Gia đình là một thế chế xã hội đặc biệt. Không giống như các thiết chế khác, nếu như thiết chế làng truyền thống Việt Nam, các thành viên liên kết với nhau dựa trên quy ước, luật tục và những giá trị chung, mang tính cộng đồng; thiết chế nhà nước tồn tại và hoạt động dựa trên hệ thống pháp luật và quyền lực, thì gia đình hình thành trên cơ sở tình thân ruột thịt, ông cha ta gọi đó là huyết thống gia đình. Tức là các thành viên trong gia đình có chung một dòng máu. Ngày nay, khoa học phát triển đã chứng minh được những người trong một gia đình có chung huyết thống thông qua kết quả xét nghiệm AND. Như vậy, có thể thấy, nền tảng đầu tiên và bền vững nhất của gia đình đó là tình thân. Các thành viên gắn bó với nhau không phải bằng quy ước, luật lệ mà liên kết với nhau bằng một sợi dây vô hình, sợi dây huyết thống, mặc dù không ai có thể nhìn thấy nó, nhưng ai cũng xúc động khi nghĩ về nó và không ai có thể chia cắt sợi dây thiêng liêng này.
Nếu vì hoàn cảnh, một người thân trong gia đình bị li tán, thất lạc, thì việc tìm kiếm người thân luôn thường trực ở mỗi thành viên của gia đình ấy. Nếu chẳng may, gia đình có tan vỡ, thì tình vợ chồng, nghĩa phu thê sẽ mất đi nhưng tình thân giữa những người có chung huyết thống vẫn còn đó. Có nhiều câu chuyện kể về những tên tội phạm khắc tiếng, không sợ bất kỳ một ai, không khai nữa lời với nhà chức trách khi bị bắt… nhưng khi nhắc đến người thân trong gia đình, nhất là ông bà, cha mẹ, con cái thì lương tâm của họ lại trở về…
Tình thân là cội nguồn của chữ hiếu. Theo đúng cách hiểu của ông cha ta từ xa xưa đến nay, con người chỉ có hiếu và báo hiếu đối với ông bà, cha mẹ sinh ra ta hoặc là những người mà chúng ta xem trọng như ông bà, cha mẹ mà thôi. Hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ không phải chỉ ở lời nói mà cả trong nhận thức, suy nghĩ và đặc biệt là hành động báo hiếu, trả hiếu đối với các đấng sinh thành. Ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Chữ hiếu đối với người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay được cả dân tộc ta tôn vinh như là một trong những giá trị đạo đức cá nhân quan trọng nhất và đề cao, nâng lên thành “Đạo hiếu”. Nếu một người, dù đường công danh có thành đạt đến đâu, dù giàu sang, phú quý cỡ nào, dù là tiến sỹ, giáo sư, thậm chí được phong anh hùng, hay có khả năng hô phong hoán vũ nhưng nếu bất kính với ông bà, bất hiếu với cha mẹ thì liền bị xã hội phê phán, lên án. Trong khi đó, một anh nông dân nghèo, không được học hành tử tế nhưng một lòng hiếu kính với các đấng sinh thành thì được xã hội tôn trọng và đề cao. Như vậy có thể thấy, tiền tài, vật chất, địa vị xã hội cũng rất quan trọng cho mỗi con người, nhưng để người đời ghi nhận giá trị của mỗi người không phải là ở đó mà xã hội chỉ đánh giá người đó sống có “phải đạo” hay không? Trong đó, đạo hiếu là quan trọng nhất!
