(ngochoi.kontum.gov.vn): Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp được huyện Ngọc Hồi chú trọng quan tâm, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê vối
Đồng chí Trần Thị Huyện – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi cho biết: Dân số của huyện phần đông là đồng bào DTTS chiếm hơn 90%, trong đó lao động nông thôn chiếm tỷ lệ cao, trình độ tay nghề thấp. Chính vì điều này, trong công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, huyện xác định lấy việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn làm trọng tâm để nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn; tập trung vào một số lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp phổ biến như trồng cà phê, cao su, rau sạch, cơ điện, vận hành máy nông nghiệp, qua đó giúp người dân chủ động trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao thu nhập.
Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2013 – 2021, huyện đã đào tạo nghề cho trên 1.400 lao động nông thôn, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 28% (năm 2015) lên 52% (năm 2021). Sau khi học nghề người dân được nâng cao kỹ năng, trình độ kỹ thuật, từ đó cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống.
Huyện còn tích cực nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, qua đó có kế hoạch phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đa dạng hóa nhiều ngành nghề phù hợp, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận kiến thức, kỹ năng lao động tiên tiến. Ngoài ra, chú trọng hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; phối hợp với một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp ngoài địa bàn như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum trong việc đào tạo và tìm kiếm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phương- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hồi cho biết: “Trung tâm đã thực hiện liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở các lớp trung cấp chuyên nghiệp và các lớp bồi dưỡng, tổ chức tư vấn, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu, liên kết các đơn vị đủ điều kiện để tổ chức các lớp học. Hiện nay, trung tâm đang phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum thực hiện tư vấn tuyển sinh và mở 2 lớp Trung cấp nghề là Điện công nghiệp và Chăn nuôi thú y. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã xây dựng được 12 giáo trình phù hợp với các ngành nghề, nhu cầu lao động của người dân trên địa bàn huyện, duy trì tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.
Hiệu quả từ công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã xuất hiện nhiều tấm gương sản, tập thể sản xuất giỏi trên các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Chị Y Hái (sinh năm 1984) tại thôn Nông Nội (xã Đăk Nông) là một tấm gương điển hình trong số đó, đã có nhiều thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Chị Y Hái chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn trước đây đã tạo cho tôi nghị lực vươn lên. Tôi nghĩ, muốn vươn lên, thoát nghèo thì không có cách nào khác là phải tích cực học tập, thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn thì mới có hiệu quả. Nhờ có các buổi tập huấn tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các lớp dạy nghề, kiến thức về nông nghiệp đã tham gia, tôi đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm sản xuất. Đến nay tôi đã trồng được 2,5ha cao su, vài ao cá, vài sào lúa cho thu nhập mỗi năm dư trên 100 triệu đồng, chất lượng đời sống ngày một tốt hơn”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn như: Một số nghề phi nông nghiệp đào tạo xong khó tạo được việc làm cho người dân; người dân thiếu vốn sản xuất nên một số nghề chưa duy trì và phát triển như mong muốn; doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn ít, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp còn thấp vì vậy sau khi học viên học nghề ra trường khó tìm việc làm phù hợp.
Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cho công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc học nghề và tìm kiếm việc làm; xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học trong phương pháp giảng dạy; hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đào tạo, tuyển dụng nghề nghiệp trên địa bàn, hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa các đơn vị đào tạo và các trung tâm môi giới việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm hiệu quả./.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|