banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020
2-11-2020

(ngochoi.kontum.gov.vn): Ngày 31/10, Bộ GD- ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu huyện, đồng chí Y Lan – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện dự và chủ trì.

Hội nghị tại điểm cầu huyện Ngọc Hồi

Trong năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên - toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều kết quả tích cực.

Năm học 2019 - 2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Năm học diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; với thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành Giáo dục.

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm nền nếp, chất lượng hơn. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63 tỉnh/thành phố); duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. Bộ GD-ĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường. Bên cạnh đó, chính sách này cũng phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đây là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục - đào tạo cả nước định hướng chung cho giai đoạn 2021- 2025 là tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đối với giáo dục phổ thông triển khai thành công chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội; đối với giáo dục Đại học đẩy mạnh thực hiện tự chủ theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật giáo dục Đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện đổi mới giáo dục - đào tạo nhưng không được tách rời khỏi điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, trong đó có chỉ tiêu biên chế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên. Ngành Giáo dục và Đào tạo phải hết sức cầu thị, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, dù gay gắt nhưng đúng đắn của người dân. Thời gian đến, ngành phải thật sự quyết liệt đi trước một bước về hội nhập quốc tế, không đi ngược lại với xu thế của thế giới; phải đảm bảo đủ trường, lớp, giáo viên, điều kiện để học sinh phổ thông học hiệu quả 2 buổi/ngày; các thiết chế giáo dục không chỉ là của chính quyền mà còn là của cộng đồng và phải được quản trị bằng cộng đồng.

“Ngay sau Hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá sâu hơn nữa về quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đề ra những hướng đi hiệu quả hơn, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu.

Trước khi khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ ngành giáo dục - đào tạo miền Trung vượt qua khó khăn, trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung cho việc tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường…/.

Thy Thảo
Số lượt xem:503
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5950 Số người online:
Phát triển:TNC