này đặt ra hết sức cấp thiết.
Trước tinh hình đó, cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phục dựng các lễ hội và làm sống động không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường là hết sức cần thiết - Ông A Tân, Phó chủ tịch UBND xã Sa Loong nhấn mạnh.
Một điệu múa truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường Thôn Hào Lý
Và tới đây, ngày 31/8/2022, lần đầu tiên cán bộ và nhân dân Thôn Hào Lý, xã Sa Loong tổ chức "Ngày hội văn hóa dân tộc Mường lần thứ nhất năm 2022 gắn với kỷ niệm 77 năm ngày cách mạng tháng 8 thành công (19/8) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9).
Ông Bùi Văn Hiến, Bí thư chi bộ - Thôn trưởng Thôn Hào Lý cho biết : đây là một sự kiện văn hóa quy mô lớn của thôn kể từ ngày lập nghiệp trên quê hương mới. Việc tổ chức ngày hội vừa thể hiện sự tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống vừa để hướng đến chào mừng kỷ niệm niệm 77 năm ngày cách mạng tháng 8 thành công (19/8) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9) và cũng là tết Độc lập của người Mường.
Cũng theo ông Hiến, đến nay các chương trình tham gia Ngày hội đã được bà con trong thôn chuẩn bị chu đáo, luyện tập công phu hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Thông qua việc tổ chức ngày hội để góp phần quảng bá tiềm năng, phát triển du lịch, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của người Mường trong thôn.
Tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng người Mường trong thôn Hào Lý, Ngày hội văn hóa dân tộc Mường lần thứ nhất năm 2022, với những hoạt động mang tính cộng đồng, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong nhân dân sẽ góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên vùng đất nơi ngã ba biên giới; đồng thời tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá du lịch của địa phương./.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|