banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024
Văn hóa ẩm thực của dân tộc Giẻ Triêng ở làng Đăk Răng
17-9-2014

Già làng Brôl Vẻ cho biết, theo phong tục của làng đã có từ lâu đời, đó là vào những dịp lễ hội, bà con trong thôn rất vui, ai cũng tranh nhau góp "sản vật" của gia đình để làm các món ngon, trước hết dâng lên các thần linh tổ tiên, sau đó con cháu mới được sử dụng hoặc bày ra đãi khách. Theo quan niệm truyền thống của bà con, thì những sản phẩm được chế biến thành món ăn ngon trong lễ hội phải bắt nguồn từ tự nhiên, mới linh thiêng và được tổ tiên đón nhận. Vì thế, các món thịt heo xiêng lửa đỏ, thịt chuột nướng khô, nhím nấu lồ ô, gà bóp chua, cá ướp muối, trứng kỳ nhông, cơm lam, bánh lá đót...Tất cả đều được bà con chia nhau chuẩn bị gần vài tháng. Đàn ông thì lên rừng săn bắn, phụ nữ xuống suối bắt cá, hái các loại lá, quả về chế biến cho từng món ăn.

Sau công đoạn chọn được nguyên vật liệu do bà con mang đến tặng tại nhà già làng, mọi người bắt tay vào sơ chế ban đầu các loại thịt gia súc gia cầm bằng cách đốt dưới ngọn lửa nhỏ để làm sạch lông con vật và bộ lòng sản vật được mang đi sát với muối hạt, lá chua của rừng để khử vị tanh, chất độc còn sót lại. Tiếp đến, các loại thịt sống được chia ra từng loại riêng biệt để tẩm ướp với muối, hạt tiêu xanh, lá chua chuẩn bị cho phần nấu chín.

Những món ăn truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng ở làng Đắk Răng

Theo Già làng Brol Vẻ, ẩm thực của dân tộc Giẻ Triêng không kén chọn nguyên liệu, nhưng phải biết cách kết hợp đúng các loại trái, lá rừng và bàn tay chế biến khéo mới đảm bảo ngon, có mùi thơm lâu và bổ dưỡng cho sức khỏe. Chẳng hạn như món gà bóp chua, khi đem gà rừng về, người được giao nhiệm vụ chế biến món ăn sẽ chọn ra những con gà trống có chân vàng, mào đứng có vành rộng lớn, bộ lông đẹp. Kế tiếp sẽ nhổ sạch bộ lông và đem thịt gà nướng dưới ngọn lửa cháy nhỏ (đốt lên từ tre nứa rừng), bộ lòng được làm sạch bằng muối và hạt chua. Mục đích của việc làm này là để thịt săn lại và các chất dịch cũng rút hết vào trong thớ thịt, giữ được vị ngọt, chất bổ của gà. Sau đó, thịt gà được bằm nát để trộn với các loại gia vị của rừng như lá chua, ngò gai, bột tiêu rừng và các loại ớt, muối…Muốn món thịt gà chua ngon, người chế biến phải biết lựa chọn lượng gia vị vừa đặc trưng, vừa hợp với khẩu vị người dùng. Kết thúc các công đoạn chế biến, món gà được trộn thật đều lần cuối cùng các loại gia vị mang hương vị rất riêng của núi rừng. Bởi thịt gà đã chín nhờ độ chua của lá rừng, độ nóng ấm của tiêu, ớt, vị mặn vừa phải của muối và ngày nay có thêm hạt mì chính giúp tăng độ thẩm thấu là hương đậm đà hơn.

Cũng với cách sơ chế với thịt gà rừng, thịt heo hay chuột, ếch, cá suối vẫn được làm sạch như thế. Và tùy vào sở thích nướng khô, hay muối chua sẽ được người chủ trì phần nấu nướng quyết định. Tuy nhiên, phần lớn các loại thịt còn lại thường được làm món nướng là ngon nhất. Riêng gạo, lá đót để nấu cơm, làm bánh phải trồng riêng biệt ở cạnh mé rừng, các gia đình thay nhau chăm giữ và thu hoạch về gần 1 tháng trước mùa lễ hội.

Già làng Brol Vẻ cho biết thêm, món ngon và độc đáo của bà con Giẻ Triêng khác với nhiều dân tộc Tây Nguyên là trứng kỳ nhông rừng. Con vật này thường sống và làm tổ trên đất cát tại các con suối sâu trong rừng, từ khi còn nhỏ cho tới khi đẻ trứng phải mất khoảng 4 đến 6 tháng. Mỗi lứa kỳ nhông mẹ đẻ được từ 3- 6 trứng. Nguồn thức ăn chủ yếu của nó là quả, rễ, lá, thân các loại cây rừng và các loại côn trùng trên mặt nước suối, ao, hồ, sâu bọ, gián, chuồn chuồn, dế, kiến dưới đất. Theo quan niệm truyền lại của bà con, thì trứng kỳ nhông là sự kết tinh vạn vật của trời đất, chứa đựng đầy đủ nhất yếu tố tự nhiên muôn loài và chứa chất dinh dưỡng nhiều nhất. Do đó, để có được từ 30 đến 50 quả trứng bằng ngón ngón tay của thanh niên, những người đàn ông ở làng được phân công trước đó cả năm trời và từng tốp người phải băng rừng, đến các bãi cát bên cạnh con suối thăm dò, theo dõi "đường đi nước bước" của các cặp kỳ nhông.

