banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên khi tham gia mạng xã hội
6-1-2020

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội, song cũng phải nhận thấy, các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Những người tham gia mạng xã hội thường được phân làm 3 nhóm: Một là, nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước, địa phương diễn ra. Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Hai là, nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc, cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Ba là, nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến trái chiều, phản động mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra, phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông...

Việc tham gia hay không tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Song với vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, công chức cũng cần nhận thức đầy đủ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội, nhất là xác lập thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn của bản thân trong giao tiếp, tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội. Thời gian qua, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm, tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì vẫn còn số ít đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những thông tin xấu độc.

Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước trên mạng xã hội, các cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên cần lưu ý và thực hiện tốt một số nội dung sau:   

Một là, mỗi cán bộ, công chức đảng viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Phải luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Cảnh giác trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó phải có ý thức tự giác, phát huy tính kỷ luật của người cán bộ, đảng viên trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận Thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng; những điều Đảng viên không được làm (Quy định 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng)…

Hai là, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên khi tham gia mạng xã hội cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với đó phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý.

Ba là, phát huy vai trò, tính chủ động của Ban Chỉ đạo các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 35); đẩy mạnh tuyên truyền đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; bên cạnh đó cần định hướng những trang thông tin, những tài khoản facebook chính thống để cán bộ, công chức, đảng viên theo dõi, cập nhật thông tin.

Bốn là, các cấp ủy, chính quyền cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng kịp thời dư luận xã hội trong cán bộ, công chức đảng viên; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

 

Hà Đại
Số lượt xem:4066
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 1204 Số người online:
Phát triển:TNC