banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Đảng bộ huyện Ngọc Hồi: Công tác phát triển đảng viên từ ngày thành lập đến nay
4-2-2020

Ngay sau khi thành lập huyện (15/10/1991), ngày 09/11/1991, Đảng bộ huyện Ngọc Hồi chính thức được thành lập theo Quyết định số 25-NS/TU, của Tỉnh uỷ Kon Tum, bao gồm các tổ chức Đảng của: xã Dục Nông thuộc Đảng bộ huyện Đăk Glei; xã Đăng Ang thuộc Đảng bộ huyện Đăk Tô; xã Đăk Xú, Pờ Y, Sa Loong thuộc Đảng bộ huyện Sa Thầy chuyển giao và các tổ chức cơ sở đảng do Huyện uỷ Ngọc Hồi thành lập. Sau khi tiếp nhận, sắp xếp, kiện toàn, toàn Đảng bộ có 10 tổ chức đảng trực thuộc với 292 đảng viên. Trải qua 29 năm, công tác phát triển đảng viên luôn được Huyện uỷ và các tổ chức đảng chú trọng và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

1. Kết quả công tác phát triển đảng viên từ 11/1991 đến nay

Sau một năm thành lập, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 16 đảng viên, nâng số đảng viên từ 292 lên 308, trong đó đảng viên 251 là người dân tộc thiểu số, chiếm 81,4%; có 49 đảng viên nữ, chiếm 15.9%. Mặc dù trong thời gian này, Đảng bộ đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng công tác chăm lo bồi dưỡng, phát triển đảng viên được các tổ chức đảng chú trọng. Trong nhiệm kỳ thứ I, (1992 – 1996), Đảng bộ đã có 15 tổ chức đảng trực thuộc với 432 đảng viên. Như vậy, trong chưa đầy 5 năm xây dựng, số lượng tổ chức Đảng trực thuộc Huyện uỷ tăng 50% so với ngày đầu thành lập (từ 10 lên 15 tổ chức) và kết nạp được 140 đảng viên tăng 47,9% so với tháng 11/1991.

Giai đoạn 1996 – 2000, công tác xây dựng đảng được Đảng bộ coi trọng, then chốt là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đến nhiệm kỳ Đại hội thứ II, công tác phát triển đảng viên tại Đảng bộ đã có kết quả đáng kể nhưng nhìn chung đội ngũ đảng viên vẫn còn ít, nhiều thôn, làng vẫn chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Trước tình hình đó, Huyện uỷ đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đảng viên, nhất là những vùng còn trắng đảng viên, đồng thời thực hiện việc thành lập mới, tổ chức, sắp xếp, chia tách các tổ chức đảng để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Đến năm 2000, toàn  Đảng bộ có 28 tổ chức đảng trực thuộc Huyện uỷ và kết nạp được 176 đảng viên, nâng số lượng đảng viên lên thành 618 đồng chí.

Bước vào thiên niên kỳ thứ 3, Đảng bộ huyện Ngọc Hồi tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2000 – 2005. Trong nhiệm kỳ này, công tác phát triển đảng tiến tới xoá bỏ thôn, làng, cơ quan trắng đảng viên được toàn Đảng bộ thường xuyên quan tâm với nhiều giải pháp phù hợp. Hàng năm, Huyện uỷ đã trực tiếp chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng xây dựng kế hoạch chăm lo, bồi dưỡng kết nạp đảng viên đảm bảo chỉ tiêu về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng mọi mặt của đảng viên. Đến cuối nhiệm kỳ 2000 – 2005, Đảng bộ kết nạp thêm 243 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 861 đồng chí. Chỉ trong 5 năm, đội ngũ đảng viên lớn mạnh nhanh chóng, tạo tiền đề thực hiện công tác củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng tại địa phương. Đến năm 2005, Đảng bộ có 42 tổ chức đảng trực thuộc, tăng 14 đơn vị so với năm 2000.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2005 – 2010, có ý nghĩa quan trọng trên tiến trình phát triển huyện Ngọc Hồi trong 10 năm đầu của thiên niên kỷ mới, cùng với tỉnh Kon Tum và cả nước vững bước đi lên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Song song với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội giữ vững quốc phòng, an ninh, Đảng bộ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Trong giai đoạn này, toàn Đảng bộ đã kết được 460 đảng viên, nâng số lượng đảng vien toàn Đảng bộ lên con số 1.321.

Bước vào nhiệm kỳ 2010 – 2015, công tác phát triển đảng viên tại Đảng bộ tiếp tục có những kết quả to lớn. Việc kết nạp đảng viên không những chú trọng vào số lượng mà còn quan tâm về chất lượng đảng viên mới, cả về học vấn lẫn về ý thức, thái độ chính trị. Bên cạnh quan tâm lãnh đạo nhiệm vụ kết nạp đảng viên, Đảng bộ huyện thường xuyên chú trọng công tác kiện toàn, củng cố, tổ chức, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng trong hệ thống chính trị tại địa phương. Đến cuối nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng bộ có 60 tổ chức đảng trực thuộc và 1.883 đảng viên.

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, công tác phát triển đảng viên tại Đảng bộ có những kết quả vợt bậc. Trung bình mỗi năm, Đảng bộ kết nạp được hơn 100 đảng viên. Đến cuối năm 2019,  Đảng bộ kết nạp thêm 557 đảng viên, đồng thời đưa ra khỏi đảng 24 đảng viên, Đảng bộ hiện nay có hơn 2.400 đảng viên. Thực hiện nghị quyết số 18 và số 19 của BCH Trung ương Đảng khoá XII, Huyện uỷ đã quyết liệt chỉ đạo việc tổ chức, sắp xếp tại các tổ chức đảng trực thuộc theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức cơ sở đảng. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện sắp xếp còn lại 55 tổ chức đảng trực thuộc Huyện uỷ.

