banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 11 năm 2024
Bàn thêm về trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
4-12-2019

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương (gọi chung là người đứng đầu) là những việc được làm, phải làm với hiệu lực và kết quả tốt; nếu không làm, làm sai, làm nhưng không mang lại kết quả tốt, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc với cơ quan, người có thẩm quyền cao hơn.

Trách nhiệm giải trình của người đứng đầu là việc cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó (Theo khoản 1, Điều 3, Nghị đinh 80/2013/NĐ-CP, ngày 08/8/2013).

Như vậy, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có mối quan hệ mật thiết với nhau: quyền hạn, nghĩa vụ đến đâu thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và giải trình đến đó. Điều này cũng đồng nghĩa với nguyên tắc không thể quyền hạn, nghĩa vụ là của người này nhưng chịu trách nhiệm và giải trình là việc của người khác.

 

(Hình minh hoạ) Giải trình tốt sẽ tạo sự đồng thuận cao

Sinh thời, khi nói về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,v.v. là không có tinh thần trách nhiệm”. Như vậy, từ quan điểm của Bác Hồ có thể hiểu rộng ra, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nói chung và của người đứng đầu nói riêng là phải làm tròn nhiệm vụ, phận sự, công việc, thẩm quyền được giao hoặc lời cam kết của bản thân trước Đảng, Nhà nước, đặc biệt với nhân dân, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không tốt hoặc mắc phải sai lầm do chủ quan, duy ý chí thì phải nhận hậu quả bất lợi về bản thân.

Bên cạnh đó, Bác Hồ cũng chỉ ra “lỗi” mà ngày nay, bộ máy hành chính của chúng ta đang mắc phải: “Nhiều Ủy ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp... Nhiều ủy viên trong các Ủy ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xỏa nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì…”. Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đâu chỉ dừng lại “bảo sao làm vậy, sai đâu đánh đấy” theo kiểu “đập đi hò đứng” mà phải năng động, sáng tạo như “Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ”. Muốn làm được điều này, Bác yêu cầu cán bộ, công chức phải “tự động” trong thực thi nhiệm vụ. Theo Người “… tự động không phải là tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu nghĩa tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng... Hành động như vậy, các Ủy ban đó đã vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca”.

Để khắc phục “lỗi” thiếu “tự động” của cán bộ, công chức, Bác Hồ chỉ ra thuốc: “Không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú” “... các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện...”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao thì phải chủ động, tích cực, xây dựng tác phong làm việc khoa học, làm việc gì cũng phải có kế hoạch, phải vạch ra chương trình hợp lý để thực hiện đạt kết quả và có khả năng dự báo được tình hình, sẵn sàng phương án, biện pháp dự phòng, hạn chế thất bại, rủi ro đáng tiếc. Làm việc như vậy, theo quan điểm của Bác Hồ là: “... có hăng hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng”.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số và truyền thông không biên giới, bên cạnh công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Đảng và Nhà nước,  mọi lời nói, việc làm của cán bộ, công chức đều được nhân dân và các chủ thể phi nhà nước giám sát chặt chẽ. Do đó, đòi hỏi những nhà quản lý không chỉ nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, mà phải thực hiện quyền và nghĩa vụ giải trình, minh bạch mọi hoạt động thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình với cấp có thẩm quyền (thông thường là cấp uỷ đảng và cấp trên trực tiếp); với cấp dưới và đặc biệt là giải trình trước nhân dân. Có thể nói, người cán bộ đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức đều phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo 3 hướng cơ bản: giải trình với cấp trên, giải trình với cấp dưới và giải trình với nhân dân.

Trách nhiệm giải trình đối với cấp trên: Nhà quản lý phải dựa vào các quy định của pháp luật, tuân thủ các quy chế, quy tắc, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao để làm rõ nguyên nhân thành-bại của công việc mình phụ trách, đồng thời phải gắn trách nhiệm của cá nhân đối với kết quả công tác của cơ quan, đơn vị. Thực hiện giải trình với cấp trên là cách để người lãnh đạo thể hiện năng lực và bản lĩnh của mình trong quá trình điều hành tại đơn vị, là minh chứng cho khả năng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu” của người lãnh đạo, quản lý hiện đại.

