banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 11 năm 2024
Xây dựng, phát triển đô thị tại Ngọc Hồi: Thành tựu, thách thức và định hướng phát triển (phần 1)
13-1-2020

Huyện Ngọc Hồi được thành lập vào ngày 15/10/1991, theo Quyết định số 316/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở chia tách từ các xã Sa Loong, Pờ Y, Đăk Xú của huyện Sa Thầy, xã Đăk Ang của huyện Đăk Tô và xã Dục Nông của huyện Đăk Glei với diện tích tự nhiên 83.936,01ha. Ngày 17/10/1991, thị trấn Plei Kần được thành lập theo Quyết định số 514/QĐ-TCCP của Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) trên cơ sở chia tách một phần diện tích, dân số của xã Đăk Xú. Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, với sự đoàn kết, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, huyện Ngọc Hồi đang từng ngày thay da, đổi thịt, khẳng định vai trò là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Một đô thị đã hình thành ngay tại vùng ngã ba Đông Dương, nơi “một tiếng gà gáy, cả ba nước cùng nghe”. Hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Ngọc Hồi (15/10/1991 – 15/10/2021), xin khái quát qua trình xây dựng đô thị tại Ngọc Hồi từ khi thành lập đến nay.

 

1. Thành tựu xây dựng, phát triển đô thị tại Ngọc Hồi

Khi mới thành lập, cơ sở hạ tầng của của đô thị Plei Kần hoàn toàn chưa phát triển. Cư dân đô thị chưa hình thành. Phân lớn người dân sinh sống tại thị trấn Plei Kần là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, công nhân quốc phòng và một số hộ buôn bán nhỏ lẻ. Nhà cửa thưa thớt, tạm bợ, chủ yếu tập trung dọc tuyến đường Quốc lộ 14 từ ngã tư Công viên Ngọc Hồi đến Chợ thị trấn Plei Kần hiện nay. Mạng lưới giao thông đô thị nghèo nàn, cả thị trấn chỉ có vài ba con đường đất, đá lởm chởm, chưa có lấy một đoạn đường nhựa. Lưới điện thắp sáng chưa có, cả thị trấn chỉ có một trạm phát điện bằng máy Diezen công suất thấp, phát mỗi đêm vài giờ đồng hồ. Thương mại, dịch vụ chưa phát triển, chưa hình thành chợ, cả thị trấn chỉ có một cửa hàng thương mại do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, với vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, huyện Ngọc Hồi được Trung ương và tỉnh Kon Tum quan tâm đầu tư về mọi mặt, nhất là đầu tư xây dựng thị trấn Plei Kần tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. “Chỉ sau 2 năm thành lập, một thị trấn huyện lỵ biên giói khá khang trang đã định hình trên vùng đất vốn là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum”[1]… Đến năm 2005, “hệ thống kết cấu hạ tầng huyện đã có bước phát triển căn bản, làm thay đổi diện mạo thị trấn Plei Kần”; “Thị trấn Plei Kần được quy hoạch, phát triển khá đồng bộ với hệ thống đường thảm nhựa, thoát nước vỉa hè, các đường mới ỏ khu quy hoạch phía Nam thị trấn và đường D5, D6, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp”[2]. “Phấn đấu đến năm 2010, xây dựng thị trấn Plei Kần đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV”[3].

