banner
Thứ 6, ngày 25 tháng 4 năm 2025
Nghệ thuật dùng người và xây dựng tình đoàn kết của người xưa
26-8-2015

Cổ nhân có câu: “Dụng nhân như dụng mộc”, ngụ ý rằng, việc dùng người không chỉ dừng lại ở việc bố trí đủ số lượng, đủ chỗ, đủ ghế, mà là cả một nghệ thuật. Có thể ví việc dùng người là bộ môn “Nghệ thuật sắp đặt” và còn hơn thế nữa. Việc sử dụng người vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, giống như một người thợ mộc giỏi phải biết lựa chọn từng loại gỗ phù hợp để gia công, chế tác ra sản phẩm của mình, vừa đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm nguyên vật liệu và cuối cùng sản phẩm ấy phải có tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng cao. Không ai mang gỗ tạp ra làm kèo, làm cột và ngược lại không thể dùng gỗ quý hiếm ra làm chuồng trại, cọc rào. Nếu một người thợ mộc không phân biệt được các loại gỗ để sử dụng phù hợp thì anh ta khó có thể sống được với nghề. Và, các nhà quản lý được hiểu như những người làm nghệ thuật chuyên sâu về lĩnh vực “con người”, là những người luôn am hiểu “thuật dùng người”…

Hướng đến kỷ niệm tròn 70 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2015), xin được mạn đàm về nghệ thuật dùng người của bà Nguyên phi Ỷ Lan, thời nhà Lý và xây dựng sự đoàn kết nội bộ của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thời nhà Trần để mọi người cùng tham khảo.

1. Nghệ thuật dùng người của bà Nguyên phi Ỷ Lan.

Thời Lý, có bà Nguyên phi Ỷ Lan (tên thật là Lê Thị Yến), từ một thôn nữ xứ Kinh Bắc, bà được vua Lý Thánh Tông đưa vào cung năm 1063, rồi trở thành Nguyên phi, Hoàng hậu và Thái hậu Nhiếp chính triều Lý. Nguyên phi Ỷ Lan không những là một người phụ nữ tài giỏi giúp hai vua trị nước (cả chồng là vua Lý Thánh Tông và con là vua Lý Nhân Tông), an dân. Bên trong, xây dựng quốc gia đoàn kết, thịnh vượng, lấy chính sách “an dân” làm trọng; bên ngoài đánh đuổi quân Tống xâm lược ở phía Bắc và dẹp yên sự quấy nhiễu của vương quốc Chiêm Thành ở phía Nam. Các nhà sử học đều nhận định, non sông Đại Việt giai đoạn này bước vào thời “quốc thịnh, dân an” có vai trò rất lớn của bà Ỷ Lan.

Nguyên phi Ỷ Lan là một người phụ nữ có biệt tài nhìn người và dùng người. Theo sử cũ ghi lại, sau khi vua Lý Thánh Tông đột ngột băng hà, thái tử Càn Đức, con ruột bà Ỷ Lan khi đó mới chưa đầy 07 tuổi đã lên ngôi vua (Lý Nhân Tông), bà Ỷ Lan bị Thượng Dương Hoàng thái hậu và Thái sư Lý Đạo Thành cô lập, không cho can dự vào việc triều chính. Tuy nhiên, với tài năng và sự nỗ lực của mình cùng với sự giúp đỡ của Thái uý Lý Thường Kiệt, bà đã chính thức trở thành Thái hậu Nhiếp chính, Dương thái hậu bị phế, đầy vào lãnh cung, còn Lý Đạo Thành bị giáng chức và điều vào phụ trách châu Nghệ An.

