banner
Thứ 5, ngày 14 tháng 11 năm 2024
Người B’râu ở Ngọc Hồi
21-4-2014

Trước đây, làng của người B’râu có kiến trúc riêng biệt. Làng được dựng trên gò cao, chỗ có mặt bằng tương đối. Làng được rào kín xung quanh bằng loại gỗ tốt không bị mối mọt và có cổng làng. Cổng làng được làm bằng gỗ kiên cố, bên cổng và xung quanh làng được cắm chông để chống thú dữ và phòng gian. Giữa làng là nhà Rông - ngôi nhà chung của cộng đồng. Nơi đây thường diễn ra những nghi thức quan trọng của làng, là nơi hội họp và cũng là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.

Nhà ở (nhà sàn) của người B’râu là căn nhà dài, nơi sinh sống của đại gia đình, được hình thành trên cơ sở tách bếp khi các người con lấy vợ (chồng) thành các tiểu gia đình. Về cấu trúc vật chất, nhà sàn của dân tộc B’râu cũng như nhà sàn các dân tộc khác, có những đặc điểm chung mang tính khu vực.

Tuy nhiên, cách bố trí và trang trí cũng có phần khác biệt. Trên mái nhà chạy dọc theo nóc là những phên tre đan các hình trang trí, hai đầu hồi là hình đầu chim, hom giỏ, mặt trời, hình nan quạt. Mặt sàn được chia thành các phần khác nhau. Gian ngoài có 02 tầng sàn. Sàn thấp (tir) để cối giã gạo, sàn cao (re pơ tư) để ngồi khâu vá, nghỉ ngơi. Lòng nhà cũng chia thành hai tầng dọc theo chiều đòn nóc, sàn thấp, ngang với tir đặt bếp lửa và ống nước, sàn cao để ngủ. Bên cạnh nhà chính là nhà phụ được thông với nhau bởi nhịp cầu thang bắc qua. Đó là nơi chứa lương thực, thực phẩm và một số nông cụ và đồ dùng của gia đình.

 Nhà rông là ngôi nhà trung tâm, ở đó có không gian thiêng và là nơi quy tụ sức mạnh tâm linh, tinh thần, nơi hội họp và tổ chức các hoạt động của cồng đồng. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật tập thể có giá trị, là bộ mặt, niềm tin và lòng kiêu hãnh của cả buôn làng. Nó được cất dựng và trang trí bằng chính công sức, tài nghệ của mọi người trong làng. Cũng với gỗ, tre, nứa lá, cũng buộc, chằng theo cách thức như nhà sàn..., nhưng nhà rông được làm chắc chắn và cầu kỳ hơn nhà sàn nhiều. Cột nhà to và bằng loại gỗ quý, mái nhà rất dốc và cao, bề thế và được trang trí công phu bằng nhiều hình họa và khắc gỗ phong phú, đa dạng. Làng Đắk Mế cũng giống như nhiều làng khác trên địa bàn Tây Nguyên, có Già làng. Già làng xét xử những người vi phạm luật tục, quyết định việc chuyển làng, bố phòng, thay mặt người dân quan hệ với chính quyền, thu xếp các công việc có liên quan, đồng thời cũng là người chủ trì các lễ cúng của cộng đồng, lễ hội tập thể. Toàn dân làng tin tưởng, gắn bó, tôn trọng Già làng.

Nơi sinh sống của dân tộc B’râu tương đối thuần nhất về thành phần dân tộc. Trong làng, mọi người đều sống tuân theo một trật tự nhất định. Đó là hệ thống luật tục (tập quán pháp). Trong thể chế này, vai trò Già làng được đề cao. Trên cương vị của mình, Già làng quán xuyến mọi mặt đời sống cộng đồng, tổ chức lao động sản xuất làm ăn sinh sống, làm trọng tài (xét xử theo luật tục).

