Tắt lửa tối đèn có nhau
Ngồi trong ngôi nhà sàn với kiến trúc, hình dáng đậm truyền thống của người Mường, ông Bùi Duy Nhất – thôn trưởng thôn Thung Nai, xã Đăk Xú như không giấu được những cảm xúc trào dâng. Húp ngụm nước trà, ông chậm rãi: “Quả thật rất mừng vì dù cuộc sống tất bật nhưng người dân Mường chúng tôi vẫn luôn đoàn kết, kề vai sát cánh, giúp nhau qua những lúc khó khăn, hoạn nạn nhất”.
Năm 1993, với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, 56 hộ dân xã Thung Nai, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã tiên phong đi vào phố núi, định cư ở vùng biên giới xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Vào một mảnh đất mới, “vạn sự khởi đầu nan”, ai cũng gặp vô vàn khó khăn. Ông Nhất bảo, thời ấy, khi vào, dù được cấp đất để làm nhà, hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng nhưng đường xá khó khăn, rậm rạp, phương thức canh tác lại khác nhau khiến cuộc sống như bế tắc. Hơn thế, sự khác biệt về thời tiết, phong cách, tập tục sống… khiến rất nhiều người nản chí. “Hồi mới vào không biết vì bệnh gì mà người Mường chết nhiều lắm. Cứ vài ngày lại có người chết khiến chúng tôi sợ và nản. Một số người sợ quá đã bỏ nơi đây để về lại quê hương. Chính bản thân tôi cũng có phần lo sợ khi trong gia đình có 3 người mất vì bệnh lạ. May mắn sao lúc đó được bà con dân làng kề vai sát cánh, cùng giúp đỡ, gia đình tôi mới vượt qua được hoạn nạn, tiếp tục bám trụ lại mảnh đất này” – ông Nhất nhớ lại.
Khi nhớ lại những ngày vào mảnh đất mới, cô Xa Thị Sự ở thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô bảo, ngày đó, cả gia đình, anh chị em cô đều rời xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào phố núi để sinh sống và lập nghiệp. Cũng như bao gia đình khác, gia đình cô gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng điều chua xót nhất là gia đình cô có đến 3 người mất vì bệnh tật. “Gia đình tôi hoang mang lắm! Lúc đó mọi người trong thôn, trong xã đã nhiệt tình đến giúp đỡ từ ăn uống, lo ma chay rồi động viên, nhờ vậy gia đình tôi mới có thêm động lực để bám trụ” - cô Sự nhớ lại.
Gìn giữ nét văn hóa truyền thống của Người Mường
Kề vai, dìu nhau đi qua cơn hoạn nạn, bà con nơi đây lại cùng sẻ chia ngọt bùi, tắt lửa tối đèn có nhau để vươn lên cuộc sống. 6 tháng được hỗ trợ gạo ăn cũng qua đi, hết đau ốm, cái đói, cái cực lại bủa vây. Không trông chờ vào trợ cấp, mọi người bảo ban nhau phát từng mảnh đất hoang để làm lúa; cùng nhau làm từng đám mì, đám ngô để vực dậy đói nghèo. “Chúng tôi cứ động viên nhau cùng làm thôi cô ạ. Lá rách ít đùm lá rách nhiều, cứ ai đói kém hơn, chúng tôi lại giúp đỡ để cùng nhau vượt qua” – ông Nhất nhớ lại.
Qua đi rồi cái ngày đói, khổ, giờ đây, khi đời sống đã ổn định hơn, bà con vẫn rất đoàn kết, keo sơn. Ấy là khi nhà nào chuẩn bị làm nhà, cả làng lại tập trung đến, người phụ dở nhà, người đào móng, người lo phụ hồ, người lại chuẩn bị cơm nước… Đến mùa gặt, mọi người cùng nhau đổi công, gặt hết nhà người này lại đến nhà người khác. Cứ thế, nhờ đổi công kịp thời nên các mùa vụ được gieo, gặt kịp thời, đảm bảo năng suất. Không chỉ thế, để giúp đỡ những người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, bà con còn động viên, giúp nhau về cây, con giống. “Trong thôn có nhiều nhà cho nhau mượn heo, bò cái sinh sản để giúp những hộ nghèo. Bất kể ai không biết về kĩ thuật nuôi cá hay chăn nuôi, chỉ cần hỏi, ai biết đều nhiệt tình giúp đỡ ngay” – ông Nhất kể.