Nhằm khai tác hết tiềm năng, thế mạnh của một địa bàn chiến lược của khu vực Bắc Tây Nguyên, trên cơ sở đề xuất của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các bộ ngành trung ương, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 225/QĐ-TTg, ngày 08/02/2007, về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trong đó định hướng phát triển không gian đô thị tại Ngọc Hồi, từ đô thị trung tâm là thị trấn Plei kần, phát triển theo 04 hướng chính: Phía Bắc: Là đô thị Bắc Bờ Y, phát triển dọc quốc lộ 14, đoạn từ thị trấn Plei Kần đi Đà Nẵng đến thôn Nông Nhày, xã Đắk Dục; diện tích tự nhiên khoảng 3.300 ha. Phía Nam: Là đô thị Nam Bờ Y, phát triển dọc quốc lộ 14C, đoạn từ thị trấn Plei Kần đi huyện Sa Thầy đến xã Sa Loong và Nông trường 732; diện tích tự nhiên khoảng 1.600 ha. Phía Tây: Là đô thị Tây Bờ Y, phát triển dọc quốc lộ 40, đoạn từ thị trấn Plei Kần về cửa khẩu Bờ Y đến giáp biên giới Lào và Campuchia; diện tích tự nhiên khoảng 1.200 ha. Phía Đông: Là đô thị Đông Bờ Y, phát triển dọc theo quốc lộ 14, đoạn từ thị trấn Plei Kần đi Kon Tum đến giáp sông Pô Kô; diện tích tự nhiên khoảng  2.700 ha.

Quyết định 225/QĐ-TTg ra đời là kết quả của sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và của tỉnh Kon Tum đối với một vùng đất khó khăn nhưng có nhiềm tiềm năng và lợi thế phát triển và đáp ứng nguyện vọng trước mắt và lâu dài của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi. Từ sau quyết định có “tính lịch sử” của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2007, Ngọc Hồi vươn mình đứng lên mạnh mẽ, cả huyện như một công trường lớn, nhất là tại thị trấn Plei Kần và khu vực Cửa khẩu Bờ Y. Ngọc Hồi như một “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư từ khắp nơi đến tiềm kiếm cơ hội làm ăn. Riêng tại đô thị Plei Kần, trong thời gian này, hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư mạnh mẽ, đường mở đến đâu, nhà cửa, công trình mọc lên đến đó, tựa hồ như những rẫy đồi cà phê đâm chồi, xanh lá sau những trận mưa rào mùa xuân!

Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng Ngọc Hồi trở thành đô thị tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 và Nghị quyết số 35/NQ-HĐND, ngày 05/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 1411/QĐ-UBND, ngày 30/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và thành lập thị xã Ngọc Hồi vào cuối năm 2015, trong đó xác định mục: “Khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để huyện Ngọc Hồi trở thành một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng hoàn thiện khu trung tâm hành chính mới của huyện theo quy hoạch được duyệt để đến cuối năm 2015 thành lập thị xã Ngọc Hồi thuộc tỉnh”. Tiếp đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND, ngày 31/7/2012 phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Về phát triển đô thị ở Ngọc Hồi, Uỷ ban nhân dân tỉnh định hướng: “Đến năm 2015, nâng cấp thị trấn Plei Kần lên đô thị loại 4 và thành lập thị xã Ngọc Hồi”. Đến giai đoạn 2012 - 2025, đô thị Khu kinh kế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đạt tiêu chuẩn đô thị loại II (đô thị chuyên ngành), “Lấy thị xã Ngọc Hồi là hạt nhân, làm động lực phát triển cho các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các đô thị Đăk Glei, Đăk Tô, Mô Rai.”

Thực hiện chủ trương của tỉnh, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Hồi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, lập quy hoạch xây dựng đô thị Plei Kần đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, làm cơ sở để đề nghị thành lập thị xã Ngọc Hồi đảm bảo tiến độ. Trên cơ sở xem xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Hồi và các sở ngành liên quan, năm 2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 459/QĐ-UBND, ngày 28/6/2013 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Trong đó phê duyệt: Khu vực lập quy hoạch toàn thị trấn Plei Kần hiện nay (gồm các tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7; các thôn 4, 5, 6, 7) và mở rộng một phân diện tích của xã Đăk Xú (các thôn Chiên Chiết, Đăk Tang, Ke Joi, Xuân Tân).

