banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Thường trực Tỉnh ủy họp khẩn với các địa phương triển khai ứng phó với cơn bão số 4
26-9-2022

(ngochoi.kontum.gov.vn): Chiều 26/9, Thường trực Tỉnh ủy họp khẩn bằng hình thức trực tuyến với các huyện, thành phố để triển khai công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4 (bão Noru). Đồng chí Dương Văn Trang- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh buổi họp tại đầu cầu tỉnh

Dự tại điểm cầu huyện có các đồng chí: Đinh Cao Cường – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Chí Tường – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các ban, ngành huyện.

Do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru), chiều 26/9, trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to. Từ ngày 27 - 29/9, bão có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, gây mưa to đến rất to, gió mạnh, nhất là ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy và TP. Kon Tum. Trên các sông ở Kon Tum khả năng xuất hiện 1 đợt lũ lớn, mực nước lớn nhất đạt mức báo động cấp 2, 3 và trên báo động cấp 3, lưu lượng nước về các hồ chứa có thể đạt mức tần suất lũ từ 10 - 3%. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc.

Hiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương, các ngành triển khai các giải pháp ứng phó, không để bị động trước cơn bão. 

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ A Pớt và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa đề nghị các cơ quan, ban ngành, địa phương cần rà soát lại các công trình nhà cửa, giao thông để chủ động chằng chéo; cần bố trí lực lượng để ngăn người dân di chuyển qua các vị trí xung yếu, ngập lụt; tiến hành di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cần thiết có thể cưỡng chế, vì an toàn của bà con nhân dân; khởi động lại hệ thống liên hồ chứa để ngăn chặn tình trạng các hồ chứa xả lũ, gây ảnh hưởng đến người và tài sản khu vực hạ du; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cứu trợ các khu vực bị chia cắt (nếu có).

Đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu huyện

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cho biết, để chủ động phòng, chống thiệt hại do bão số 4 gây ra, UBND tỉnh đã thống nhất cho học sinh trên toàn địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 cho đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, UBND tỉnh thành lập 3 đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại huyện Kon Plông, Kon Rẫy; đồng chí Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT kiểm tra tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà; đồng chí Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương kiểm tra huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Đồng thời, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các Sở, Ban, ngành tiến hành kiểm tra, rà soát công tác ứng phó với bão số 4 đối với các lĩnh vực thuộc đơn vị phụ trách.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cơn bảo số 4 là cơn bão mạnh nhất kể từ 20 năm qua, từ biển Đông đi vào 4 tỉnh miền Trung là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này, cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3, dự báo sau khi qua Quảng Ngãi sẽ đi thẳng vào Kon Tum với mức gió ở cấp 6 - 9, giật cấp 11. Với cấp gió này, bão số 4 có khả năng cao gây ra thiệt hại lớn cho người dân, nhất là các công trình nhà ở và tính mạng của bà con tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi bão đi qua, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao. Chính vì vậy, chính quyền các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là trước cơn bão và hoàn lưu sau bão; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm lo cho dân.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phân công lực lượng triển khai kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tất cả các huyện, thành phố, chú trọng các xã trọng điểm: Pờ Ê, Hiếu, Đăk Nên, Ngọc Tem, Đăk Ring, Măng Bút (huyện Kon Plông); Ngọc Yêu, Măng Ri, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông); Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Man (huyện Đăk Glei). Ngoài ra, các thành viên trong Ban Chỉ huy, các Sở ngành, địa phương kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo công tác ứng cứu, ứng phó, khắc phục trong và sau cơn bão.

Lực lượng vũ trang địa phương phối hợp chặt với các đơn vị bộ đội để chuẩn bị phương tiện cứu nạn cứu hộ khi tình huống xấu xảy ra; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phải làm việc với các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi, không để xảy ra tình trạng ngập lụt ở vùng hạ du do xả lũ; Ban chỉ đạo cần đi thực tế, xác định thôn, làng có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân, nếu phải di dời, sơ tán thì phải gấp rút triển khai; kiểm tra các sông, suối có nguy cơ lũ quét, lũ ống để cảnh báo cho người dân.

Đối với các huyện, thành phố, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu phải tổ chức trực 24/24 từ tối 26/9 đến hết 29/9 để xử lý tình huống. Huyện ủy, UBND các huyện phải xuống tận các xã để triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 4, theo khả năng của mình thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Cấp ủy chính quyền xã tổ chức lực lượng dân quân, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra mọi tình huống; trung tâm y tế các huyện, trạm y tế xã chuẩn bị đầy đủ thuốc men để cứu chữa cho nhân dân trong trường hợp bão lũ; chú ý phòng chống lũ lụt khi bão đi qua, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; rà soát các công trình trường học có nguy cơ tốc mái, đổ sập để phòng tránh; cấp ủy, chính quyền các xã, thôn tăng cường tuyên truyền để người dân trong thôn, làng hiểu được nguy hại của bão để có ý thức tự đề phòng và phòng chống.

Thy Thảo
Số lượt xem:2817
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 4931 Số người online:
Phát triển:TNC