banner
Thứ 7, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Triển khai Công điện số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ động ứng phó mưu lũ, sạt lỡ đất
26-7-2024

(ngochoi.kontum.gov.vn): Ngày 24/7/2024, Ủy ban nhân dân huyện có Văn bản số 2245/UBND-NN về triển khai nội dung Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 22/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh; chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn huyện.

Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Tổ chức kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, khu ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, các khu vực có nguy cơ mất an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt (nếu có).

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đề nghị các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa và chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố thiên tai gây ra, nhất là sự cố về động đất, sạt lở và bão lụt.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, sạt lở đất gây chia cắt; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch; chủ động phòng chống ngập úng khu vực hay bị ngập qua các năm (xã Đăk Ang, Đăk Nông, Pờ Y, xã Đăk Xú; cánh đồng Tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần).

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tự bảo đảm an toàn khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chỉ đạo quyết liệt việc nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ đập khi có mưa lũ, vùng ngập sâu, nước chảy xiết.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng chống ứng phó thiên tai, nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông (theo tài liệu được Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai xây dựng và đăng tải trên website:phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx) để chủ động ứng phó, sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.

Tổ chức trực ban (khi có dự báo ảnh hưởng thiên tai, mưa bão xảy ra), để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai; tổng hợp tình hình ảnh hưởng thiệt hại (nếu có), báo cáo gửi về UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp tham mưu báo cáo các sở, ban ngành của tỉnh.

Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra, hỗ trợ chi viện khi có yêu cầu; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, ứng phó kịp thời, đồng bộ với mọi tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai) theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành và thực hiện đúng quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; phương án phòng, chống lũ bão đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện.

Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương bảo đảm công tác an toàn giao thông khu vực bị ngập sâu, chia cắt; phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý ngay các điểm sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ, khắc phục kịp thời sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã; kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và lũ, lụt kéo dài; theo dõi các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn vùng hạ du; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.

Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai; để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên, khoáng sản luật để nâng cao nhận thức trong bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản.

Phòng Văn hóa - Thông tin; Trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch và Truyền thông huyện làm tốt công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho Nhân dân để chủ động phòng tránh.

Điện lực Ngọc Hồi tăng cường kiểm tra hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; có kế hoạch tổ chức kiểm tra, khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn.

Trạm quản lý thủy nông huyện, các chủ hồ, đập thủy điện: Thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình; phối hợp với các địa phương kiểm tra xác định vùng có nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa lũ, thông báo, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

 

Số lượt xem:1554
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 14614 Số người online:
Phát triển:TNC