banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Hồ Chí Minh – Người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam
15-6-2016

Sinh thời, Bác Hồ luôn viết báo để cổ động, tuyên truyền, giáo dục... gắn liền với hoạt động cách mạng của Người. Từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã viết rất nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau.Người đã coi và dùng báo chí như một công cụ sắc bén trên tất cả các chặng đường đấu tranh cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có điều rất đặc biệt là, dù viết để "đánh địch" hay viết cho nhân dân lao động, bộ đội, thanh niên, thiếu nhi... thì Bác dùng câu văn dễ hiểu, dễ nhớ nhưng lý lẽ xác đáng đầy thuyết phục và tình cảm chân thành, thiết tha đi vào lòng người.Trong cả cuộc đời mình, nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh đã viết cho nhiều đối tượng khác nhau từ những đại biểu cao cấp nhất của các quốc gia, nhân dân các nước thuộc địa, nhân dân và đảng cộng sản các nước anh em... nhưng chủ yếu nhất, đông đảo nhất vẫn là các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Là nhà báo lớn, Chủ tịch Hồ chí Minh đã để lại cho đội ngũ các thế hệ nhà báo những bài học, kinh nghiệm quý báu từ chính cuộc đời làm báo của mình. Người quan niệm công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Vì vậy, bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng đặc biệt có giá trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị. Muốn như vậy,  người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.  Quan điểm của Người về phong cách người làm báo rất rõ ràng. Với mỗi đối tượng cụ thể, Bác đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Trước khi nói về cách làm báo và viết báo, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tư cách của người làm báo, coi người làm báo là người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Người luôn đặt ra những câu hỏi cụ thể: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào?. Đây là những câu hỏi cần phải được đặt ra và trả lời trước khi viết. Do đó trong khi viết, Bác rất chú trọng đặt câu và phát triển câu. Người yêu cầu văn phong phải giản dị, ngắn ngọn, rõ ràng, dễ hiểu, không cầu kỳ chữ nghĩa, bố cục chặt chẽ thể hiện ở từng từ, từng câu.

Từ năm 1951 - 1969, Bác đã viết l.205 bài báo với 23 bút danh khác nhau cho báo Nhân Dân và gần 300 bài cho báo chí nước ngoài. Khi đọc những tác phẩm của Bác Hồ, nhà văn Hoài Thanh viết: “Có một điều lạ hết sức. Tôi cứ nghĩ không biết làm sao mà giữa bao nhiêu công việc bề bộn, Bác lại có thể viết được nhiều như vậy. Những anh, chị em còn trai tráng và chuyên nghề viết cũng ít người viết được như thế” .

Với tư cách là một nhà báo lỗi lạc, dày dạn  kinh nghiệm và đức tính khiêm tốn, Bác đã truyền đạt cho những người viết báo một cách đơn giản, dễ hiểu: “Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, cho mình là tuyệt rồi. Tự ái là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.  Vì vậy, khi viết xong một bài báo Bác luôn luôn yêu cầu mọi người xung quanh đọc lại bản thảo xem có từ ngữ nào khó hiểu để Bác sửa lại cho trong sáng, từ ngữ giản đơn mà ý tứ sâu sắc. Như khi Bác viết bài báo: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (đăng trên báo Nhân Dân số 5409 ra ngày 3/2/1969), bài báo này trước khi gửi đến Toà soạn Bác đã cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Hiện nay, chúng ta đọc lại bài báo của Bác thấy câu chữ vô cùng sâu sắc, bố cục rất chặt chẽ, còn nguyên tính thời sự.

Đọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Nhiều quan điểm, nhiều nhiệm vụ cách mạng đã được Người truyền tải đến với mọi người qua những bài báo bằng những ngôn từ quen thuộc, dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại, không tỏ ra cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Thông qua các tác phẩm của Bác đều thấy hiện thực sinh động từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Những bài báo của Người đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài viết của Người đối với người đọc. Chân thực là yêu cầu đầu tiên Bác Hồ đặt ra không chỉ với các nhà báo mà với tất cả cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở cán bộ: "Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra"; "không nên nói ẩu"; "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết"...

Theo Hồ Chí Minh "ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn". Bác Hồ cũng căn dặn: Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông - Ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Đây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như châm ngôn: Dĩ bất biến - Ứng vạn biến; Không có gì quý hơn độc lập tự do; Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình... Viết giản dị không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp mà do Người đã thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất - “Đó là cái khó nhất ở trên đời, là giới hạn tột cùng của sự từng trải và là nỗ lực cuối cùng của thiên tài".

Để viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu theo nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết phải gần gũi quần chúng, phải học tập nhân dân để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Sự giản dị, trong sáng trong văn phong của Người bắt nguồn từ sự gần dân, từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, sự am hiểu tường tận truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ... Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ cũng chỉ ra rằng phải chống lại bệnh hay nói chữ, bệnh ham dùng chữ nước ngoài. Những tiếng nước ngoài nào đã quen thuộc, đã "hóa thành chữ ta" mà không dùng thì không đúng. Bác nêu ví dụ: ta nói độc lập chứ không nói đứng một; nói du kích chứ không nói đánh chơi;... Còn với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã chẳng có lợi nhiều, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại càng to... Những sai sót như vậy, đến nay vẫn còn dễ gặp trong nhiều bài, nhiều tin trên các loại hình báo chí..

Những bài báo của Bác Hồ luôn sinh động với bút pháp biến hóa, đa dạng, đanh thép khi tố cáo tội ác của đế quốc thực dân, sôi nổi khi tranh luận, bình dị khi giải thích, thuyết phục... Người hay kết hợp, đan xen đúng lúc những đoạn thơ, câu ca có vần điệu trong những bài báo cách mạng tưởng như khô khan, khó đọc. Văn phong báo chí của Bác Hồ còn toát lên sự lạc quan, hóm hỉnh của một trí tuệ lớn. Văn phong báo chí độc đáo của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh luôn hướng đến nhân dân, phục vụ nhân dân. Những giá trị độc đáo và sâu sắc trong văn phong báo chí và nghệ thuật làm báo, viết báo của Bác Hồ không ngoài mục đích làm cho bài viết sinh động hơn, hấp dẫn hơn, để truyền tải tốt hơn những nội dung cách mạng đến từng cá nhân đối tượng của bài báo. Bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, Bác Hồ đã dạy những người làm báo nhiều điều khi viết, khi nói. Nay vẫn còn đó những điều Người căn dặn và một tấm gương tỏa sáng - Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những người làm báo- những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của dân tộc, hơn ai hết phải là những người thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Học tập Bác về cách tư duy, cách sử dụng tư liệu và cách viết để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc./.

Hà Linh
Số lượt xem:962
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 1870 Số người online:
Phát triển:TNC