Cựu chiến binh giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh |
Di tích Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Chiến dịch Đăk Tô 01 năm 1967, chiến dịch Đăk Tô 02 năm 1969 và đặc biệt là chiến dịch Xuân - Hè 1972.
Những sự kiện đó mang tính bước ngoặt lịch sử, góp phần làm thất bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trên địa bàn Đông Dương mà cụ thể là chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân khỏi Việt Nam.
Từ đó, huyện Đăk Tô nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đã trở thành hậu phương vững chắc cho lực lượng chủ lực của ta hoạt động (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh tiền phương đường Trường Sơn); địa điểm lập kho tàng, tích trữ lương thực, tập hợp lực lượng, bảo đảm an toàn cho hành lang chiến lược đường dây 559 thông suốt vào tận tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Tây Ninh, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho chiến thắng10/3/1975 tại Tây Nguyên và 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện nay, diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ của di tích Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh nằm trải rộng trên địa bàn xã Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, với diện tích cần bảo vệ I và II là 90,8ha, bao gồm Sân bay Phượng Hoàng, Sân bay L19, Khu căn cứ E42 -Tân Cảnh và các hạng mục công trình Nhà bia-Nhà trưng bày, Nghĩa trang liệt sĩ Đăk Tô. Các hạng mục công trình di tích trở thành một hệ thống di tích khép kín, nằm trên trục đường Hồ Chí Minh nên rất thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ngày 18 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 93/QĐ-TTg về bổ sung Di tích Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, thuộc huyện Sa Thầy và huyện Đăk Tô vào Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Trước khi có quyết định công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh, UBND huyện Đăk Tô đã phối hợp các ngành liên quan triển khai xây dựng một số hạng mục công trình thuộc quần thể của di tích, gồm: Bia tưởng niệm do huyện đầu tư xây dựng năm 2002, đến năm 2012 huyện tiến hành trùng tu, sửa chữa; Nhà trưng bày di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư xây dựng và bàn giao cho huyện quản lý từ năm 2008; năm 2009 công trình bị hư hỏng một số hạng mục do bão số 9 gây ra, sau đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khắc phục và đưa vào sử dụng.
Sau khi có quyết định công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh, năm 2018, UBND huyện Đăk Tô phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành tu bổ nhà bia di tích, nhà trưng bày và các hạng mục phụ trợ thuộc khu di tích.
Dấu tích hố bom do Mỹ - Ngụy thả trong Chiến dịch Xuân - Hè 1972 nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh |
Để khai thác và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các địa phương, cơ quan, ngành giáo dục và đề nghị các đoàn thể huyện thường xuyên phát động tổ chức các buổi tham quan dành cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, các đợt học tập, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh các cấp; qua đó, giúp cho thế hệ trẻ hiểu được lịch sử đấu tranh truyền thống của các thế hệ cha, anh đi trước, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích, thúc đẩy hoạt động tham quan gắn với phát triển du lịch lịch sử của địa phương.
Thực hiện Quyết định số 1074/QĐ-UBND, ngày 19/11/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian tới, UBND huyện Đăk Tô sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tiến hành tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh từ nguồn ngân sách Trung ương.
Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô -Tân Cảnh đã từng bước được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế muốn khám phá và tìm hiểu về chiến trường xưa. Đây là nơi tổ chức nhiều sự kiện về nguồn cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhằm tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ con cháu về những chiến công vang dội của quân và dân Tây Nguyên, về những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng./.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|