banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Xã Đắk Nông: Tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh gắn với Lễ hội Cha Raang
15-1-2023

(ngochoi.kontum.gov.vn): Chiều ngày 14/1, xã Đắk Nông đã tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh gắn với tái hiện Lễ hội mừng lúa mới (Cha Raang).

Tái hiện nghi thức Lễ mừng lúa mới (Cha Raang)

Về tham dự và chung vui với bà con nhân dân xã có các đồng chí: Phạm Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Dương Đức Ngọc - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện, Nguyễn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban, ngành huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Đắk Nông.

Đắk Nông là một xã nằm ở phía bắc của huyện Ngọc Hồi, với hơn 10 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào Giẻ Triêng là dân tộc bản địa cư trú lâu đời. Giẻ -Triêng (Nhánh Triêng) là một trong những dân tộc có văn hóa rất độc đáo và giàu bản sắc dân tộc. Di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Gié -Triêng vừa mang dấu ấn của cư dân Tây Nguyên vừa in đậm sắc thái Trường Sơn. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc, những tục lệ độc đáo của đồng bào Gỉe Triêng đã và đang được các địa phương đặc biệt quan tâm góp phần gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Kết thúc phần lễ khấn thần lúa, người dân cùng nhau hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày hội

Với người Triêng, Lễ mừng lúa mới là một trong những lễ hội tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc bản địa. Lễ mừng lúa mới của người Giẻ Triêng thường được tổ chức sau mùa thu hoạch vào dịp cuối năm, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng (Trời) ban cho dân làng và tập tục cúng Giàng, cúng các vị thần linh như cúng trời đất,các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.

Quan niệm của người Triêng hoạt động lao động sản xuất cũng như vòng đời của cây trồng, thường kéo dài trong 9 tháng, thời gian còn lại dành để nghỉ ngơi, dành cho lễ hội. Vì vậy hoạt động ca hát, nhảy múa thường được kéo dài trong nhiều ngày, lễ hội mừng lúa mới diễn ra linh đình, dân làng người Triêng làm lễ tạ ơn thần lúa rất to, bếp nhà nào cũng đầy chiêng, ché, gạo nếp, thịt rừng đầy sàn, đầy sân, khói lam quyện từ lúc sáng sớm đến lúc chiều tà.

Lãnh đạo huyện tặng quà cho nhân dân thôn Nông Nội

Theo quan niệm của người Triêng, người đại diện cho dân làng cảm tạ thần lúa phải là người mạnh khỏe, không đau ốm, bệnh tật, gia đình ấm no hạnh phúc, thu hoạch lúa thóc đầy bồ để lên khấn thần lúa (gia xi pra).

Trong lễ cúng mừng lúa mới, nghi thức ném nắm cơm lên mái nhà rông là cầu mong cho dân làng một năm mới bình an, một mùa vụ mới no ấm, dân làng không bệnh tật ốm đau. Bà con trong làng đoàn kết cùng nhau xây dựng thôn làng vững mạnh và phát triển. Nắm cơm khi đã được dính chặt lên mái nhà rông, báo hiệu thần linh đã về với dân làng, lúc đó dân trong làng cùng nhau đánh chiêng, uống rượu, mừng hồn lúa về để được no đủ.

Từ bao đời nay, người dân tộc Triêng luôn coi “trống đôi” là tài sản quý báu, biểu thị sức mạnh trong đời sống vật chất, tinh thần của con người. Vai trò và tác dụng của múa trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho các cuộc hội vui đến nức lòng, Sự có mặt của trống đôi luôn làm cho người ta say hội; làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, chảy rót vào nhau, tạo cho cuộc hội đạt tới cao trào của sự hứng khởi.

Đánh trống đôi là một cách nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn, luôn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp, tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất êm tai. Còn ví như không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, tức giận, biểu hiện coi thường bạn chơi. Do đó, nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp “ngang sức ngang tài” người tung, kẻ hứng, hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn.

Kết thúc phần lễ khấn thần lúa, người dân nơi đây cùng nhau hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày hội. Tại đây mọi người lại được tự do vui chơi thoải mái, tất cả dân làng cùng tụ tập lại nhà rông ăn uống, nhảy múa hát hò, theo tiếng chiêng, nhịp trống, tối đến thì nhảy múa xung quanh đống lửa, sau khi đã vui chơi thỏa thích.

Sau phần tái hiện Lễ hội mừng lúa mới (Cha Raang), xã Đắk Nông đã tổ chức trao bánh chưng xanh và quà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ngọc Hồi có 20 suất quà gửi đến các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua hoạt động nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và của cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng xã Đắk Nông nói riêng. Tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Những chiếc bánh chưng xanh thơm ngát đã được trao đến tay các hộ nghèo, cận nghèo thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chung tay chia sẻ yêu thương với đồng bào nghèo, khó khăn, giúp đồng bào có thêm điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Thy Thảo
Số lượt xem:2911
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 4937 Số người online:
Phát triển:TNC