Có thể khẳng định, trong gần 30 năm qua, Huyện uỷ Ngọc Hồi thường xuyên quan tâm lãnh đạo công tác phát triển đảng viên trong toàn Đảng bộ. Từ một địa phương chỉ có chưa đến 300 đảng viên của ngày mới thành lập, đến nay, Đảng bộ đã có lực lượng đảng viên tương đối lớn. Không còn tình trạng trắng đảng viên và tổ chức đảng tại các thôn, làng, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ đảng viên chiếm khoảng 4,1% dân số của toàn huyện. Bên cạnh đó, chất lượng về mọi mặt của đảng viên không ngừng được nâng lên, giai đoạn 2015 – 2020, trung bình hàng năm có trên 80% đảng viên toàn đảng bộ được đánh giá, xếp loại đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đội ngũ đảng viên thực sự là hạt nhân lãnh đạo, tiền phong, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng huyện Ngọc Hồi ổn định và phát triển bình vững.

2. Những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển đảng viên thời gian đến

Từ thực tiễn xây dựng đảng tại Đảng bộ huyện từ ngày thành lập đến nay cho thấy, công tác phát triển đảng viên tại địa phương chủ yếu tập trung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hoạt động trong hệ thống chính trị. Trong giai đoạn tới, việc phát triển đảng viên tại Đảng bộ huyện Ngọc Hồi dự báo sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức đặt ra:

- Phát triển đảng viên trong khu dân cư: Theo thống kê, dân số huyện Ngọc Hồi hiện nay đạt khoảng 59.000 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang toàn huyện chỉ trên dưới 2000 người, chiếm tỷ lệ khoảng 3,4%. Như vậy, quần chúng nhân dân hoạt động ở khu dân cư chiếm trên 95% dân số, đây là lực lượng chủ yếu, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh cho địa phương nhưng, công tác phát triển đảng viên ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Đến nay, số lượng đảng viên ỏ khu dân cư chỉ có 1130 người, chiếm tỷ lệ rất thấp trong cư dân nông thôn. Giai đoạn tới, dự báo công tác phát triển đảng viên tại cơ sở trên đại bàn huyện sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

- Phát triển đảng viên vùng dân tộc thiểu số: Là một địa phương có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 57% dân số toàn huyện. Nếu phát triển đảng viên tại cơ sở khó khăn bao nhiêu thì phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện càng khó khăn bấy nhiêu, bởi đại đa số đồng bào sinh sống tại cơ sở, đời sống kinh tế còn vô vàng khó khăn, nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều hạn chế và chịu sự chi phối bởi các phong tục, tập quán nên động cơ phấn đấu vào đảng của quần chúng là người dân tộc thiểu số thường thấp hơn phần còn lại. Hiện nay, số đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chỉ có 1.039 người, chiếm tỷ lệ dưới 45% số lượng đảng viên toàn đảng bộ.

- Phát triển đảng viên là tín đồ các tôn giáo: Hiện nay, huyện Ngọc Hồi có hơn 11.000 tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 18,6% dân số toàn huyện. Đại đa số tín đồ các tôn giáo, trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số, nên việc phát triển đảng viên, ngoài nguyên nhân nói trên còn có nguyên nhân từ chính những quần chúng theo các tôn giáo phấn đấu vào đảng. Hiện nay, trên địa bàn huyện mới chỉ kết nạp được 53 đảng viên là tín đồ các tôn giáo, chiếm tỷ lệ dưới 0,5% số lượng tín đồ.

- Ngoài ra, việc phát triển đảng viên trong các tổ chức ngoài nhà nước (các công ty, hợp tác xã…) cũng gặp khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 140 doanh nghiệp và 29 hợp tác xã thành lập và đăng ký hoạt động nhưng chỉ có 08 đảng viên hoạt trong các tổ chức đó.

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trước hết họ là công dân của nước Việt Nam, nhưng khác với các thành phần trong xã hội, đội ngũ đảng viên là một khối người trong tổ chức chính trị của chính đảng, cùng chung chí hướng, mục tiêu phấn đấu, được tổ chức thành lực lượng chiến đấu, công tác. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Như vậy, có thể khẳng định, mọi thành bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng đều có vai trò to lớn đội ngũ đảng viên.

Ngày nay, tình hình trong nước và trên thế giới đang có nhiều thay đổi, bên cạnh đó, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập quốc tề, cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hoà bình”, đang đặt ra cho đảng ta những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng phải nêu cao ý thức tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết và phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Do đó, trong công tác xây dựng đảng, ngoài mục tiêu phát triển số lượng phải đi đôi với nâng cao chất lượng đảng, trong đó tập trung nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị và hiểu biết các vấn đề kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh cho đảng viên để làm cơ sở vững chắc cho họ trong rèn luyện, công tác và cống hiến, để họ có khả năng tự đề kháng với những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hoá” và miễn nhiễm với các thói hư, tật xấu và những cảm dỗ đời thường. Có như vậy Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên mới ứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của cả dân tộc Việt Nam./.

 

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:2634
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 4331 Số người online:
Phát triển:TNC