Triển khai thực hiện Quyết định của tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện tranh thủ sự quan tâm của cấp trên, tập trung các nguồn lực đầu tư, xây dựng và đánh giá khu vực thị trấn Plei Kần mở rộng theo tiêu chuẩn đô thị loại IV. Sau những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngọc Hồi, kết quả, năm 2015, Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Plei Kần mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV (Theo Quyết định số 129/QĐ-BXD, ngày 02/02/2015). Theo đó, thị trấn Plei Kần mở rộng (bao gồm thị trấn Plei Kần và diện tích các thôn Chiên Chiết, Đăk tang, Ke Joi, Xuân Tân thuộc xã Đăk Xú), tổng diện tích 2.896,2ha.

Đáng tiếc là, trong khi Huyện Ngọc Hồi đã gần như hoàn chỉnh hồ sơ Đề an đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập thị xã Ngọc Hồi và các phường thuộc thị xã Ngọc Hồi, Bộ Nội vụ có văn bản 2660/BNV-CQĐP, ngày 23/6/2016, yêu cầu các địa phương tạm dừng việc trình Chính phủ hồ sơ, đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho đến khi có quy định mới của cấp có thẩm quyền. Như vậy, chỉ sau 10 năm (tập trung từ năm 2005 đến 2015) tập trung lãnh đạo, đầu tư, phấn đấu xây dựng, đô thị Plei Kần mở rộng đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, là cơ sở quyết định để thành lập thị xã Ngọc Hồi và các phường thuộc thị xã. Với văn bản của Bộ Nội vụ, việc lập hồ sơ, đề án thị xã Ngọc Hồi phải tạm gác lại nhưng quá trình xây dựng đô thị tại Ngọc Hồi không dừng lại ở đó.

Thực hiện Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân huyện Ngọc Hồi tiếp tục chỉ đạo, triển khai lại toàn bộ thủ tục phân loại đô thị và đánh giá tiêu chuẩn thành lập thị xã theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. Trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Hồi và các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 270/QĐ-UBND, ngày 25/3/2016 về việc điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Plei Kần đến năm 2030. Từ đây, Uỷ ban nhân dân huyện tiếp tục đầu tư, xây dựng, mở rộng khu vực đô thị để làm cơ sỏ đánh giá khu vực thành lập thị xã Ngọc Hồi đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Hiện nay, quá trình khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ, đồ án quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi, đánh giá khu vực thành lập thị xã Ngọc Hồi đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và Đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi và các phường thuốc thị xã Ngọc Hồi được triển khai thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao nhằm đạt Ngọc Hồi trở thanh thị xã trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, đến cuối năm 2019, quá trình xây dựng đô thị tại Ngọc Hồi đã gần được 30 năm. Từ một một địa phương mới thành lập, điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn, hạ tầng đô thị hầu gần như chưa có gì, đến nay, tại Ngọc Hồi, một diện mạo đô thị vùng biên trẻ trung, năng động đã dần rõ nét. Khu vực nội thị của thị xã trong tương lại không chỉ là thị trấn Plei Kần mở rộng đã được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV năm 2015, mà được định hướng phát triển đến hết địa giới hành chính của xã Đăk Xú, Pờ Y, Đăk Kan, để hướng tới thành lập 04 phường tương ứng và các 04 xã ngoại thị: Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang và Sa Loong. Trong tương lai, thị xã Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 08 đơn vị hành chính cấp xã, với 4 phường và 4 xã.

Có thể tổng kết, đánh giá khái quát thành tựu xây dựng đô thị tại Ngọc Hồi đến cuối năm 2019 như sau: “Đô thị Ngọc Hồi là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội… của vùng phái Bắc tỉnh Kon Tum; là trung tâm kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông – Tây trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia; là khu vực cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Kon Tum có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Kon Tum và vùng Bắc Tây Nguyên.”

(Còn nữa)


[1] Lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Hồi (2007), Tập I, tr.71-72.

[2] Sđd, tr.184-185.

[3] Sđd, tr.215.

 

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:988
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 4780 Số người online:
Phát triển:TNC