banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Nhân ngày 20/11, nghĩ về vai trò Người thầy
19-11-2019

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”, một trong những nét đẹp quý báo cần được trao truyền cho muôn đời sau. Tiếp nối đạo lý ấy, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Từ đó đến nay, hàng năm, tháng 11 là tháng để cả xã hội tôn vinh giá trị, cống hiến vô cùng to lớn của người thầy, họ là những người đã thầm lặng vượt qua muôn vàn khó khăn, áp lực để gieo hạt giống tri thức và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, những chủ nhân tương lai của đất nước.

 

Hình minh hoạ (Nguồn: Internet)

Không phải bây giờ mà từ xa xưa, ông cha ta quan niệm: Giáo dục là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phụng sự cho đất nước; “Nhân tài là nguyên khí quốc gia!” (Thân Nhân Trung). Bao giờ cũng vậy, giáo dục của mọi quốc gia đều chịu sự chi phối, quy định bởi tư tưởng và chế độ xã hội cụ thể. Giáo dục Việt Nam không ngoài quy luật ấy. Mỗi thời kỳ lịch sử, nền giáo dục nước nhà có những đặc trưng riêng và ứng với mỗi gia đoạn đó, địa vị xã hội của người thầy cũng có những khác biệt rất rõ.

Mặc dù giành được quyền tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ hơn 1.000 năm của phương Bắc, cùng với chính trị, giáo dục Đại Việt chịu nhiều ảnh hưởng của Nho học Trung Hoa thời ký ấy. Với quan niệm, người thầy là trung tâm của sự nghiệp giáo dục và mối quan hệ “Quân – Sư – Phụ” của Khổng Tử. Có lẽ ai cũng biết, trong mối quan hệ ấy, địa vị của người thầy chỉ đứng sau vua và đứng trên người cha. Đương nhiên, không ai có thể phủ nhận bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục con cái của người cha, nhưng trong quan niệm phong kiến, người thầy giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục cả về tri thức lẫn đạo làm người.

Chính vì người thầy là trung tâm, nên ông bà ta có câu: “Muốn sang thì bắt cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Nếu lần mở những dòng lịch sử của dân tộc, chắc hẳn trong chúng ta, không ai không tỏ lòng tôn kính đối với những nhà giáo mà ngoài kiến thức uyên thâm, họ là những bậc có tấm lòng thanh bạch, đức độ hơn người như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến… Người thầy đồ cao quý ấy luôn được xã hội gửi trọn niềm tin và là hình mẫu để các bậc chính nhân, quân tử rèn luyện, noi theo. Còn nhớ, thời phong kiến, nhiều quan quân đương triều, thậm chí những bậc đế vương cũng đã từng là môn đồ của những nhà giáo đáng kính ấy. Học trò của thầy Chu Văn An nổi tiếng có Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của vương triều nhà Trần….; học trò của Trạng Trình -  Nguyễn Bình Khiêm phải kể đến là Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan đỗ tiến sĩ, có tài năng toàn diện về võ bị, văn học và ngoại giao, Nguyễn Dữ - nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam... 

Mặc dù chịu ảnh hưởng của nền Nho học Trung Quốc, nhưng những nhà Nho Việt Nam không dạy học trò theo lối “tầm chương, trích cú”, mà thông qua các môn đồ, bằng nhân cách và trí tuệ của mình, các thầy gửi trọn niềm tin và huy vọng, sau khi dồi mài kinh sử, rèn luyện nhân cách, những học trò của mình sẽ đem tài đức, sở học của mình để phò vua, giúp nước, mưu dựng thái bình, thịnh vượng cho quốc gia mà sinh thời các vị đã không đền trả được cho núi sông. Chính vì lẽ học vị nhân sinh đó, những người thầy giáo xưa không chỉ được tầng lớp trên của nhà xã hội ngưỡng mộ mà họ được nhân dân cả nước rất mực kính trọng. Với tất cả niềm tin đều dành trọn cho người thầy, dù cuộc sống còn muôn vàn cơ cực, đói ngheo thường bủa vây, nhưng ông cha ta vẫn thắt lưng, buộc bụng để cho có đi học để kiếm cái chữ, để học làm người.

Nếu xét trên bình diện quốc gia dân tộc, người thầy giáo xưa đứng ở hàng thứ 2 trong xã hội (Quân – Sư – Phụ). Nhưng theo quan niệm dân gian, ông cha ta trân trọng, tôn vinh công lao to lớn của người thầy ngang hàng với công ơn của các bậc sinh thành, dưỡng dục: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” hoặc “Mồng một Tết cha, Mồng hai Tết mẹ, Mồng ba Tết thầy”. Có thể thấy, dù ở khía cạnh nào thì vai trò của người thầy trong xã hội xưa đều rất quan trọng và được xã hội tôn vinh. Bởi họ là hiện thân của tri thức và nhân cách, trong bất luận hoàn cảnh nào, người thầy với cái tâm trong sáng, họ chỉ nghĩ đến việc chăm lo cho các thế hệ học trò, nghĩ đến vận mệnh, tương lai của dân tộc, không quản ngại khó khăn trong cuộc sống.

