(ngochoi.kontum.gov.vn): Sáng ngày 27/2, Đồng chí Phạm Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã chủ trì Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn huyện.
Quang cảnh Hội nghị
Qua 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn huyện, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, rà soát, xây dựng các mô hình triển khai thực hiện Cuộc vận động phù hợp đến từng đối tượng, từng địa phương. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi tư duy, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Kết quả qua 2 năm (2021 và 2022) triển khai, đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 107 mô hình, thu hút tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia là 742 hộ, trong đó hộ nghèo là 296, hộ cận nghèo là 97 hộ. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 526,81 triệu đồng.
Qua triển khai thực hiện đã làm cho 502 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục lạc hậu, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó có 255 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,12%; 247 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 61,4%.
Số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, biết tích lũy vốn để đầu tư sản xuất là 526 hộ. Trong đó có 320 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 46,6%; 206 hộ cận nghèo, tỷ lệ 51,2%. Có 268 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; 95 hộ đồng bào DTTS tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã; 191 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS thoát nghèo trong năm 2022.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện Cuộc vận động, trong đó đề nghị Huyện ủy định hướng cần tập trung hơn nhằm tạo sự đồng bộ và thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương và thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được của Đảng ủy các xã, thị trấn, Mặt trận, các đoàn thể huyện và các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn huyện. Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động trên địa bàn trong thời gian đến, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể huyện; Đảng ủy các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tích cực phát huy kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung tại Chương trình phối hợp giữa Ủy ban nhân dân huyện và MTTQ Việt Nam huyện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân; Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là trong việc chọn cây, con giống phù hợp với phong tục, tập quán, khí hậu, thỗ nhưỡng tại địa phương; hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Triển khai công tác đào tạo nghề nông thôn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; giới thiệu, kết nối cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để có sự liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nắm rõ 10 điều biết trong cuốn sổ tay tuyên truyền về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, làm cho Nhân dân hiểu và nắm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động. Chú trọng đối tượng tuyên truyền, vận động là đồng bào dân tộc thiểu số trong đó tập trung vào đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và thực hiện bằng các hình thức sinh động, cụ thể hơn (như “sân khấu hóa cách tuyên truyền”, tổ chức hội thi). Việc lựa chọn đối tượng để triển khai mô hình phải rà soát kỹ, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc lựa chọn mô hình không chạy theo số lượng, đảm bảo xây dựng mô hình đạt chất lượng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân trong việc triển khai thực hiện mô hình. Kịp thời đánh giá và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện Cuộc vận động để tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đảng ủy các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cùng cấp triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU, ngày 18-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn.
Tổ công tác 08 phối hợp Mặt trận và các đoàn thể huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn tuyên truyền về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|