banner
Thứ 4, ngày 21 tháng 5 năm 2025
Luật đất đai sửa đổi - những vấn đề nhân dân quan tâm
28-3-2013

Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các bộ ngành, địa phương đã bộc hộ nhiều hạn chế gây trở ngại cho cơ quan Nhà nước trong quản lý đất đai và quyền lợi của nhiều chủ thể sử dụng đất bị xâm hại, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Bên cạnh đó, đất đai là một loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, tuy nhiên việc quản lý của Nhà nước cũng có nhiều bất cập do đất đai có mối liên hệ đến mọi tổ chức và cá nhân, tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nên có rất nhiều cơ quan, địa phương được quyền ban hành văn bản quản lý đất đai nên có sự chồng chéo nhau, không giống nhau hoặc trái ngược nhau; tuy rất nhiều văn bản điều chỉnh nhưng trong quản lý đất đai bằng pháp luật lại có nhiều kẻ hở dẫn đến nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và tiêu cực, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện về đất kéo dài và vượt cấp, nhất là những năm gần đây diễn biến càng phức tạp hơn. Xuất phát từ thực tế đó, sửa đổi Luật Đất đai để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

Trong thời gian này, các tầng lớp nhân dân đang tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhìn chung, các ý kiến tham gia đều có chung đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) giữ lại phần lớn những quy định của Luật Đất đai năm 2003 và sửa đổi, bổ sung những điểm mới, tích cực, sát với thực tế. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế, có một số quy định còn chung chung, một số quy định trong dự thảo nếu được thông qua, khó có thể áp dụng thống nhất và đồng bộ trong thực tiễn. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng xem xét, tiếp thu ý kiến của nhân dân để điều chỉnh thích hợp trước khi trình Quốc hội xem xét.

Tại hội nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Ngọc Hồi mở rộng, có nhiều ý kiến tham gia và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau:

Đối với Điều 40, các ý kiến đề nghị, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần có cơ chế cụ thể cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, an ninh. Bởi vì trong thực tế, đất dành cho quốc phòng, an ninh ở nhiều nơi sử dụng không đúng mục đích, có nơi lấy đất quốc phòng cho thuê vì mục đích dân dụng, dịch vụ hoặc phát triển kinh tế, có nơi lấy đất quốc phòng cấp đất cho cán bộ, sỹ quan làm nhà ở… trong khi quỹ đất ở và sản xuất của người dân ngày càng bị thu hẹp.  Do đó, đề nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể mỗi khu vực phòng thủ, mỗi địa phương (tùy vào vị trí chiến lược) được quy hoạch, sử dụng tối đa bao nhiêu phần trăm (%) đất dành cho mục đích quốc phòng an ninh trên tổng diện tích đất tự nhiên của khu vực hoặc địa phương. Nếu không quy định cụ thể như vậy, thì sẽ tạo kẻ hở, dễ bị lạm dụng mục đích quốc phòng, an ninh để thu hồi đất của tổ chức, cá nhân.

Điều 46, nhiều người cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thời gian công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (nhất là kế hoạch sử dụng đất) là 30 ngày sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt là quá dài, đây là điểm dễ phát sinh tiêu cực, vì những người biết trước được thông tin sẽ thu mua, đầu cơ đất để hưởng lợi bất chính. Do đó đề nghị rút ngắn thời gian công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm nhất 15 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khoản 3, Điều 47, có một số ý kiến đề nghị trong khoản 3 của Điều 47, Luật Đất đai không cho phép điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, nếu trong thời gian 03 năm mà chủ đầu tư không tiến hành thu hồi đất và đền bù cho người dân hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để tránh trường hợp các “dự án treo” kéo dài, vì cứ đến gần hết thời hạn quy định, chủ dự án lại đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, Luật đất đai phải tăng cường chế tài, nếu trong vòng 03 năm, các dự án chưa được thực hiện việc thu hồi đất, đền bù cho dân hoặc chuyển mục đích sử dụng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã giao cho chủ đầu tư và hoàn trả lại quyền sử dụng đất cho người dân.