Thời gian gần đây, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0, nội dung và phương pháp giáo dục có nhiều thay đổi, đặc biệt “công nghệ giáo dục” đã làm cho không ít người ngộ nhận rằng: vai trò của người thầy trong kỷ nguyên số dễ bị lãng quên. Bởi theo họ, giáo dục chuyển từ quan niệm “người thầy là trung tâm” sang “học trò là trung tâm” thì ai cũng có thể làm thầy, thậm chí một chiếc máy tính có kết nối mạng, một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể thay thể người thầy! Chính những nhận thức đó mà trong thời gian qua, ai cũng có thể nhìn thấy, đó là những vụ việc họ trò vô lễ với thầy cô giáo, học sinh hành hung thầy cô, phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi… Và, ở chiều ngược lại, nhiều người mang danh là thầy giáo, cô giáo nhưng lại đang tâm bôi bẩn danh thơm của mình, bán linh hồn cho ma quỷ, làm cho những nhà giáo chân chính không thể không đau lòng với hiện tượng “cô giáo lên lớp không nói”, thầy giáo quấy rối “…” đến mức học sinh phải mang bầu…

Nhiều người cho rằng, vai trò, địa vị của người thầy hiện nay chịu sự chi phối bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Điều này không sai! Người thầy, thời nào cũng vậy, họ cũng là một thực thể của xã hội như bao thực thể khác, nên họ phải chịu sự tác động của mọi biến động xã hội đương thời. Nhưng, chỉ có người thầy chân chính, đủ bản lĩnh mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường. Một khi đã chọn nghiệp giáo, gắn bó đời mình với phấn trắng, bảng đen thì mọi bon chen, tranh đoạt phải bỏ lại phía sau, có như vậy, người thầy mới được xã hội trọng vọng, các thế hệ học trò tôn kính. Gần đây, nhiều vụ việc bán-mua trong giáo dục mà tột cùng nỗi đau của rất nhiều thầy cô giáo là tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018: Kết quả dạy-học chẳng khác nào món hàng trong chợ! Ông bà ta xưa nay quan niệm “Có thực mới vực được đạo”, nhưng không có nghĩa là vì miếng ăn, ông cha ta cổ xuý cho những việc làm bất chấp luân thường đạo lý, cho nên có câu dân gian “Miếng ăn quá khẩu thành tàn” là có thật!

Trong xã hội ngày nay, mối quan hệ nhà trường và xã hội, quan hệ thầy và trò truyền thống được vận hành hàng nghìn năm nay đứng trước những nguy cơ bị chi phối, phá vỡ bởi những quan niệm giáo dục phi truyền thống. Người thầy từ vị trí trung tâm trở thành “bạn đồng hành” với người học trong hành trình chiếm lĩnh tri thức. Hình ảnh người thầy đầy “quyền uy” xưa kia, nay dần dần được thay thế bằng mối quan hệ bình đẳng giữa thầy và trò. Nhưng bình đẳng thể và không bao giờ như “Cá mè một lứa”, mà dù trong bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào, mối quan hệ thầy trò phải dựa trên đạo lý “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Chừng nào đạo thầy-trò được tôn trọng, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò thì giáo dục nói chung, xã hội nói riêng mới ổn định và phát triển bình thường. Xã hội càng phát triển thì học tập vừa là nhu cầu vừa là thước đo giá trị của từng cá nhân. Học tập không đơn thuần là việc cá nhân chiếm lĩnh tri thức, lấy bằng cấp, mà hơn thế nữa, học tập là quá trình hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Theo UNESCO  “Học là để cùng chung sống” trong xã hội hiện đại. Người ta có thể tiếp thu kiến thức bất kỳ ở đâu, nhưng để chung sống trong cộng đồng xã hội thì đòi hỏi mỗi người phải không ngừng hoàn thiện bản thân với 04 trụ cột “Đức - Trí - Thể - Mỹ”. Nếu không phải trường học thì không ở đâu có thể làm được điều đó mà đại diện ưu tú của trường học là những thầy cô giáo chân chính!

Có thể so với xã hội, rất nhiều thầy cô giáo vẫn đang còn khó khăn về vật chất, nhiều người vẫn còn vật lộn với cuộc mưu sinh. Nhưng đứng trước xã hội, nhất là trước các thế hệ học trò, họ tự ý thức mình luôn luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Vì thế, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nên thời nào cũng vậy, dù cho xã hội có thể biến động, quan niệm giáo dục có thể đổi thay, nhưng vai trò của thầy cô giáo, về đạo thầy- trò, địa vị của người thầy theo truyền thống Việt Nam thiết nghĩ vẫn mãi được gìn giữ và phát huy. Có thể ở đâu đó, vẫn còn những người được gọi là thầy giáo, cô giáo có những suy nghĩ, hành động làm méo mó hình hành tốt đẹp của người thầy. Nhưng xét trên bình diện chung, thì hàng ngày, hàng giờ vẫn có rất nhiều thầy cô giáo đang miệt mài gieo những con chữ, tạo niềm tin về ngày mai tươi sáng cho bao thế hệ học trò con đang ngồi trên ghế nhà trường. Dù cuộc sống của nhiều thầy giáo, cô giáo còn đó những bộn bề khó khăn, dù trường lớp ở vũng sâu, vùng xa còn thiếu thốn trăm bề, thì hình ảnh “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm khuya” vẫn rất đẹp và giàu xúc cảm!

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:4364
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 512 Số người online:
Phát triển:TNC