banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Văn hóa bên mâm cơm gia đình
8-4-2015

Bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với người Việt. Không chỉ đơn thuần ăn để no, cung cấp năng lượng nhằm duy trì sự sống. Bữa ăn của người Việt là một quá trình hoạt động mang đậm nét văn hoá Á Đông: phản ánh tư duy tổng hợp, trọng tình cảm và đề cao nguyên lý âm-dương hoà hợp. Khác với bữa ăn của người phương Tây, mâm cơm của người Việt không chỉ có chất đạm (cá, thịt, trứng…) và tinh bột (lúa, ngô, khoai, sắn…) mà còn phải có bát canh, đĩa rau (có thể rau luộc, rau xào hoặc rau sống), có gia vị như nước mắm hoặc nước tương để chấm thức ăn; tuỳ theo theo vùng miền, bữa cơm còn có thêm đĩa cà muối, bát mắm nguyên chất đặc trưng (mắm cái, mắm tôm…). Đồng thời, theo quan niệm dân gian “bệnh từ miệng mà vào”, do đó, việc ăn uống đối với người Việt, phải đúng cách để vừa đảm bảo năng lượng vừa có tác dụng phòng, tránh và chữa được bệnh tật, vì theo y học cổ truyền, căn nguyên chủ yếu của bệnh tật là do trong cơ thể âm-dương mất cân bằng, không hoà hợp.

Tư duy tổng hợp và trọng tình trong bữa cơm truyền thống.

Tư duy tổng hợp thể hiện trong thành phần mâm cơm của người Việt, đó là sự đa dạng của nguồn nguyên liệu đầu vào. Xuất phát từ đặc trưng văn hoá nông nghiệp, do đó nguyên liệu dùng để chế biến món ăn của cư dân Việt rất phong phú. Hầu như những nguyên liệu không có chất độc gây hại cho sức khoẻ con người thì đều có thể dùng để chế biến được, thậm chí còn có thể “lấy độc trị độc”. Một trong những món ăn đặc trưng nhất trong mâm cơm của người Việt phản ánh tư duy tổng hợp đó là món rau sống.

Không phân biệt vùng miền, bất cứ ở đâu, trên dãy đất hình chữ S này, hầu như trong các bữa cơm truyền thống đều không thể thiếu món rau sống. Rau sống không phải là tên của một loại rau, mà tên gọi đầy đủ phải là “rau để ăn sống” (để phân biệt với rau đã nấu chín). Có thể rất nhiều người không để ý đến đặc trưng văn hoá Việt trong món rau sống. Thực chất, tư duy tổng hợp của người Việt thể hiện rất đậm nét trong món rau sống. Nó thể hiện sự dung hoà rất nhiều loại rau khác nhau trong món ăn này. Từ rau mọc dưới nước đến rau mọc trên cạn, từ cây thân mềm, thảo mộc cho đến cây tiểu mộc, từ cây có mùi đến cây có vị, từ cây mầm cho đến cây trưởng thành, từ rễ, thân, lá cho đến hoa, quả… Nếu như làm một phép thống kê các loại rau để ăn sống có thể có đến hàng trăm loài. Có lẽ trên thế giới không nhiều nước có một món ăn đặc biệt như món rau sống của Việt Nam. Nó đặc biệt không chỉ ở thành phần, cách chế biến mà còn ở cách ăn. Ăn rau sống đúng nghĩa là phải ăn chung, trong một mâm cơm món rau sống thường bày ở giữa, mọi người dùng đũa gắp và chấm với nước mắm, nước tương và ăn cùng với các món khác.

Cách chuẩn bị và chế biến món ăn của người Việt không kém phần tinh tế và đậm chất văn hoá truyền thống. Không những đa dạng về nguyên liệu, cách chế biết thức ăn của người Việt cũng rất “tổng hợp”. Khi chế biến thức ăn, ngoài nguyên liệu chính và muối, người Việt sử dụng rất nhiều phụ gia đi kèm như dầu, mỡ, hành, tỏi, bột nghệ, bột ớt, các hương liệu và rau thơm. Khi chế biến thức ăn người Việt luôn chú ý đến yếu tố dung hoà, để một món mà đa số các thành viên đều có thể ăn được. Người nội trợ luôn ưu tiên chú ý đến sự hài lòng người già, trẻ em, người đau ốm và khách mời trong khi chế biến thức ăn. Bữa cơm chỉ thật sự ngon và ấm áp khi tất cả các món ăn được chế biến phù hợp với nhu cầu của các thành viên. Ấy là cái tình ẩn chứa đằng sau mâm cơm vậy!