Trách nhiệm giải trình với cấp dưới: Khoa học lãnh đạo, quản lý chỉ ra rằng: Người đứng đầu tổ chức như là người dẫn đường, chỉ lối, huy động sự tập trung trí tuệ, năng lực của thuộc cấp để mưu sự việc chung. Vì vậy, muốn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nhà quản lý phải có khả năng giải trình với cấp dưới của mình. Giải trình không chỉ diễn ra sau khi công viêc hoàn thành mà phải giải trình trong cả 3 khâu: chuẩn bị, thực hiện và kết thúc nhiệm vụ. Giải thích cho cộng sự và cấp dưới nắm được mục tiêu, yêu cầu của công việc; nhiệm vụ của từng người; nhận thức được nguồn lực hiện có, những thuận lợi, khó khăn, rủi ro có thể gặp phải để chủ động phương án ứng phó. Giải trình với cấp dưới còn có ý nghĩa động viên, huy động sự tích cực, chủ động, sáng tạo của cấp dưới đối với nhiệm vụ được giao; giải trình sau khi kết thúc hoạt động là sự phân tích, đánh giá kết quả, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm…, từ đó tiến hành “luận công, ban thưởng” phù hợp.

Trách nhiệm giải trình trước nhân dân: Đây là công việc tưởng dễ, nhưng thực chất cực kỳ khó khăn. Thứ nhất, nhân dân với tư cách là người làm chủ xã hội, cán bộ, công chức là “công bộc của nhân dân”. Người đầy tớ lúc nào cũng cảm thấy khó khăn, áp lực khi phải giải trình, giải thích mọi việc với ông chủ của mình, đó là tâm lý chung. Thứ hai, nhân dân là tập hợp nhiều người với mọi thành phần xã hội, khác nhau về nhận thức, trình độ, góc độ nhìn nhận vấn đề nên…, do đó, để mọi người cùng hiểu một hay một nhóm vấn đề quả thật không dễ chút nào. Thứ ba, không bao giờ trong xã hội có thống nhất tuyệt đối về tư tưởng, do đó khi tiếp cận một vấn đề cụ thể, nhà nước thường gặp phải sự “phản ứng” của những người hoặc nhóm người không cùng quan điểm. Cuối cùng, không phải vấn đề nào cũng có thể giải trình một cách cụ thể trước nhân dân, nhất là những công việc mang tính kỹ thuật của nền hành chính, những quy định trong nội bộ của tổ chức hoặc các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh… Nhưng, dù khó khăn đến đâu, không trước thì sau, không sớm thì muộn, cán bộ có thẩm quyền cũng phải giải thích để nhân dân thấu hiểu, bởi suy cho cùng mọi hoạt động của Nhà nước và của đội ngũ cán bộ, đảng viên đều hướng đến mục đích chung: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Vài năm trở lại đây, chúng ta đang phấn đấu xây dựng “Chính phủ liêm khiết”, “Chính phủ phục vụ”, đây là những tín hiệu đáng mừng. Trong một chính phủ liêm khiết, chính phủ phục vụ, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của người đứng đầu là một nguyên tắc mang tính bắt buộc. Không ai tin có liêm khiết nếu công việc của nhà nước không công khai, minh bạch. Khi nào người dân còn “mù thông tin” thì không thể có nền hành chính phục vụ! Thời gian gần đây, nhiều vụ việc khiếu nại, kiện cáo kéo dài, đông người và có chiều hướng ngày càng phức tạp xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều nơi. Nếu nhìn nhận vấn đề dưới góc độ “trách nhiệm giải trình”, thì có thể thấy, hầu hết các vụ việc phức tạp kéo dài đều có nguyên nhân “chưa thực hiện đúng hoặc chưa thực hiện tốt trách nhiệm giải trình” đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi, một khi thực hiện trách nhiệm giải trình có hiệu quả sẽ mở ra một kênh đối thoại trực tiếp giữa người dân và cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền. Khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, được giải thích đến nơi đến chốn, được nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, biết được quy trình, thủ tục giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật… thì không có lý do gì người dân không đồng thuận với các biện pháp, quyết định của nhà nước. Như vậy có thể thấy, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước nhân dân, sẽ góp phần làm cho nhà nước và nhân dân xích lại gần nhau, tăng cường thêm hiểu biết đương nhiên, sẽ hạn chế dần các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. 