Tuy nhiên, năm 1077, nhà Tống mang quân xâm lược Đại Việt, khi xã tắc lâm nguy, xoá bỏ hiềm khích, Ỷ Lan Thái hậu cho vời Lý Đạo Thành về triều, phục chức Thái sư, để cùng chăm lo triều chính, giúp Lý Thường Kiệt toàn tâm đánh ngoại bang xâm lược. Việc Ỷ Lan Thái hậu triệu hồi Lý Đạo Thành về kinh cho thấy tấm lòng bao dung, rộng lượng của bà, mặt khác, hành động ấy đã mở ra một cánh cửa mới, tạo điều kiện cho Lý Đạo Thành tiếp tục cống hiến cho Đại Việt. Trong chiến thắng quân Tống xâm lược của quân dân Đại Việt, ngoài tài thao lượt của Thái uý Lý Thường Kiệt còn có sự đóng góp không nhỏ của Thái sư Lý Đạo Thành. Có thể nói, bên cạnh Thái hậu lúc này, võ đã có Lý Thường Kiệt phò trợ, văn đã có Lý Đạo Thành giúp sức, đại cuộc sẽ thành!

Từ việc sử dụng người của Nguyên phi Ỷ Lan, có thể thấy rằng: Trong vận hành quyền lực nhà nước và thuật dùng người trong bộ máy quyền lực ấy phải lấy đại cuộc làm trọng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân đặt lên hàng đầu; không vì hiềm khích cá nhân hoặc vây cánh mà bố trí, sử dụng người một cách định kiến, chủ quan.

2. Nghệ thuật xây dựng sự đoàn kết nội bộ của Trần Hưng Đạo

Thời nhà Trần, hào khí Đông-A vang vọng đến hôm nay và mãi mãi về sau với chiến công 3 lần đại thắng Nguyên-Mông, gắn liền với sự nghiệp lẫy lừng của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thường được gọi là Trần Hưng Đạo, sinh năm 1228, mất năm 1300, một vị anh hùng dân tộc được nhân dân phong Thánh (Đức Thánh Trần). Trần Hưng Đạo không chỉ là người văn võ song toàn mà còn là một người trung nghĩa, đức độ. Đối với vua, ông tuyệt đối giữ chữ Trung; đối với dòng họ Trần, ông giữ mối đoàn kết gắn bó; đối với tướng sỹ, ông nặng tình cha con; đối với trăm họ, ông lấy khoan dân làm gốc; đối vận mệnh quốc gia, ông sẵn sàng hy sinh với tinh thần “…Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cùng vui lòng…” (Hịch tướng sỹ - Trần Quốc Tuấn).

Một trong những điều mà người đương thời và hậu thế tôn sùng Đức Thánh Trần đó là người biết đại cuộc và luôn lấy đại cuộc làm trọng, quyết hy sinh lợi ích bản thân, gia đình cho giang sơn Đại Việt, cho an nguy của trăm họ. Đặc biệt, ở Trần Hưng Đạo luôn toát lên vẻ bao dung, rộng lượng của một vị tướng đại tài, đứng lên trên những hiềm khích cá nhân để xây dựng mối đoàn kết nội tộc, đoàn kết tướng sỹ, để một lòng phò vua giúp nước, dẹp giặc, an dân.

Ai cũng biết, trong giai đoạn đầu của vương triều nhà Trần, nội bộ hoàng tộc tồn tại một mối hiềm khích khó có thể hoá giải giữa gia đình Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn) với gia đình Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu, tức vua Trần Thái Tông, cha ruột Trần Quang Khải), do đã xảy ra sự việc cưỡng hôn: Trần Thủ Độ đã ép Trần Liễu nhường vợ là công chúa Lý Thuận Thiên (chị của bà Lý Chiêu Hoàng là vị vua cuối cùng của triều Lý, là vợ của Trần Cảnh) cho Trần Cảnh. Mối bất hoà này như đóm than âm ỉ cháy trong nội bộ nhà Trần. Do đó, trong một thời gian dài, hai chi họ Trần luôn luôn đề phòng lần nhau, trong đó người mà phía Trần Thái Tông, Trần Quang Khải lo lắng, bất an nhất không phải ai khác mà chính là Trần Quốc Tuấn.