Sau mỗi mùa rẫy thu hoạch xong của bà con, cũng là lúc Kỳ nhông đẻ trứng. Anh Doai - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nói: Muốn lấy được trứng không phải dễ, tôi theo "vợ chồng nó" (nói về con kỳ nhông) gần 5 tháng, không được đến gần mà phải cách vài chục mét. Nếu để con vật đánh hơi biết có người sẽ bỏ đi nơi khác. Nhưng khi biết có trứng, phải đi từ tinh mơ cho kịp thời gian buổi sáng, chờ cho con kỳ nhông cái đi kiếm ăn, người đi lấy trứng phải đào hang bới cát gần 20 - 30 cm, mới lấy được vài quả trứng này. Khó nhất là quá trình dò tìm, phát hiện được "vật phẩm quý" phải cẩn thận vì vỏ trứng mỏng và thân nhỏ rất dể vỡ. Có trứng rồi, các thanh niên lại bao bộc trong nhiều lớp rơm, hoặc vải thật mềm và vận chuyển thật cẩn thận về nhà. Chị Y Duyên (vợ A Doai) cười nói: Mấy năm trước, khi chồng đi cùng đàn ông trong làng để lấy trứng kỳ nhông, có được quả trứng nào là tôi biết ngay, không cần hỏi. Vì đường đi đến con suối xa nhất là tối ngày đó về, nhưng khi đi lấy trứng phải mất 2 - 3 ngày sau mọi người mới về. Lúc đó, chắc chắn có thu hoạch trứng khá nhiều. Trứng được mang về, già làng sẽ bắt chiếc xoong treo trên giàn bếp cho ít nước suối vào, bỏ tất cả trứng có được đun sôi 15 - 20 phút và vớt ra để trên chiếc lá ban rừng lớn.    

Theo Già làng Brôl Vẻ, mọi công đoạn chuẩn bị một mâm cơm để cúng cho Giàng, tổ tiên và cả ông bà đã mất phải được chế biến trước 1 buổi và tất cả món ngon được bày biện trong một chiếc nong lớn để giữa trước nhà Rông.  Đây là những món ăn truyền thống được người Giẻ Triêng lưu giữ và trân trọng, không thể thiếu vào các ngày lễ quan trọng trong làng. Năm nào bà con trúng mùa, thì vật phẩm ẩm thực dâng lên càng nhiều thể hiện sự báo cáo với tổ tiên về mùa bội thu, hay cuộc sống đổi thay ngày càng sung túc của con cái trong làng Đăk Răng.   

Thông thường, một bài cúng và mâm cổ của làng được dâng lên mời những vị thần linh của đất trời, sông suối, tổ tiên kéo dài 3- 4 tiếng. Khi kết thúc, Già làng và các vị lớn tuổi có uy tín sẽ chia sẻ từng phần nhỏ thịt, hoặc các loại bánh đót, cơm lam, hoa quả của núi rừng cho con cháu lớn bé, trai gái trong thôn. Riêng những quả trứng Kỳ Nhông sẽ được chia cho các gia đình có nhiều công đóng góp cho làng như một phần thưởng động viên, hoặc các nhà làm ăn thất bát hoặc gặp tai nạn trong năm với mong muốn gửi sự may mắn cho năm sau khấm khá hơn...Tiếp đến, những ghè rượu cần sẽ được xếp vòng tròn mời các vị lớn tuổi thưởng thức trước và mọi người cùng hòa nhịp chung vui trong tiếng chiêng, điệu múa xoong đặc trưng người dân tộc Giẻ Triêng.

Những lúc dân làng vui với lễ hội, nam giới đội khăn trên đầu có hình tượng chữ Nhất, thân ở trần hoặc mặc tấm áo khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí. Họ mang khố khổ hẹp, dài không có tua, thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Nam cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài khố mang chuỗi hạt vòng, có các sắc màu trang trí phủ kín thân. Phụ nữ mang loại váy dài, cao sát nách. Đầu váy, giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Nét đặc trưng này  được chọn trưng bày trong "Làng văn hóa các dân tộc" ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (tại Hà Nội).  Tất cả già trẻ, lớn bé, trai gái trong làng được hòa mình với đất trời say sưa bên hương rượu cần, no say với sản vật núi rừng và thường được kéo dài 2 - 3 ngày. Sau đó, mọi người lại quay về cuộc sống mưu sinh đời thường.

Những người lớn tuổi ở Đăk Răng bộc bạch, ngày nay đã có nhiều thay đổi, sự du nhập của các loại văn hóa khác không phù hợp với truyền thống dân tộc đang gây tò mò, tập tành học theo của thế hệ trẻ. Vì vậy, hàng năm, dù thu nhập của bà con chưa cao, nhưng Già làng Brol Vẻ cùng các già khác ở làng vẫn cố gắng tổ chức các lễ hội cho con cháu tham gia nhằm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua các nguồn thông tin, được biết các món ẩm thực đặc sắc trong các lễ hội dân tộc Giẻ Triêng ở thôn Đăk Răng đã vinh dự được tham gia giao lưu biểu diễn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bà con ở làng Đăk Răng rất tự hào và mong những nét đẹp truyền thống về ẩm thức, trang phục và các đồ dùng lao động sản xuất khác trong cuộc sống hàng ngày được giữ gìn, lưu truyền mãi mãi muôn đời sau.

Tin, ảnh Mai Thảo
Số lượt xem:5241
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 18669 Số người online:
Phát triển:TNC