banner
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Già làng Brôl Vẻ - Người chế tác nhạc cụ ấn tượng
11-7-2014

Là một trong số ít những người đầu tiên của tỉnh Kon Tum được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2009.  Năm nay, dù đã bước vào tuổi 70 nhưng mới nhìn ít ai có thể đoán được tuổi thật của ông vì trông ông rất khỏe khoắn, cái khỏe khoắn đặc trưng, đậm chất núi rừng Tây Nguyên.

Sinh năm 1945, từng tham gia mặt trận chống Mỹ tại chiến trường Đắk Pét, Đắk Sút, sau chiến tranh ông tham gia đảm nhận các nhiệm vụ trong Công an xã, Xã đội, Mặt trận và là một vị Già làng uy tín được bà con trong làng rất tín nhiệm nhiều năm qua. Ngoài nắm vững các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình, ông còn có biệt tài chế tác và sử dụng tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, như Chiêng Sum, Trống, Khèn, Đinh tút… được bà con trong làng rất quý mến, nể phục.

Ông kể, thời ông còn là một cậu bé, ông thường theo ông bà, cha mẹ để đi học làm nương rẫy, săn bắn. Cha ông cũng là người có tài ca hát và chế tác các loại nhạc cụ, mỗi buổi tối ở lại trên nương, bên bếp lửa hồng ông vẫn thường chăm chú theo dõi cách làm nhạc cụ của cha mình và lắng nghe cha hát những làn điệu dân ca. Lớn lên, những câu chuyện cổ, lời hát dân ca ấy và cách cha làm nhạc cụ đã ngấm dần vào máu thịt ông thành nỗi đam mê. Cứ thế mỗi khi trong làng tổ chức lễ hội, chàng trai Brôl Vẻ luôn có mặt và giữ một vai trò rất quan trọng trong đội văn nghệ của làng.

Để thêm một lần chứng kiến và được nghe âm vang của nhạc cụ dân tộc, chúng tôi liền yêu cầu ông sử dụng  một số nhạc cụ mà ông treo cẩn thận trên tường, và vô cùng nhạc nhiên khi thấy loại nhạc cụ nào ông sử dụng cũng đều phát ra những âm thanh khác nhau, nghe rất hay, rất lạ.

Ngắm nhìn bộ sưu tập có trên 15 loại nhạc cụ khác nhau, trong đó có rất nhiều loại mà có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Hỏi tên từng loại nhạc cụ thì ông liền giới thiệu nào là đàn Pinboi, đàn Binlon, đàn On eng ọt, đàn T’roan, sáo Talun, sáo Cha kẹt (Cha Kẹt là một loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, nó giống với Tù Và mà các tộc trưởng ngày xưa hay sử dụng nhưng được ông chế tác thành một cây sáo), hỏi vì sao có những cái tên khó gọi như vậy, thì ông bảo đó là gọi theo tiếng của người dân tộc Giẻ Triêng của ông.

Nhưng gây sự chú ý cho tôi nhất vẫn là nhạc cụ mà ông gọi là Đàn T’roan, ông bảo loại đàn này muốn làm dài bao nhiêu cũng được, tùy ý thích của mỗi người và điều đặc biệt nhất của loại nhạc cụ này là không được sử dụng bằng chính bàn tay con người, mà nó dựa vào sức gió để phát ra tiếng nhạc. Thấy có chút kỳ lạ, chúng tôi liền hỏi vì sao lại vậy thì ông trả lời. Ngày xưa, khi người dân vẫn còn tập quán du canh du cư làm nương rẫy, tránh để chim chóc xuống ăn lúa phá hoại mùa màng, những người như ông liền nghĩ ra loại nhạc cụ này. Cũng như đàn Tơ Rưng, đàn T’roan cũng làm bằng những ống nứa nhưng là những ống nứa rất nhỏ được gọt và uốn nắm rất tỉ mỉ sau đó lần lượt xuyên từng đoạn qua một sợi dây, nếu đàn được làm càng dài khi mang treo lên từ đầu góc rẫy bên này sang góc rẫy nên kia, mỗi khi có làn gió nhè nhẹ thổi qua thì đàn T’roan sẽ phát ra những âm thanh khác nhau nghe rất vui tai.

Khi hỏi ông vì sao lại có ý tưởng trưng bày các loại nhạc cụ một cách khoa học và đẹp đến vậy, ông hồ hởi cho biết, trước kia ông làm vì sở thích nhưng thỉnh thoảng có thời gian thì ông mới làm. Còn thời gian trở lại đây, được sự giới thiệu của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện và Phòng Du lịch - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, ở làng ông đôi khi cũng có các đoàn khách du lịch nước ngoài ghé vào thăm làng, thăm Nhà Rông truyền thống của làng, và họ cũng vào nhà ông để chiêm ngưỡng những nhạc cụ do chính ông chế tác và nghe ông trình diễn nhạc cụ, nghe xong có người còn biếu ông tiền, có người mua nhạc cụ của ông để làm kỷ niệm. Thấy việc đó cũng có kết quả, nó vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giới thiệu được nét văn hóa truyền thống của làng nhưng hơn thế là những nhạc cụ ông làm được mọi người yêu thích và theo họ đến các phương trời xa xôi làm ông rất vui nên ông làm nhiều hơn để phục vụ mọi người.

Giờ tuổi tác đã cao, đôi tay và đôi chân không còn dẻo dai như trước, giọng hát đã yếu đi nhưng ông vẫn luôn là người đứng ra dạy cho con cháu trong làng biết đánh cồng chiêng, múa xoang, biết chế tác các loại nhạc cụ, đặc biệt là các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ở cái tuổi 70 này, ông vẫn luôn trăn trở một điều rằng, con trẻ bây giờ ít chú ý đến việc giữ gìn và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, trong lúc Đảng và Nhà nước ta phát động phong trào toàn dân giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, lấy văn hóa địa phương làm nòng cốt trong việc bảo vệ di sản của dân tộc, có phải chăng vì nhu cầu cuộc sống hiện nay với sự du nhập và đan xen của nhiều giá trị văn hóa, cùng với đó là ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa bản sắc chưa được chú trọng nên thế hệ con cháu ít quan tâm đến việc này.

Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của ông, năm 2013 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tặng Kỷ niệm chương cho ông vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Còn với chúng tôi, chúng tôi chỉ mong muốn một điều rằng, Nghệ nhân có thật nhiều sức khỏe, sống lâu để tiếp tục làm ra nhiều nhạc cụ độc đáo hơn nữa.

Hà Anh
Số lượt xem:2643
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 3779 Số người online:
Phát triển:TNC