Tổ chức xã hội của người B’râu vận hành trên cơ sở luật tục. Các luật tục bất thành văn được truyền miệng để duy trì trật tự cộng đồng, luật tục có hiệu lực mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc B’râu. Chính vì thế, một trong những đặc điểm nổi bật của cộng đồng là sống theo luật tục, tôn trọng luật tục. Dân tộc B’râu có kết cấu cộng đồng chặt chẽ, sâu sắc, đậm nét về mọi phương diện đời sống, sinh hoạt, tâm linh và trong lao động sản xuất.

Từ xưa, dân tộc B’râu, con trai, con gái đến 15-16 tuổi phải trải qua một nghi lễ thành đinh nguyên thủy quan trọng đó là : Uốt - Pưng (cà răng), Síp Tiêu (căng tai - với nữ). Chỉ khi đã được cà răng, căng tai, người đó mới được coi là trưởng thành và được tự do tìm kiếm bạn tình. Nếu trai, gái không Uốt - Pưng, Sip Tiêu thì bị dư luận chê cười, bạn bè khinh rẻ và không bắt được vợ được chồng. Người B’râu có cách gọi họ chung: con trai là Thao, con gái là Nàng.

Về tâm linh dân tộc B’râu cho rằng, những người không cà răng, căng tai, khi chết đi, linh hồn không về được với thế giới tổ tiên ông bà. Luật tục này có lẽ ẩn chứa một ý niệm, một cách biểu đạt hay mô phỏng hình ảnh vật tổ - tô tem trâu trong tín ngưỡng nguyên thủy của người B’râu (nghi lễ này hiện không còn, dấu vết chỉ còn thấy ở người trên 50 tuổi).

Người B’râu trước đây theo chế độ mẫu hệ, việc “bắt chồng” được con gái chủ động. Qua quá trình vận động của lịch sử, những thập kỷ gần đây người B’râu đang chuyển dần sang chế độ phụ quyền, nên việc chủ động “bắt vợ” được người con trai đảm nhiệm. Trai gái B’râu tự do yêu đương, tìm kiếm bạn tình, đôi khi bên đã trao vòng hẹn ước, họ tự nguyện trao gửi tâm hồn và thể xác cho nhau. Quan hệ thể xác trước hôn nhân không bị luật tục lên án, nhưng phải tiến hành kín đáo, bí mật, tuy nhiên không được có thai trước hôn nhân. Tuổi kết hôn của người B’râu hiện nay tương đối sớm, nữ từ 15-18 tuổi, nam 18-20 tuổi, cũng có nhiều trường hợp nữ kết hôn ở tuổi 13-14 và sinh con ở tuổi 14. Hiện nay, dân tộc B’râu chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã được xác lập một cách vững chắc theo nguyên tắc ngoại hôn và độ tuổi kết hôn đã thay đổi theo hướng tích cực hơn trước.

Dân tộc B’râu có truyện cổ về Thần sáng tạo Pa Xây, có truyền thuyết Un cha đắc lếp (lửa bốc nước dâng) nói về nạn hồng thuỷ rất đặc trưng, những thể loại nghệ thuật dân ca, hát ru. Nhạc cụ có đàn Đinh Pú (từ 5-7ống) được gọi là táp đinh pú, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là Coong, Mam và Tha, đặc biệt nhất là bộ Chiêng Tha (gồm 2 lá chiêng, gọi là chiêng chồng-chiêng vợ), là tài sản rất quí của người B’râu. Có những trò chơi như đánh phết, thả diều, bơi lội trên sông, đi cà kheo...là sinh hoạt vui chơi giải trí của thanh thiếu niên người B’râu.

Ngày nay, đời sống của bà con dân tộc B’râu đã thay đổi nhiều, người B’râu đã có của ăn, của để, con cái được học hành. Đến với làng Đắk Mế - xã Bờ Y hôm nay đã có nhiều ngôi nhà khang trang, những mái trường luôn rộn ràng tiếng hát, những con đường thẳng tắp rợp bóng cây xanh. Hy vọng trong tương lai không xa, làng Đắk Mế - Bờ Y sẽ được đầu tư xây dựng thành Làng văn hoá du lịch cộng đồng.

Đặng Văn Nam
Số lượt xem:5533
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 9118 Số người online:
Phát triển:TNC