banner
Thứ 6, ngày 15 tháng 11 năm 2024
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thi hành Luật hộ tịch
22-7-2015

Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016, gồm 7 chương, 77 điều quy định về hộ tịch và các vấn đề liên quan đến hộ tịch. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có những nội dung mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và dân cư.

Trong đó, Luật đề cao vai trò hết sức quan trọng của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh; quy định xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định cải cách về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Luật cũng quy định rõ việc miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước. Luật quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, xác định lại dân tộc; Luật cũng quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch...

Tại Hội nghị, ngoài việc phổ biến, quán triệt các nội dung kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch, các đại biểu còn được nghe công tác triển khai Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; vấn đề cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; thực trạng và định hướng kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch;...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Hộ tịch nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Để Luật Hộ tịch sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, khẩn trương ban hành kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai hiệu quả; tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp xã, cấp huyện; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn để bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật.

Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm hơn nữa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để triển khai Luật Hộ tịch; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật đến mọi người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài để sớm đưa Luật vào cuộc sống. 

Hà Anh
Số lượt xem:702
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5919 Số người online:
Phát triển:TNC