banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024
Say lòng với vẻ đẹp Đắk Răng
25-12-2014

Trong buổi sáng sớm, ngôi làng Đắk Răng như đang ngủ trong làn sương mờ. Giữa mênh mông, bạt ngàn rừng cao su xanh mơn mởn là những ngôi nhà khang trang, sạch sẽ nằm sát bên nhau không cần tường rào, cổng ngõ che chắn, ngăn cách. Ngôi nhà rông quen thuộc của đồng bào Tây Nguyên sừng sững tọa lạc giữa trung tâm làng, từ đường mòn Hồ Chí Minh, chỉ cần rẽ vào cổng “Làng Văn hóa Đắk Răng” là có thể nhìn thấy. Một vài người khách du lịch trong đoàn đã bắt đầu trầm trồ với nhau về vẻ đẹp của những ngôi làng Tây Nguyên hiện hữu ở làng Đắk Răng: vừa bình yên, hoang sơ, vừa văn minh, lịch sự. Họ lấy làm thú vị khi được ngắm cảnh người dân nơi đây “ra quân” đi làm nương rẫy: người thì mang gùi, mang rựa, người thì mang cuốc, mang xẻng, người thì mang các dụng cụ săn bắt thú thô sơ; người thì đi xe máy chở theo đủ thứ can, thùng, cũng có người lại đi bộ, dắt theo trâu bò, có người còn dắt theo cả con chó cưng. Đáng yêu nhất là hình ảnh các bà mẹ đi làm, địu em bé trên lưng đang ngủ say, hình ảnh mà họ chỉ mới được nghe qua các tác phẩm văn học, âm nhạc…

Thâm nhập sâu vào đời sống thường ngày của đồng bào Dẻ Triêng - làng Đắk Răng, khách du lịch càng bị cuốn hút bởi phong tục tập quán, bản sắc văn hóa độc đáo của họ. Những người khách du lịch vượt hàng ngàn km từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Đắk Răng chia sẻ: họ quả không hối hận vì đã chọn nơi này làm một trong những điểm đến trong chuyến hành trình du lịch của họ. Không giống như vẻ đẹp mỹ miều lộng lẫy ở nhiều danh lam thắng cảnh họ từng được đến - vẻ đẹp nhìn là thấy ngay, vẻ đẹp của Đắk Răng là vẻ đẹp dành cho những ai thích khám phá, tìm hiểu. Đến với Đắk Răng, mọi vật dụng bình thường trong sinh hoạt đều trở nên rất sinh động, đáng yêu bởi nó mang trong mình cả một câu chuyện về lịch sử, về văn hóa. Chẳng hạn, chuyện về cái thớt. Nói đến cái thớt, ai cũng biết. Nhà nào cũng có cái thớt để cắt rau, cắt thịt. Thế nhưng ở Đắk Răng, ở dân tộc Dẻ Triêng, cái thớt còn làm nhiệm vụ “đánh dấu thời gian”. Một nghệ nhân làng Đắk Răng kể cho chúng tôi nghe rằng, ngày xưa, khi dân tộc Dẻ Triêng của họ chưa tiếp cận được với ánh sáng khoa học văn minh, họ chưa có lịch để tính ngày, tháng. Khi một đôi trai - gái cưới nhau, chàng trai phải ở rể cho đến khi chiếc thớt trong nhà mình được sử dụng cho mòn đến nỗi tách ra làm đôi, khi đó họ mới được tách hộ lập vườn hoặc về ở lại nhà trai.

Hay câu chuyện về loại nhạc cụ tên là Đinh Tút, trông rất đơn giản, thô sơ, làm từ ống nứa nhưng có âm thanh trầm bổng, du dương. Người già kể lại rằng, trước đây, đồng bào người Dẻ Triêng thường gieo trồng bằng hình thức chọc, tỉa. Các cặp vợ chồng rủ nhau lên nương, người chồng thì chọc lỗ, còn người vợ thì trỉa lúa với những chiếc ống nứa dùng để đựng lúa. Giữa núi rừng đại ngàn lộng gió, gió lùa vào những chiếc ống nứa đó tạo thành một hợp âm đa dạng, thú vị. Từ đó, bằng tài năng, bằng tâm hồn của những người nghệ sỹ, đồng bào dân tộc Dẻ Triêng đã sáng tạo ra loại nhạc cụ độc đáo này.

Hay câu chuyện về những bó củi hứa hôn được xếp rất đẹp mắt của các gia đình có con cái sắp lập gia đình… và nhiều câu chuyện khác. Cứ thế, cứ thế, đoàn khách du lịch của chúng tôi cứ bị cuốn vào những câu chuyện kể rất chân thực, đời thường mà hấp dẫn đến lạ.

Sau một ngày được tham quan làng Đắk Răng và rong ruổi tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi như: cột mốc ba biên Lào – Việt Nam – Căm Pu Chia, “Ngôi làng xưa” của một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam – Dân tộc Brâu… đoàn khách du lịch trở lại làng Đắk Răng vào buổi tối. Trong mái nhà rông ấm cúng, các nghệ nhân làng Đắk Răng đã chuẩn bị cho khách những món ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình cùng những ghè rượu đầy ắp, nồng nàn hương thơm. Du khách vừa được thưởng thức các món đặc sản, vừa được thưởng thức âm nhạc đậm chất Tây Nguyên. Tiếng cồng chiêng hòa vào tiếng tí tách, bập bùng của bếp lửa hồng đang rừng rực đỏ. Các nghệ nhân với trang phục truyền thống cùng nhảy múa theo nhịp bài chiêng “Đón khách về làng”. Nụ cười thân thiện, vui mừng đón khách đều hiện hữu trên gương mặt các nghệ nhân. Các chàng trai, cô gái say sưa theo nhịp chiêng cồng, họ biểu diễn như những nghệ sỹ thực thụ, không hề có dấu hiệu mệt mỏi của ngày làm việc vất vả. Cũng những bàn chân trần cứng cáp buổi sáng trèo đèo lội suối lên nương lên rẫy đó thôi, mà sao khi hòa vào nhịp cồng chiêng lại mềm mại, uyển chuyển đến lạ.

Về Đắk răng được hòa mình vào các hoạt động lễ hội đầy màu sắc như thế này mới thấm được ý nghĩa chân thực của bài hát “Đêm xoang Tây Nguyên”:

Những bàn chân, bàn chân trần trên đất, lướt đi rộn rã bồi hồi,

Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức

Đêm trong veo, trong veo

Nhà rông bập bùng ánh lửa (…)

(…) Điệu xoang nhịp nhàng, dòng người sóng sánh

Anh cứ sợ, cứ sợ mình lạc mất nhau thôi”

Cứ như vậy, theo vòng xoang lớn, khách và người dân bản địa nắm tay nhau cùng hát, cùng múa, vít cây rượu cần cùng uống, cùng say cho đến khi đêm đã khuya, rượu đã cạn, đoàn khách du lịch chia tay bà con bản địa trong lưu luyến. Bên bếp lửa vẫn còn bập bùng là những cái nắm tay ấm áp, thắm tình, hẹn ngày gặp lại của bà con Dẻ Triêng và du khách. Tiếng cồng chiêng vẫn ngân vang như níu giữ chân người. Khi được hỏi “mọi người có say ko” thì những du khách đã dí dỏm chia sẻ rằng, họ say, say lòng với vẻ đẹp và tình người của Đắk Răng. Đối với họ đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, khó quên.

Nguyễn Thị Tình
Số lượt xem:3227
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5597 Số người online:
Phát triển:TNC