Ngày nay, trong xu thế hội nhập, một số giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam đứng trước những thử thách đầy cam go, trong đó có việc giáo dục, duy trì đạo hiếu cho thế hệ trẻ. Hàng ngày, các phương tiện truyền thông đưa nhiều vụ việc con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ, đánh đập, chửi bới, thậm chí giết cả người thân vì mâu thuẫn lợi ích, vì những xung đột trong cuộc sống hoặc những nguyên nhân khác. Nhưng dù là bất kỳ nguyên nhân gì thì những hành động, việc làm như vậy đều đi ngược lại đạo hiếu của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, những người đó sẽ bị xã hội lên án và pháp luật nghiêm trị. Tuy vậy, khi đọc những chuyện đó, chúng ta không khỏi đau lòng và tự đặt câu hỏi: Đất nước ngày càng phát triển nhưng tại sao nhiều giá trị đạo đức trong xã hội có dấu hiệu đi xuống, nhiều gia đình thành đạt, giàu có, con cái lại không nên người? Do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người bất hiếu với ông bà, cha mẹ, nhưng tựu trung lại có thể chỉ ngay được một số nguyên nhân cơ bản như sau: Giáo dục trong gia đình chưa được coi trọng; Sự nêu gương của người lớn chưa tốt; Giáo dục nhà trường thiên về kiến thức hàn lâm, ít chú ý giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; Một bộ phận giới trẻ thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thích đua đòi, hưởng thụ, sống buông thả, vi phạm pháp luật, xa dần các giá trị tốt đẹp của dân tộc…
Đã đến lúc, chúng ta phải gióng lên hồi chuông báo động để mỗi một gia đình, các bậc làm cha, làm mẹ hãy nhìn nhận lại vai trò giáo dục của gia đình đối với con cái, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc trao truyền “đạo hiếu” cho con cái của mình.
Có lẽ ngày xa xưa, trong chúng ta, hầu như ai cũng đã từng nghe những người bà, người mẹ của mình hát ru bằng những câu ca dao, những bài hát ru mà thông qua đó, tuổi thơ chúng ta sẽ thấm dần vào tâm thức mình về đạo làm con, về chữ hiếu và báo hiếu một cách tự nhiên: “Công cha nặng lắm ai ơi/Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”; “Công cha như núi ngất trời,/Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông./Núi cao biển rộng mênh mông,/Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”. Những lời ru, câu hát mộc mạc, giản dị nhưng chứa hàm ý sâu xa, nuôi dưỡng cốt cách con người Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử. Ngày nay, việc ru con, hát ru dần dần trở thành xa lạ với nhiều bà mẹ và đó là sự thiệt thòi của bao lớp trẻ thơ!
Để giáo dục con cái về đạo hiếu, trước hết các bậc làm cha, làm mẹ và những người lớn trong gia đình phải là những tấm gương hiếu thảo với các đáng sinh thành. Một lời thăm hỏi lúc cha mẹ, ông bà ốm đau, trọng dịp lễ tết; tặng những món quà nho nhỏ mà cha mẹ thích có ý nghĩa hơn vạn lần tiền bạc; trong những dịp phù hợp đưa con cháu về thăm ông bà, cha mẹ để chúng tìm hiểu về truyền thống gia đình, cuộc sống nơi quê cha đất tổ để hun đúc tình cảm với những người thân thuộc.
Giáo dục cho con cái nhận thức được việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc về già, những khi ốm đau là những việc làm tự giác, như một lẽ tự nhiên. Mặc dù nhiều người trong chúng ta ly hương, lập nghiệp ở nơi khác nhưng phải thường xuyên thực hành nghe lễ thờ cúng tổ tiên, thông qua đó giải thích, giáo dục cho con cái về cội nguồn của dòng họ, biết ơn các bậc tiền nhân, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Cha mẹ phải tìm hiểu và giới thiệu cho con cái về gia phả, truyền thống gia đình, dòng họ của mình, để các con biết: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, từ đó bồi đắm cho con trẻ niềm tự hào về gia đình, dòng tộc của mình.
Ngoài ra, giáo dục đạo hiếu cho lớp trẻ còn phải mở rộng trong giáo dục ở nhà trường, giáo dục trong toàn xã hội. Tuỳ vào đối tượng cụ thể mà có nội dung và hình thức giáo dục phù hợp, tránh rập khuôn, máy móc và lý luận suông. Cũng như giáo dục đạo đức nói chung, giáo dục về đạo hiếu hiệu quả nhất là thông qua những tấm gương người thật, việc thật trong đời sống./.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|