banner
Thứ 6, ngày 25 tháng 4 năm 2025
Tản mạn ngày khai trường
1-9-2015

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” 

Thế là một năm học mới, năm học 2015 - 2016 chuẩn bị bắt đầu. Không, nói chính xác là đã bắt đầu được vài tuần rồi, nhưng ngày khai giảng năm học mới sắp diễn ra. Nhân đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, tự nhiên thấy lòng bâng khuâng khó tả. Không phải vì nhớ trường, nhớ lớp hay thương hoài tuổi thơ mà vì sự kiện bắt đầu năm học mới của giáo dục Việt Nam thời gian gần đây có điều gì đó không ổn cho lắm. Theo lẽ thường từ lâu nay, khai giảng năm học mới là một sự kiện có nhiều ý nghĩa đối với thầy và trò, nhất là những học sinh ở đầu và cuối mỗi cấp học. Tuy nhiên, hiện nay khai giảng năm học mới đã có nhiều đổi khác.

Lễ khai giảng năm học mới thông thường diễn ra vào ngày 5 của tháng 9 dương lịch, đó là Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường, và từ sau buổi lễ khai giảng đó, năm học mới chính thức được bắt đầu. Còn nhớ, các buổi lễ khai giảng thường diễn ra rất gọn nhẹ, nhưng không khí rất vui vẻ, ấn tượng. Cả thầy và trò đều tích cực chuẩn bị và chờ đợi buổi khai giảng như một ngày hội lớn. Vời phần lớn học sinh, ngày khai giảng là ngày bạn bè gặp lại sau những tháng hè xa cách, nên tay bắt mặt mừng, miệng cười hớn hở, chuyện trò rôm rả. Học trò phấn khởi trong ngày đầu năm học vì được mặc quần áo mới, mang dép đẹp, có cặp mới, sách vở mới… Càng học lên lớp lớn hơn, ý nghĩa của ngày khai trường lại càng sâu sắc và đáng nhớ trong đời mỗi học sinh!

Lễ khai giảng bắt đầu bằng các tiết mục văn nghệ do chính học sinh và giáo viên chuẩn bị, có thể không đặc sắc lắm nhưng hầu như ai cũng thích thú, thậm chí do điều kiện khó khăn, văn nghệ thường là “hát chay” trên loa phóng thanh của trường chứ không phải trường nào của có đủ bộ âm thanh như bây giờ. Khách mời dự khai giảng có đại diện lãnh chính quyền địa phương, các phụ huynh học sinh, còn lại là giáo viên và học sinh toàn trường. Buổi lễ diễn ra ngắn, gọn nhưng rất trang trọng và ý nghĩa. Sau phần nghi lễ, thầy Hiệu trưởng sẽ đọc diễn văn khai giảng, trong đó có nêu khái quát mục tiêu, nhiệm vụ năm học và những dặn dò cần thiết đối với học sinh. Đại diện chính quyền địa phương phát biểu với nội dung chủ yếu là gửi gắm niềm tin của địa phương và các bậc phụ huynh vào sự nghiệp “Trồng người” của quý thầy cô giáo, đồng thời động viên thầy cô giáo vượt qua khó khăn trong cuộc sống để chăm lo cho việc giáo dục cho con em. Cuối cùng là phần phát biểu cảm tưởng của học sinh ưu tú tại buổi lễ. Kết thúc buổi lễ khai giảng các lớp sẽ được học buổi học đầu tiên của niên khoá mới.

Ngày nay, khái niệm “khai giảng” có lẽ đã ít nhiều bị thay đổi về nội hàm, bởi năm học mới đã bắt đầu từ trước đó ít lâu. Khai giảng bây giờ không còn là thời khắc để bắt đầu năm học mới, mà thiên về hình thức, nghi thức nhiều hơn; rườm rà hơn, màu mè hơn và thường kéo dài hơn. Nhiều nơi không gọi là lễ khai giảng mà được gọi với cái tên khác như lễ hội khai trường, ngày hội khai trường… Một vài năm học vừa qua, việc tổ chức khai giảng năm học mới có một số “điều lạ” như sau:

Ngày khai giảng không phải là ngày bắt đầu năm học mới (việc dạy-học đã bắt đầu trước đó); thời lượng của buổi khai giảng dài hơn cùng với đó là nội dung buổi lễ nhiều hơn; khách mời dự lễ nhiều hơn; các bài phát biểu trong buổi lễ dài hơn, đa số học sinh khó hiểu và không nhớ; giáo viên vất vả hơn trước còn học sinh mệt mỏi hơn là thích thú…Với vô số những điều lạ nêu trên, thiết nghĩ những nhà quản lý giáo dục cần bình tĩnh xem xét lại việc tổ chức khai giảng sao cho thật hợp lý, và hãy quan tâm đến điều học sinh mong muốn trong một lễ khai giảng năm học mới!

Học sinh sẽ thích thú hơn nếu như ngày khai trường là ngày bắt đầu năm học mới!

Học sinh không thích nghe lại bản báo cáo thành tích của nhà trường trong bài diễn văn khai giảng, vì đã được nghe trong lễ bế giảng năm học trước rồi; các em càng không muốn nghe thầy cô đọc hết nhiệm vụ, kế hoạch năm học mới với những mục tiêu, chỉ tiêu và những con số chỉ dành cho các nhà quản lý giáo dục. Các em chỉ thật sự chú ý lắng nghe những lời dặn dò, khen ngợi, động viên của thầy cô trong lễ khai giảng; không muốn nghe bạn mình lên bục đọc bài phát biểu cảm tưởng nhân lễ khai giảng mà đó không phải là suy nghĩa của chính các em. Vì vậy, giáo viên chỉ cần gợi ý để các em tự chuẩn bị và trình bày cảm tưởng của mình trong buổi lễ. Có thể lời văn chưa hay, ý tứ chưa thật súc tích, gãy gọn, nhưng đó là cảm xúc thật. Chẳng phải một trong những mục tiêu giáo dục của chúng ta là hình thành những con người chât thật đó sao!

Hy vọng các nhà quản lý giáo dục sẽ quan tâm đến cảm xúc và tâm tư của học sinh nhiều hơn, xin hãy trả lại cho các em không gian hồn nhiên của buổi tựu trường, để cho ngày khai giảng năm học mới sẽ mãi là những kỷ niệm không thể nào quên của tuổi học trò.

(*) Trích: Tôi đi học - Thanh Tịnh 

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:2936
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 12488 Số người online:
Phát triển:TNC