banner
Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Kỷ niệm Ngày truyền thống các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng
15-10-2020

(ngochoi.kontum.gov.vn):Trong không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống các ban Đảng, Văn phòng cấp ủy và 72 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng. Đây là dịp để cùng nhìn lại những đóng góp to lớn của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng nói chung và những đóng góp của các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy với những thành tựu của Đảng bộ huyện Ngọc Hồi nói riêng; từ đó, đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Từ ngày 03 đến ngày 7-2-1930, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhất trí thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất ở Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam[1]. Cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương được hình thành và nhanh chóng đi vào hoạt động, trực tiếp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng.

Từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời lần thứ nhất diễn ra tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại hội nghị này, Bộ Tổ chức kiêm Giao thông - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng được hình thành; đây chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 14-10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Các thế hệ làm công tác tổ chức của Đảng đã được Đảng trực tiếp lãnh đạo, dìu dắt, đào tạo và xây dựng, trang bị về mục tiêu lý tưởng, về nhân sinh quan của người cộng sản. Điều đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt giúp cho những người làm công tác tổ chức dù ở hoàn cảnh khó khăn nào cũng vượt qua, luôn đứng vững trên vị trí của mình, phấn đấu làm tròn trách nhiệm là cơ quan tham mưu góp phần giúp cấp ủy các cấp xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì vậy, trong suốt chặng đường lịch sử ấy, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã thu được nhiều thành tựu quan trọng góp phần tích cực vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ 310 đảng viên khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh với hàng triệu đảng viên, đã lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Từ sự kiện đó, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10-1930 làm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác dân vận nhằm đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động quần chúng thành lực lượng đông đảo, tham gia các phong trào cách mạng. Đến nay, hệ thống dân vận trong cả nước đã từng bước được kiện toàn đồng bộ, tăng cường cả về số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới.

Cũng tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc Trung ương Đảng - Tiền thân của Văn phòng cấp ủy sau này. Tháng 5-1947, Văn phòng Trung ương Đảng chính thức được thành lập tại xã Quảng Nạp, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Văn phòng Trung ương Đảng đã không ngừng trưởng thành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ghi nhận những thành tích đó, ngày 29-01-2002, Ban Bí Thư Trung ương Đảng ra thông báo quyết định lấy ngày 18-10-1930 là ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là Ngày truyền thống của Văn phòng cấp ủy Đảng.

Từ ngày thành lập Đảng (03-02-1930) đến năm 1948, công tác Kiểm tra của Đảng được trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra của Đảng nhưng chưa phân công cán bộ theo dõi và thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách, nhiệm vụ này do các cấp ủy và các tổ chức Đảng thực hiện. Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ban hành Quyết Nghị số 29-NQ/TW thành lập Ban Kiểm tra trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, sau đó là Ban Kiểm tra của cấp ủy (nay là Ủy ban kiểm tra) được thành lập từ trung ương đến cơ sở. Phát huy truyền thống của ngành, Ủy ban Kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên định lập trường, quan điểm của Đảng; không ngừng rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Điều đáng tự hào là trong mọi thời kỳ của cách mạng, dù trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước hay thời kỳ xây dựng đất nước và kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra vẫn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh; luôn hết lòng hết sức chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ.

Có thể khẳng định, dù ra đời trong những giai đoạn, hoàn cảnh khác nhau, song tựu chung lại, quá trình hình thành và phát triển các bộ phận tham mưu, giúp việc của Đảng hoàn toàn là một khối vận động thống nhất, không thể tách rời, gắn liền với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng đối với cách mạng nước ta. Trải qua quá trình hình thành, xây dựng và trưởng thành, công tác tổ chức, dân vận, kiểm tra, giám sát của Đảng và văn phòng cấp ủy không ngừng được củng cố và phát triển, hệ thống các ban Đảng và đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng từ trung ương đến cơ sở ngày càng trưởng thành, đúc kết được những bài học quý báu từ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng, góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Đối với huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy ra đời và phát triển gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện. Ngày 9-11-1991, Đảng bộ huyện Ngọc Hồi được chính thức được thành lập theo Quyết định số 25-NS/TU của Tỉnh ủy Kon Tum. Theo đó, các cơ quan tham mưu, giúp việc cũng được thành lập, ngày 21-12-1991, Huyện ủy lâm thời huyện Ngọc Hồi ban hành các Quyết định số 01, 02, 03 về việc thành lập Văn phòng Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ngày 13-3-1993, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Dân vận Huyện ủy, Ban Nội chính Huyện ủy[2]. Lúc mới thành lập, tổ chức bộ máy còn sơ khai; qua 7 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy đã ngày càng được kiện toàn, cán bộ các ban Đảng, Văn phòng Huyện ủy đều là những người đạt chuẩn về trình độ, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng; nhiều cán bộ đã tích cực học tập, phấn đầu, rèn luyện và hiện đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của huyện. Trong điều kiện có những khó khăn nhất định, các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy đã luôn bám sát nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất những chủ trương, chính sách giúp cấp ủy triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác trên các lĩnh vực, góp phần giúp cấp ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết, Chỉ thị Đảng. Công tác chính trị tư tưởng đã có những chuyển biến tích cực, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên được nêu cao, tạo được sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Công tác cán bộ được tập trung triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được gắn với công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ được tiến hành dân chủ, công khai, nghiêm túc, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ địa phương về công tác cán bộ; trong đó coi trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nguồn cán bộ tại chỗ, nhất là cán bộ nữ, trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; công tác luân chuyển, điều động cán bộ được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên mới, bảo vệ chính trị nội bộ cũng được tham mưu thực hiện tốt. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác dân vận của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đảm bảo nghiêm túc. Công tác của Văn phòng cấp ủy ngày càng được nâng cao về mặt chất lượng, làm tốt vai trò trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ đắc lực cho sự lãnh, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy; đảm bảo hậu cần, điều kiện, phương tiện làm việc; phối hợp với các ban Đảng, Ủy ban kiểm tra tham mưu giúp cấp ủy điều hành công việc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; công tác văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin, tài chính Đảng ngày càng chính quy, chặt chẽ, khoa học, nâng cao hiệu quả công việc bảo đảm hoạt động của Đảng được thông suốt …Với những thành tích đạt được trong nhiều năm qua, các ban, Đảng, Văn phòng Huyện ủy vinh dự được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen. Những phần thưởng đó là niềm cổ vũ, động viên lớn đối với các thế hệ cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy. Mỗi cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc  Huyện ủy hôm nay và mai sau luôn trân trọng và phát huy, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Đảng trong tình hình hiện nay.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng 14-10, ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng 15-10, ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy 18-10 và 72 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng 16-10, phát huy truyền thống lịch sử quý báu, các Ngành xây dựng Đảng của huyện đã và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác; kiên quyết đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra, sớm đưa huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV trong tương lai gần.

 

 


[1] Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1969) quyết nghị lấy ngày 3-2 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

[2] Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Hồi (tập 1), xuất bản năm 2007.

 

Hà Đại
Số lượt xem:2008
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 4183 Số người online:
Phát triển:TNC