Người Việt không chỉ ăn bằng động tác cơ học của tay và miệng, mà ăn cả bằng mắt, mũi và tai. Do đó, đã chế biến được món ăn ngon thì phải có cách bày trí mâm cơm đẹp mắt để tạo cảm giác thích thú thu hút đối với người ăn. Ông cha ta nói “người đẹp vì lụa” không chỉ để nói về con người mà ứng dụng vào mâm cơm cũng rất hợp lý. Nếu món ăn ngon là một mỹ nữ thì cách bày trí món ăn là bộ xiêm y để tôn lên vẻ đẹp của mỹ nữ đó và ngược lại, nếu món ăn được chế biến từ sơn hào hải vị nhưng không biết bài trí lên mâm thì cao hương mỹ vị ấy phỏng có ý nghĩa gì! Để bày trí được mâm cơm đẹp mắt, không nhất thiết phải là đầu bếp chuyên nghiệp. Người Việt rất linh hoạt và sáng tạo trong bày trí món ăn để làm sao cho phù hợp với không gian, thời gian bữa ăn, các món ăn, màu sắc từng loại, vị trí ngồi của các thành viên… Có như vậy, bữa ăn mới thật sự thú vị.

Cách ăn của người Việt cũng rất đặc biệt. Theo cách ăn truyền thống, trong một bữa ăn, người ăn chỉ duy nhất có 02 dụng cụ riêng biệt đó là bát (chén) ăn cơm và đôi đũa (hoặc thìa, muỗng cho trẻ con và những trường hợp đặc biệt), còn lại tất cả đều dùng chung. Đây lài một đặc điểm văn hoá trong ẩm thực Việt Nam. Nếu người phương Tây, dù ngồi chung mâm nhưng khẩu phần ăn thường được chia cho từng người, còn với chúng ta hầu hết đều ăn chung từ cơm đến canh, thịt, cá, rau, mắm… Khi ăn người Việt còn gắp thức ăn cho nhau, đó là hành vi văn hoá, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên. Trong lúc ăn, người Việt thường chuyện trò rôm rả tuỳ theo tính chất, chủ đề của bữa cơm. Nếu ăn trong tiệc cưới thì trò chuyện và chúc phúc, nếu ăn giỗ thì ôn lại quá khứ của người quá cố, ăn tất niên thì tống cựu, nghênh tân, chiêu đãi thì ngoại giao, khách sáo, ăn cơm hàng ngày, các thành viên trong gia đình trò chuyện về công việc, học tập, sinh hoạt… của từng người. Bữa cơm sẽ rất nặng nề và khó ăn nếu các thành viên không ai nói với ai điều gì.

Rất nhiều người Việt Nam có đồng quan điểm: Không khí bữa cơm quan trọng hơn thức ăn trong mâm cơm! Thật vậy, đối với người Việt, bữa cơm chung còn là một hoạt động giao tiếp. Ông cha ta quan niệm, hạnh phúc gia đình là lúc “cơm dẻo, canh ngọt”, một khi “cơm không lành, canh không ngọt” thì hạnh phúc sẽ vụt bay. Ai cũng có thể thuộc câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon”. Sự ngon trong câu ca dao này đã không còn mang ý nghĩa vật chất, nó vượt lên trên giới hạn của vật chất đời thường. Ai cũng có thể hình dung ra cảnh một gia đình rất Việt Nam, bữa cơm tuy nghèo nhưng hạnh phúc có thừa. Ở mâm cơm giản dị này có sự tận tuỵ của người vợ hiền chăm sóc chồng con, ánh lên trong mắt người chồng niềm hạnh phúc vô biên. “Râu tôm, ruột bầu”, trong hoàn cảnh này, anh chồng vẫn “gật đầu khen ngon”, phải chăng là tự tìm vui trong cảnh cơ hàn. Không! Điều đó gián tiếp khẳng định một chân lý: Không phải sơn hào, hải vị, mâm cao cỗ đầy mà hạnh phúc chỉ mỉm cười khi chúng ta biết yêu thương, chia xẻ.

Nguyên lý âm - dương trong bữa cơm truyền thống.

Âm-dương hài hoà là thuật căn bản trong ăn uống của người Việt. Trước hết triết lý âm-dương thể hiện ở cách chuẩn bị món ăn: Mùa nào thức ấy. Mùa đông, mùa mưa thì ưu tiên các món mặn, kho, chiên, xào, có chút cay cay để giúp cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, chống lại cái lạnh của trời đất. Mùa hè, mùa khô mâm cơm được chuẩn bị với các món như canh chua, canh cua, các món luộc, kho nhạt hay kho chua ngọt… để bù đắp lượng nước đã mất do nắng nóng, giúp làm mát cho cơ thể. Đối với những người đau ốm, mệt mỏi, việc chuẩn bị món ăn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Một người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược cần phải ăn những thức ăn bổ dưỡng để khôi phục sức khoẻ; một người đang bị đau bụng, khó tiêu thì hạn chế hoặc không nên ăn các thức ăn tươi sống, để nguội, lạnh.