Sử cũ ghi lại: Giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải có hiềm khích từ đời trước, nên hai người không ưa gì nhau. Khi đó, trong triều Quốc Tuấn và Quang Khải là bậc kỳ, nắm giữ chức vụ và quyền hành rất lớn, nên mối quan hệ của họ có ảnh hưởng đến sự an nguy của vương triều và thiên hạ Đại Việt. Bấy giờ, quân Nguyên chuẩn bị kéo sang xâm chiếm Đại Việt, trước tình hình quân giặc  mạnh, thế nước lâm nguy, Trần Quốc Tuấn đã tự bỏ qua hiềm khích cá nhân, chủ động giao hoà với Trần Quang Khải để thống nhất ý chí chống giặc. Sử xưa kể rằng: Một hôm, tại bến Đông, Quốc Tuấn chủ động mời Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai tâm phúc nấu nước thơm, tự mình tắm rửa cho Quang Khải... Chính hành động này của Quốc Tuấn đã dẹp tan mối nghi kỵ, bất hoà trong nội bộ vương triều Trần, củng cố sức mạnh trong nước để dồn sức đánh giặc ngoại xâm.

 

Tượng đài Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Nguồn: Internet)

Một lần khác, Trần Quốc Tuấn đem sự xích mích trong dòng họ Trần ra thăm dò suy nghĩ của các con. Một trong những người con của ông là Trần Quốc Tảng có ý khích ông cướp ngôi vua Trần. Tức thì, Quốc Tuấn đùng đùng nổi giận, rút gươm toan chém chết Quốc Tảng vì vẫn còn nuôi lòng thù hận... Được mọi người van xin, nên ông bớt giận, dừng gươm và tuyên bố rằng: “Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt đứa nghịch tử, bất trung này nữa!”

Nhiều sử gia, học giả khi luận giải nguyên nhân 3 lần đánh thắng quân Nguyên-Mông của quân dân nhà Trần, đều có chung nhận định: Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa lại thắng lợi ấy chính là có sự đoàn kết, đồng lòng của vua tôi nhà Trần; sự tài trí, mưu lược, quả cảm của tướng sỹ, mà đứng đầu là Trần Quốc Tuấn, đó là lòng trung thành tuyệt đối của Quốc Tuấn với vương triều nhà Trần và ý thức xây dựng sự đoàn kết nội bộ để tạo nên sức mạnh chống giặc.

Từ cách xây dựng và củng cố sự đoàn kết nội bộ của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, có thể thấy: Thời nào cũng vậy, hàm từ việc nhỏ cho đến việc lớn nếu không có sự đồng sức, đồng lòng thì không thể mang lại thành công. Đoàn kết nội bộ không phải là ở lời nói và không bao giờ có thể đoàn kết chỉ bằng những lời nói suông. Đoàn kết chỉ thật sự có khi mọi thành viên trong một tổ chức, nhất là vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu bằng hành động tích cực, công tâm, khách quan của mình để xây dựng nên sức mạnh đoàn kết.

3. Thay lời kết:

Có thể khẳng định, dù tồn tại ở bất cứ hình thức nào, từ nhà nước sơ khai đến nhà nước hiện đại, vấn đề sử dụng con người và sự đoàn kết trong bộ máy quyền lực nhà nước là một trong những vấn đề trung tâm và quyết định đế sự thịnh - suy, tồn - vong của mỗi quốc gia, dân tộc.

Ở nước ta hiện nay, trong khi các nguồn lực để phát triển đất nước ngày càng khan hiếm, thì nguồn lực con người Việt Nam với trí tuệ và tài năng sẽ trở nên vô cùng quý giá nếu chung ta biết khai thác và khai thác một cách hiệu quả. Vấn đề sử dụng và phát huy nguồn lực con người phải luôn đi đôi với việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đây có thể được xem là nội dung căn bản trong công tác xây dựng bộ máy nhà nước hiện đại và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập và phát triển. 

* Bài viết có sử dụng tư liệu của một số tác giả, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:4439
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 16346 Số người online:
Phát triển:TNC