banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Phấn đấu xây dựng thị xã Ngọc Hồi
26-2-2020

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Hồi khóa VI ( nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định mục tiêu xây dựng thị xã Ngọc Hồi, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Sau 5 năm tập trung các nguồn lực đầu tư, đến nay, nhiệm vụ xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV cơ bản đã hoàn thành. Tuy vậy, để đưa Ngọc Hồi trở thành thị xã, vẫn còn một số nội dung quan trọng cần được đáp ứng.

Xây dựng đô thị loại IV làm cơ sở thành lập thị xã Ngọc Hồi

Tháng 2 năm 2015, Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận thị trấn Plei Kần mở rộng đạt tiêu chuẩn loại IV.Trên cơ sở này, các nguồn lực đã được quan tâm, tập trung đầu tư, phấn đấu xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập thị xã theo lộ trình được xác định.

Giai đoạn 2015-2020, khoảng 500 tỷ đồng đã được huyện Ngọc Hồi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mà chủ yếu là xây dựng, nâng cấp giao thông, hệ thống điện, trường học...; góp phần đạt tiêu chí số 5 về trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị theo chuẩn đô thị loại IV.“Ngoài nguồn ngân sách nhà nước,huyện khuyến khích, vận động nhân dân đóng góp để pê tông hóa các  tuyến đường khu dân cư tại  địa bàn thị trấn; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.”- Bà Y Lan- Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Tuy- Bí thư chi bộ tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần cho biết: Nhận thức rõ yêu cầu chung tay góp sức để xây dựng đô thị Ngọc Hồi, tổ dân phố đã tích cực tuyên truyền vận động bà con đóng góp để làm pê tông hóa đường nội vùng.Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong năm 2019, đã có hai tuyến được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong đó, một tuyến đường chính dài 540 m, mặt đường 3,5 m được nhà nước đầu tư 800 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 200 triệu đồng.Một nhánh đường xương cá gần 100m, bà con cũng đóp góp 60 triệu đồng.

Đặc biệt, cũng tại tổ dân phố này, đoạn đường 120 m được pê tông trị giá gần 200 triệu đồng, toàn bộ nhờ sức dân. Anh Nguyễn Văn Long, người dân ở đây cho hay: Trước đây,con đường mưa lầy, nắng bụi. Không trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, bà con trong xóm, mà chủ yếu là các gia đình trẻ tự nguyện đóng góp tiền và ngày công để cái tạo, nâng cấp đường.Đầu tiên là mỗi hộ góp hơn 1 triệu đồng để đổ cấp phối mặt đường; trước Tết Canh Tý, đóng góp mỗi hộ 7 triệu đồng cùng nhiều ngày công để đổ pê tông hoàn chỉnh toàn tuyến.

 Bà con tổ dân phố 6, TT Plei Kần đóng góp bê tông đường khu dân cư

Trong số các công trình được doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn, ngoài Trường Mầm non tư thục Đồ Rê Mí và khu thể thao sân cỏ nhân tạo, phải kể đến Nhà máy nước Ngọc Hồi công suất 5.000m3/ ngày đêm, kinh phí đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; đã được đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn I của dự án. 

 Đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi được xây dựng trên cơ sở xác định diện tích tự nhiên gần 84.000 hecta, dân số gần 59.000 người, giữ nguyên 8 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó, giữ nguyên hiện trạng các xã ( Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang, Sa Loong) và hình thành 04 phường trên nền tảng thị trấn Plei Kần, xã Đăk Xú, Pờ Y, Đăk Kan (cũ).

Theo ông Trần Văn Nhứt- Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Ngọc Hồi, căn cứ để lập, trình phê duyệt đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi là quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi và kết quả đánh giá, phân loại lại đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210 của UB Thường vụ Quốc hội.

 Đến nay, các tiêu chuẩn để công nhận huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV cơ bản đã được đáp ứng, đủ điều kiện. Căn cứ vào 05 tiêu chí công nhận đô thị loại IV được ban hành theo Nghị quyết 1210 của UB Thường vụ Quốc hội, huyện Ngọc Hồi đạt 81,25 điểm trên tổng số 100 điểm.

Đầu tư hạ tầng góp phần hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV

Tuy vậy,vẫn còn một số nội dung liên quan đến đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi cần được đáp ứng.Theo bà Y Lan-Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi:Thứ nhất, liên quan đến việc xác định mức tăng trưởng trong 3 năm gần nhất, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị Cục Thống kê hướng dẫn cách tính. Tuy nhiên, huyện được trả lời là chưa có phương pháp và nội dung tính GRDP riêng cho cấp huyện. Thứ hai, là quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi hiện vẫn chưa được tiến hành, vì còn phụ thuộc vào việc xác định diện tích của huyện có liên quan đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Thực tế, trước đây, Khu KTCKQT Bờ Y là khu chức năng đặc thù được quy hoạch trên tổng diện tích khoảng 70.000 hecta, bao gồm gần hết diện tích các xã, thị trấn của huyện Ngọc Hồi, trừ xã Đăk Ang.Nay, theo quy định tối thiểu diện tích đô thị loại IV, cần điều chỉnh lại diện tích cho phù hợp. Vì vậy, để lập quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi, UBND huyện phối hợp với các ngành chức năng đã đề nghị UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y xuống còn khoảng 15.000 hecta.  

Có thể thấy, hoàn thành quy hoạch chung đô thị là điều kiện “ đủ” để huyện Ngọc Hồi tiến hành lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án công nhận lại đô thị loại IV; đáp ứng yêu cầu xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi, theo dự kiến trong năm 2020./.

Nghĩa Hà
Số lượt xem:3645
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 18642 Số người online:
Phát triển:TNC