Bên cạnh đó trong quá trình chế biến món ăn của người Việt, triết lý âm - dương được thể hiện rất rõ qua mấy câu đồng dao sau đây: “Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.”

Nói tóm lại, triết lý âm - dương trong chế biến một món ăn là không được kết hợp những nguyên liệu có cùng thuộc tính; trong một mâm cơm, không được chế biến các món ăn có cùng một thuộc tính (âm, dương, nóng, lạnh…) mà phải theo nguyên tắc âm dương hoà hợp, trong âm có dương, trong dương có âm, lấy âm khắc dương và lấy âm chế dương. Không tuân thủ theo nguyên tắc âm-dương hợp, nếu nhẹ thì khó tiêu hoá, nặng thì mang bệnh vào thân.

Ẩm thực đối với người Việt là một phần rất quan trọng, vì vậy, ông cha ta có câu “Có thực mới vực được đạo”. Ẩm thực quan trọng không phải là vấn đề vật chất, mà ăn uống còn là vấn đề văn hoá. Do đó, động từ “ăn” có tầng suất xuất hiện rất nhiều cùng các từ khác như: ăn nói, ăn mặc, ăn ở, ăn học, ăn chơi, ăn tết, ăn giỗ…; bên cạnh đó từ “ăn” xuất hiện rất nhiều trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam: Ăn Bắc nằm Nam; Ăn bát cháo chạy ba quãng đồng; Ăn bát cơm đầy nhớ ngày gian khổ; Ăn bữa giỗ lỗ bữa cày; Ăn cây táo rào cây sung, Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau… Có nhiều người không tìm hiểu đến nơi, đến chốn về triết lý ẩm thực của người Việt nên có nhận định chủ quan rằng: Do ngày xưa đói khát, nên người Việt chỉ nghĩ đến việc ăn uống nên cái gì cũng gắn với chữ “ăn”

Ngày nay, xã hội hiện đại vận động và phát triển nhanh chóng cùng với sự giao thoa văn hoá Đông - Tây, do đó nhiều giá trị văn hoá truyền thống mất đi hoặc tinh lượt bớt cùng với sự xâm nhập lối sống văn hoá nước ngoài. Trong xu thế đó, bữa cơm của gia đình người Việt đã bị tác động ít nhiều. Nếu như bữa cơm xưa được chuẩn bị công phu, cẩn trọng, cả nhà thường ăn chung, là dịp để giao tiếp, trò chuyện tâm tình, thì ngày nay người Việt có xu thế ăn nhanh và ít ăn chung.

Nhịp sống hối hả, nhất là ở các đô thị, do đó người ta không có quá nhiều thời gian để thường xuyên đi chợ, lựa chọn nguyên liệu, chế biến món ăn cầu kỳ phù hợp với từng thành viên trong gia đình, có chăng thì chỉ vào những ngày lễ, tết, ngày cuối tuần, những dịp gia đình có giỗ hay có khách. Còn phần các bà nội trợ ưu tiên chọn những món chế biến đơn giản, nhanh gọn với tiêu chí đảm bảo dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn chọn các món ăn nhanh, những món ăn chế biến sẵn hay đi ăn ở hàng, quán… để tiết kiệm thời gian. Ngày nay, việc duy trì thường xuyên bữa cơm chung cho gia đình thật không dễ chút nào. Có nhiều người tâm sự, rất muốn hàng ngày duy trì bữa cơm gia đình, nhất là buổi tối để gắn chặt tình cảm giữa vợ chồng, con cái nhưng nhiều khi khó thực hiện.

Việt Nam đang từng bước chuyển sang một xã hội công nghiệp, xã hội mà sự cạnh tranh của mỗi người để có cuộc sống tốt hơn trong xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ, áp lực cuộc sống luôn đè nặng trên vai mỗi người, nên thời giời gian để các ông bố, bà mẹ trẻ dành cho gia đình không có còn nhiều như trước. Hy vọng, trong cuộc sống gia đình mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại hãy vun đắp hạnh phúc gia đình bằng những việc có thể rất giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa, để cuộc sống quanh ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và, bữa cơm gia đình sẽ mãi đầm ấm, ngập tràn yêu thương. Có một danh nhân đã nói rằng: ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:3946
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 4834 Số người online:
Phát triển:TNC