Bản chất Nhà nước Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Do đó, thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân là một nghĩa vụ đương nhiên của nhà nước. Tuy nhiên, không phải ai, không phải bất cứ khi nào và không phải bất cứ việc gì của nhà nước cũng phải giải trình trước nhân dân. Việc giải trình, giải thích công việc của nhà nước, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức trước nhân dân phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Bởi trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật phải được thượng tôn. Bác Hồ dạy “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” là như vậy!

Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương còn phải thực hiện trách nhiệm giải trình với các tổ chức đồng cấp (giải trình ngang). Lý thuyết hệ thống cho chúng ta thấy, mọi công việc của nhà nước đều phải đặt trong một chỉnh thể với các mối quan hệ đa chiều, tạo thành một hệ thống có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Vì vậy, các cấp, các ngành khi thực thi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo thẩm quyền (theo chức năng hoặc theo lãnh thổ) thì việc phối hợp và cung cấp thông tin cho nhau cũng được xem là một trách nhiệm giải trình. Bởi xét công việc nhà nước rất phức tập, nhiều ngành, lĩnh vực, bao trùm lên không gian của cả quốc gia và hơn thế nữa, nên việc phân công, phân nhiệm và phân cấp quản lý chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, giải trình ngang là cách tốt nhất để tạo sự thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước.

Như vậy, mỗi một cơ quan hoặc người đứng đầu, với nhận thức nêu trên, trách nhiệm giải trình không chỉ dừng lại ở nghĩa vụ (do pháp luật bắt buộc), không phải là khi có yêu cầu mà của cấp trên hay cấp dưới hoặc do đòi hỏi của người dân, mà trách nhiệm giải trình xuất phát từ bản chất công việc của nhà nước, là một tất yếu để tạo sự đồng thuận của mọi cấp, mọi ngành, tìm sự ủng hộ của nhân dân. Trở ngại lớn nhất và căn bản của nền hành chính chúng ta hiện nay trong việc thực thi trách nhiệm và thực hiện hiện trách nhiệm giải trình là tinh thần “dám làm, dám chịu” của đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả người đứng đầu, nhìn chung còn thấp, vì tư duy từ thời bao cấp “Đường sữa từ trên chia xuống/Cuốc, thuỗng từ dưới chia lên” đã ăn sâu vào trí não của rất nhiều người. Ngày nay, sau hơn 30 năm đổi mới, suy nghĩ ấu trĩ đó vẫn không phải là hiện tượng hiếm mà hầu như ở cơ quan nào, địa phương nào, khi có thành tích thì đa số việc khen thưởng thường rơi vào cấp lãnh đạo, nhưng khi có hạn chế, khuyết điểm lại là trách nhiệm của cấp dưới, của bộ phận tham mưu. Đảng, Nhà nước đã sớm nhìn thấy thực trạng này và mặc dù đã có nhiều văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, yếu kém của đơn vị, địa phương, nhưng xem ra việc quy trách nhiệm của cá nhân vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Hiện nay, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Trung ương nhấn mạnh chuyên đề năm nay là “xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để toàn đảng, toàn dân, toàn quân nâng cao vai trò, vị trí rất quan trọng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Hiện nay, Đảng ta đang chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội từ cơ sở tiến đến Đại hội XIII của Đảng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng các cấp là lựa chọn nhân sự để bố trí, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cả hệ thống chính trị. Trong lựa chọn, bố trí cán bộ, ngoài căn cứ vào những tiêu chuẩn theo quy địch của Đảng, Nhà nước, thiết nghĩ, phải cần xem xét đến quá trình hoạt động thực tiễn của từng cán bộ. Đánh giá phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh, nhất là khả năng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, sự chủ động, tự tin thực hiện trách nhiệm giải trình công việc, chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình trước đảng, nhà nước và trước nhân dân./.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:5862
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5495 Số người online:
Phát triển:TNC