Vì đoàn kết, gắn bó với nhau nên trong làng ai xảy ra việc gì, bà con đều biết. Chỉ cần thấy gia đình ai gặp chuyện khó khăn, cả làng lại cùng nhau làm thư ngỏ, thông báo cho mọi người trong làng cùng quyên góp, ủng hộ. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, “chắt muối bỏ biển”, ai nấy đều muốn góp sức mình để chia sẻ, giúp bà con thoát khỏi hiểm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Thay da đổi thịt
Qua rồi cái thời ăn bữa nay lo bữa mai, qua rồi cái thời nhà đất vách nứa, các làng đồng bào người Mường ở mảnh đất biên giới Ngọc Hồi đã thực sự thay da đổi thịt. Trên những con đường nhựa bằng phẳng, những ngôi nhà xây, nhà thái mọc san sát nhau. Không còn cái thời phải đi chân đất đến nứt nẻ gót, nay nhà nào cũng có một vài chiếc xe máy. Trong nhà có đủ các vật dụng: tủ lạnh, ti vi, máy quạt hiện đại.
Trong căn nhà thái rộng rãi với đầy đủ các tiện nghi, cô Sự không giấu được niềm vui khi chúng tôi hỏi về kinh tế. Cô bảo, cũng như nhiều gia đình khác, cô tận dụng từng mảnh đất nhỏ để làm lúa, làm rẫy cộng thêm việc chắt chiu dành dụm, đời sống gia đình cô khấm khá hơn. Ngày nào còn phải làm từng mẩu đất nhỏ, giờ đây gia đình cô đã có 1ha lúa đồi, 5-6 ha mì, vài chục con heo, gà, thu nhập hàng năm ổn định. Hay như gia đình chú Hà Đức Hoan ở thôn Hào Nưa (xã Đăk Kan), ngày nào còn khó khăn, giờ đây gia đình đã có của ăn, của để. Mỗi năm làm hơn 1ha mì, 3 sào lúa rồi chăn nuôi thêm heo nái, trừ chi phí, 2 vợ chồng chú cũng dư giả được vài chục triệu đồng. Có thu nhập ổn định, chú Hoan còn động viên các con chăm chỉ làm ăn. Đến giờ, con cái chú đã có gia đình, có thu nhập đều và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Có riêng gì nhà chú Hoan, nhờ đoàn kết, giúp nhau làm ăn mà giờ đây cả thôn Hào Nưa chỉ còn 10 hộ nghèo (trong tổng số 192 hộ người Mường). “Trong thời gian đến, thôn Hào Nưa chúng tôi còn giảm thêm 3 hộ nữa. Với việc chí thú làm ăn thế này, chả mấy chốc mà Hào Nưa phát triển đâu” – chú Hoan vui mừng.
Tại thôn Thung Nai cũng vậy, ngày nào nhà cửa còn lụp xụp, giờ đây Thung Nai đã thay áo mới. Không thay áo mới sao được khi nhà nhà từ thanh niên, phụ nữ đều chăm lo phát triển kinh tế. Từ sản xuất lạc hậu, giờ đây ai cũng biết áp dụng khoa học kĩ thuật, máy móc vào sản xuất. Đến nay trong thôn chỉ còn 6 hộ nghèo trong tổng số 119 hộ. Đa số các hộ nghèo là những người già đã mất sức lao động, còn lại ai cũng chăm chỉ làm ăn.
“Siêng nhặt, chặt bị”, cuộc sống nghèo nàn đã lùi vào quá khứ. Khi kinh tế không còn là gánh nặng, người dân nơi đây lại cùng bảo ban nhau phải chăm lo cho các con, các cháu học hành. Trong mỗi thôn người Mường đều có hội khuyến học, hội đồng hương. Hàng năm, hội đều trích quỹ, động viên, giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó đến lớp. Rồi cháu nào đạt thành tích cao trong học tập, cả hội lại đến chia vui, có những phần quà khích lệ để tạo động lực giúp các em vươn lên trong học tập.
Xem Kon Tum là quê hương thứ hai, từ già, trẻ, gái, trai đều gắng sức chung tay xây dựng. Trên khắp các xóm làng, nhà nhà đều thực hiện 5 không, 3 sạch, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Chẳng cần phải nhắc nhở, ai nấy đều tự nguyện góp đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong xóm, làng hiếm khi xảy ra va chạm, cãi cọ. Đời sống an ninh trật tự, ổn định.
Ngày mới ở những thôn, làng người Mường thật yên bình. Còn những ngày hội làng lại rộn ràng, náo nhiệt hẳn. Bà con xúng xính trong những bộ váy áo Mường lấp lánh ánh bạc, cùng nhảy sạp, múa xòe, múa bát trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng theo nét văn hóa truyền thống. “Đoàn kết là phát triển, bà con chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp” – ông Nhất phấn khởi.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|