banner
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Nhìn lại 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 -NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) trên địa bàn huyện
9-10-2017

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (sau đây viết tắt là Nghị quyết 33) ra đời trong bối cảnh nền văn hóa dân tộc đạt được nhiều thành tựu: Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú… Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa được đánh giá là chưa tương xứng, khi mà tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; môi trường văn hóa một số nơi còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, hiệu quả sử dụng thấp…

Nghị quyết 33 ra đời với mục tiêu cao nhất là nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngay sau khi Nghị quyết 33 ra đời đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Tại huyện, Nghị quyết 33 được cụ thể hóa bằng Chương trình số 159-CTr/HU ngày 30/01/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa V) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 555/KH-UBND ngày 19/5/2016 chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn.

Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 33 được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên và nhân dân về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 33 của Đảng.

Sau 03 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn huyện đạt được những kết quả bước đầu.

Huyện đã triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác hồ vĩ đại“. Trong 3 năm (2015 – 2017 ) đã tổ chức hơn 20 giải thể thao cấp huyện, nhiều giải thể thao cấp cơ sở thu hút hàng ngàn lượt VĐV tham gia thi đấu; đã thành lập nhiều Câu lạc bộ thể thao: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, võ thuật, cờ tướng. Đến nay, số người tập TDTT thường xuyên đạt 25,5%.

Trong giáo dục và đào tạo, với mục tiêu xây dựng mỗi trường học thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục tích cực, huyện đã triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người; học sinh được chú trọng giáo dục cả về tri thức, đạo đức, thể chất, kỹ năng sống. Ngoài các tiết học chính khóa, học sinh còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham quan các di tích, các hoạt động triển lãm, trưng bày tư liệu lịch sử, trồng cây xanh bảo vệ môi trường...

Trong y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực đáp ứng được công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân; công tác y tế dự phòng, kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm được chú trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số được triển khai thực hiện có hiệu quả. 

Trong chính trị, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, công khai quy trình làm việc và người chịu trách nhiệm giải quyết công việc; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về công chức, viên chức. Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc chấp hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh; tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương.

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được phát động rộng rãi trong nhân dân lồng ghép với việc thực hiện các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… Đến nay, đã có 10.495/16.042 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 65,42%, tăng 2.657 hộ so với năm 2014); 64/76 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận “Làng văn hóa” (đạt tỷ lệ 84,21%; tăng 07 làng VH so với năm 2014), có 43/66 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa (đạt 65,15%) và có 2/7 xã được công nhận xã Đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 28,6%).

Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Theo khảo sát, đến tháng 9/2017, toàn huyện có 01 Nhà văn hóa – thể thao huyện; 01 thư viện huyện;  01 sân vận động huyện; 8/8 Nhà văn hóa xã, thị trấn (đạt 100%);  03 sân vận động xã; 37 nhà rông và 23 nhà sinh hoạt cộng đồng, 55 sân bóng đá mi ni, 65 sân bóng chuyền, 10 sân cầu lông, 09 bàn bóng bàn tại các thôn/làng/TDP; 05 thư viện xã, 02 tủ sách pháp luật..

Bên cạnh đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các cấp các ngành, địa phương còn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Công tác phục dựng các lễ hội truyền thống,  truyền dạy sáng tạo nghệ thuật truyền thống được quan tâm. Trong những năm qua, đã phục dựng được nhiều lễ hội, như: lễ mừng lúa mới của người Brâu, lễ đâm trâu, lễ cưới cổ truyền, Lễ hội Chakchia của người Giẻ - Triêng; phối hợp tổ chức được các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, truyền dạy ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm tại các xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Nông, Đắk Dục, Thị trấn Pleikần... Nhà rông truyền thống được khôi phục, sửa chữa, thường xuyên hoạt động, phát huy hiệu quả sử dụng trong cộng đồng các thôn, làng. Các Đội nghệ nhân được tham gia biểu diễn ở các sự kiện văn hóa của tỉnh, khu vực và toàn quốc vừa quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, vừa được học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa khác, làm phong phú bản sắc văn hóa của địa phương.

Hàng năm, thông qua Hội nghị thường niên giữa hai huyện: huyện Phu Vông – tỉnh Attapư – CHDCND Lào và huyện Ngọc Hồi – tỉnh Kon Tum – nước CHXHCN Việt Nam, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống giữa cán bộ, nhân dân hai huyện. Đó là một trong những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 33 tại huyện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới, công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đi vào chiều sâu; một số nét văn hóa truyền thống độc đáo có nguy cơ mai một… Nguyên nhân của những tồn tại nói trên có cả chủ quan và khách quan, trong đó  khách quan là do sự xâm nhập ồ ạt, khó kiểm soát của những luồng văn hóa ngoại lai thông qua phương tiện truyền thông đã ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ và nhân dân; chủ quan là do ngân sách đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp so với nhu cầu; công tác lãnh chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về văn hóa chưa thật sự sâu sát; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan chưa thật sự chặt chẽ. Mặt khác, đời sống của nhân dân một số nơi còn khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 33 nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ ngành văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa; duy trì, phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống như: biểu diễn cồng chiêng – xoang, trình diễn các nhạc cụ dân tộc, các ngành nghề truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi trong toàn huyện, nhân rộng các câu lạc bộ văn hóa, thể thao để nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần…

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, hy vọng rằng chúng ta sẽ xây dựng được văn hóa và con người Ngọc Hồi phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ huyện, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bình Yên
Số lượt xem:4753
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5306 Số người online:
Phát triển:TNC