banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Phát huy vai trò của Già làng các dân tộc thiểu số huyện Ngọc Hồi
12-9-2019

Theo truyền thống, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nói riêng thường quần cư ở những nơi có điều kiện sinh sống phù hợp, tạo thành những cộng đồng, thường được gọi là buôn, làng. Mỗi cộng đồng dân tộc suy tôn, bầu chọn ra một thủ lĩnh tinh thần được gọi là Già làng.

Già làng Brol Vẻ - Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục trong một hoạt động tái hiện lễ hội của đồng bào dân tộc Dẻ -Triêng

 

Xưa kia, Già làng có vị thế vô cùng quan trọng trong xã hội cũ. Họ không những là thủ lĩnh tinh thần, đại diện cho buôn làng để kết nối với Giàng, mà còn thống lĩnh người dân trong lao động sản xuất, đấu tranh chống sự xâm lấn của các cộng đồng khác, chống thú dữ, bảo vệ tật tự, an toàn trong làng, chủ trì đưa ra những phát quyết quan trọng theo tục lệ của làng, đại diện cộng đồng kết giao với cộng đồng khác…

Ngày nay, trong tình hình mới, vai trò của những Già làng đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển, nhưng vị thế của họ trong cộng đồng vẫn rất quan trọng. Chính vì vậy, ngày 01/02/2008, Thủ tướng Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ trướng Chính phủ ban hành về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn lựa chọn, công nhận và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê, hiện nay, dân số huyện Ngọc Hồi khoảng 58 nghìn người, trong đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 33 nghìn nhân khẩu, chiếm 57% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở hầu khắp 76 thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã và một số thôn của thị trấn Plei Kần. Toàn huyện Ngọc Hồi có 55 vị Già làng, họ là những hạt nhân tiêu biểu về uy tín, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện và vận động quần chúng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về ưu tiên phát triển KT-XH miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tin thần cho nhân dân, bộ mặt nông thôn, đô thị của huyện có nhiều khởi sắc, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng củng cố và mở rộng. Mặc dù địa phương vẫn gặp không ít khó khăn, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, tuy nhiên, nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Để có được những thành quả to lớn đó, có một phần đóng góp không nhỏ của các vị Già làng và người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước ta, kích động người dân hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc mà Đảng và nhân dân ta đã dày công vun đắp. Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, ngoài vai trò của các lực lượng chức năng, các vị Già làng với uy tín của mình đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngững được củng cố và phát huy.

Từ nhiều năm nay, đã trở thành thông lệ, hàng năm UBND huyện đều tổ chức hội nghị, gặp mặt các vị Già làng trên địa bàn huyện. Đây là dịp để cấp uỷ, chính quyền địa phương gặp gỡ, lắng nghe tâm tự, nguyện vọng của các vị Già làng, đồng thời là cơ hội để đội ngũ Già làng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác vận động quần chúng.

Năm nay, vào ngày 18/9/2019 tói đây, Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Hồi sẽ phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nhị gặp mặt các vị Già làng trong toàn huyện để để ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ Già làng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương; tuyên dương, khen thưởng những Già làng điển hình, tiêu biểu.

Trong Hội nghị này, nhằm ghi nhận những đóng góp của các vị Già làng trong năm 2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã tặng Giấy khen cho 20 Già làng đã có nhiều những thành tích trong công tác vận động quần chúng, góp phần xây dựng huyện Ngọc Hồi phát triển nhanh và bền vững.

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các vị Già làng trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện cho các vị Già làng thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, bằng những hoạt động cụ thể:

Thường xuyên quan tâm, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ Già làng và người có uy tín trong cộng đồng trong các dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, khó khăn trong đời sống, để họ yên tâm công tác.

Kịp thời phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương để các vị Già làng phát huy vai trò hạt nhân, gương mẫu của các vị Già làng ở cộng đồng dân cư trong công tác vận động quần chúng.

Cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở để nắm băt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn, vướng mắc của bà con nhân dân để tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền kịp thời có biện pháp tháo gỡ; không để các thế lực thù địch lợi dụng những hạn chế, yếu kém của chúng ta để kích động, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Hơn ai hết, đội ngũ Già làng phải thực sự chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu, để vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan trong cộng đồng...

Cách đây hơn 70 năm, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plei Cu, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”. Thấm nhuần lời dặn của Bác Hồ, ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, chúng ta cần khơi dậy và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!”.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:1415
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 6904 Số người online:
Phát triển:TNC