banner
Thứ 6, ngày 25 tháng 4 năm 2025
Lỗi không chỉ riêng anh
17-8-2015

Vâng, chắc chắn là phải có một vài nguyên nhân sẽ được trình bày sau đây mong quý vị cùng chia sẻ.

Trước hết, đó là tư tưởng “sính” các môn khoa học tự nhiên và xem “rẻ” các môn khoa học xã hội của phần nhiều bậc cha mẹ học sinh hiện nay.Nó cũng tai hại như tâm lý “sính hàng ngoại” của người Việt ta vậy…

Viết đến đây, chúng tôi chợt nhớ đến hai câu thơ rất độc đáo nhưng cũng đầy ẩn ý của nhà thơ Nguyễn Văn Phương khi viết về tâm lý sính hàng ngoại của dân Việt ở một đô thị miền Trung: Thị xã em xài toàn đồ ngoại/ Đến gió kia cũng phải gió Lào. Đấy, để đáp ứng cái thị hiếu sính ngoại ấy mà một số hàng hóa của người Việt 100% khi chọn thương hiệu cũng phải viết sao cho ra vẻ chữ tây mới bán chạy hàng. Và, cuộc vận động quy mô mang tên “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động rộng khắp nhằm thay đổi dần nhận thức “sính ngoại” của nhiều người trong số chúng ta.

Trở lại chuyện sính các môn khoa học tự nhiên và coi rẻ các môn khoa học xã hội (trong đó có môn Lịch sử) của phần lớn cha mẹ học sinh hiện nay cũng chẳng khác nào. Họ muốn các “quý tử” của mình phải học giỏi các môn tự nhiên, để sau này thi vào các trường đại học có những ngành nghề dễ kiếm việc và dễ kiếm tiền hơn. Còn với các môn khoa học xã hội họ không màng tới, chỉ cần các con đủ điểm để lên lớp và đủ điểm để tốt nghiệp là được rồi. Thế cho nên mới có chuyện trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây rất nhiều học sinh đạt điểm cao các môn tự nhiên trong khi điểm các môn xã hội rất thấp, thậm chí có nhiều điểm 0 môn Lịch sử. Buồn hơn, trong các kỳ thi ấy, số thí sinh chọn thi môn Lịch sử có xu hướng ngày càng ít đi. Chuyện này chắc cũng không cần phải nói thêm!

Vấn đề thứ hai là việc tuyên truyền giáo dục về truyền thống và lịch sử của các cấp chính quyền, của các ban, ngành, đoàn thể cũng cần phải quan tâm nhiều hơn.

Điều này là rất rõ ràng khi mà mối quan tâm lớn nhất của xã hội hiện nay là chuyện kim tiền. Trong khi đó, những ngành gánh trên vai mình cái trọng trách lớn này đã không hoàn thành nhiệm vụ. Đơn cử như phim ảnh chẳng hạn. Ai cũng thấy rằng, thể loại phim cổ trang, phim về truyền thống và lịch sử của Việt Nam chưa có nhiều, ít có các tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật cao để thu hút người xem! Để đến nỗi, trên làn sóng VTV toàn là phim cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc khiến người trẻ Việt thuộc sử Tàu, Sử Hàn chứ đâu có “biết sử ta” như lời dạy của Bác Hồ. Rồi các hoạt động về giáo dục truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc của các ngành nhìn chung còn rất rất ít, chưa thực sự sinh động, lôi cuốn, chưa thu hút được giới trẻ trong đó có học sinh, sinh viên.

Vấn đề thứ ba, theo nhìn nhận chung, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất là việc giảng dạy và giáo dục môn lịch sử trong nhà trường. Đến đây, có thể nói rằng, nhiều người đã đồng tình với quan điểm cho rằng lỗi lớn nhất thuộc về ngành giáo dục. Và, các nhà giáo trong số chúng tôi phải “nhận lãnh” một phần trách nhiệm không nhỏ đó!

Cái lỗi đầu tiên thuộc về quan điểm dạy học môn Lịch sử quá nặng về tính thông tin, tính sự kiện gắn với mốc thời gian; nặng về học thuộc lòng hơn là giáo dục tư duy theo hướng tạo cảm hứng cho các em học môn lịch sử, đó là những giá trị văn hóa đích thực cần phải nâng niu, trân trọng. Điều này đang rất rõ ràng và vì thế rất không phù hợp, ít nhất là ở bậc Tiểu học.

Cái lỗi thứ hai thuộc của đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử, ở một chừng mực nhất định còn thiếu về trình độ và tâm huyết. Trong khi đó, yêu cầu chung của đội ngũ này vừa phải tinh thông về Sử lại vừa phải có phương pháp, có nghệ thuật dạy môn lịch sử. Phương pháp dạy lịch sử hiện nay chủ yếu theo lối liệt kê, thống kê, đọc chép và buộc học sinh ghi nhớ, học thuộc lòng từng mốc thời gian và từng chi tiết của sự kiện, của nhân vật. Phương pháp này thực sự rất đơn điệu và nhàm chán, khó lôi cuốn học sinh.

Thiết nghĩ, mỗi giờ học Sử của học sinh, nhất là ở bậc tiểu học, phải là một cuộc trải nghiệm, là đắm mình vào cái không khí hào hùng trong mỗi chiến công của cha ông; là niềm tự hào về những người anh hùng của dân tộc trong cảm xúc trào dâng mà không nhất thiết các em phải nhớ đến từng ngày, từng giờ, quá nhiều chi tiết đến khô khan và cũng rất nặng nề. Lẽ tất nhiên, lịch sử là một quá trình mang tính hệ thống, nên việc truyền đạt vừa yêu cầu tư duy lô gích, vừa phải đảm bảo chiều sâu của vấn đề.

Khi các em có cảm hứng lịch sử thì tất các em sẽ học và sẽ nắm được một cách chính xác những giai đoạn đoạn lịch sử, những biến cố và những nhân vật lịch sử quan trọng của đất nước, của dân tộc theo tiến trình. Và theo đó, chắc chắn sẽ giảm thiểu tình trạng học sinh không biết Hoàng đế Quang Trung, người anh hùng của dân tộc là ai dù đang là học sinh của ngôi trường có vinh dự mang tên của Người!

Với niềm hy vọng rằng, mỗi bậc phụ huynh, Ngành Giáo dục và toàn xã hội sẽ cùng nhìn nhận một phần trách nhiệm về nhận thức của mình với lịch sử dân tộc; điều quan trọng hơn là phải có sự ứng xử thực sự đúng đắn đối với truyền thống và lịch sử dân tộc. Đồng thời, có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc giáo dục truyền thống và lịch sử rất đỗi vinh quang, rất đỗi tự hào ấy của cha ông cho các thế hệ hôm nay và cho mãi mai sau.  

Vũ Việt Thắng
Số lượt xem:816
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 16872 Số người online:
Phát triển:TNC