Xung quanh quy định về thu hồi đất tại các Điều 59, Điều 60 và Điều 61, các ý kiến tham gia như sau:

Tại khoản 2, Điều 58, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi  2013 quy định "Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ". Do vậy, Luật đất đai sửa đổi cần phải xây dựng trên tinh thần phải thừa nhận quyền sử dụng đất đai với tư cách là quyền về tài sản. Từ đó, nhiều ý kiến đề xuất: Luật Đất đai (sửa đổi) phải xác định rõ hai nguyên tắc: (1) Nhà nước thu hồi đất có bồi thường để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng; sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, cộng đồng; (2) Nhà nước trưng mua hoặc chủ đầu tư thảo thuận mua quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Điều 59, nhiều người cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định một cách cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích đất quốc phòng và các trường hợp thu hồi đất để giao cho đơn vị lực lượng vũ trang sử dụng không phải phục vụ cho quốc phòng, an ninh như công trình văn hóa, thể thao. Nếu giữ nguyên quy định như vậy thì rất dễ bị lợi dụng vì khi xây dựng các công trình văn hóa, thể thao chỉ cần cơ quan có thẩm quyền gắn thêm nội dung “phục vụ cho quốc phòng, an ninh” thì có quyền thu hồi đất của nhân dân. Đồng thời, với phương châm “rèn luyện thể dục, thể thao để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như hiện nay, thì bất cứ công trình văn hóa, thể thao nào được xây dựng cũng có mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp đến quốc phòng, an ninh. Vì vậy, cần xem xét đưa quy định các công trình văn hóa, thể thao ra khỏi quy định tại khoản 5, Điều 59 của Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều 61, Đa số ý kiến đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định rõ: Nhà nước trưng mua; chủ đầu tư thỏa thuận mua quyền sử dụng đất của người dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Vì khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì phải tính đến hiệu quả về kinh tế, xã hội, mà đã là hiệu quả kinh tế xã hội được tính bằng lợi nhuận mà dự án mang lại. Xét về mặt này, nếu quyết định thu hồi quyền sử dụng đất của người dân giao cho chủ đầu tư thì người dân luôn luôn bị thiệt hại về quyền lợi, hơn nữa trong thực tế thi hành Luật Đất đai năm 2003 đã xảy ra nhiều vụ việc cưỡng chế đất của người dân với lập luận để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhưng thực chất là cưỡng chế thu hồi rồi sau đó giao lại cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư thu lợi cho cá nhân. Để khắc phục được tình trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần đưa toàn bộ nội dung tại khoản 2, Điều 61 sang quy định tại Điều 60, từ đó quy định lại Điều 61 thành quy định “Các trường hợp trưng mua, thỏa thuận mua quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội”.

Điều 71, Đa số ý kiến đề nghị, Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định cụ thể phần cưỡng chế thu hồi đất, vì thực tế áp dụng Luật Đất đai 2003 và các văn bản dưới luật trong lĩnh vực quản lý đất đai đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cưỡng chế thu hồi đất, tạo dư luận bất bình trong nhân dân. Do đó, đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng. Đối với trường hợp để phục vụ dự án phát triển kinh tế, xã hội Luật quy định trưng mua (nếu Nhà nước thực hiện) hoặc thỏa thuận mua quyền sử dụng đất của người dân (nếu chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện).

Khoản 2 điều 72, Đa số ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào khoản 2, Điều 72 để đảm bảo công bằng cho người sử dụng đất: “Việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; đảm bảo người dân sau khi được bồi thường, tái định cư có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.”

Điểm a, khoản 2, điều 197, một số ý kiến đề nghị, đối với những vụ việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nên quy định Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết. Nếu các bên không thống nhất thì có quyền khiếu nại để Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết (lần thứ nhất), nếu không đồng ý, đương sự có quyền khiếu nại lên Chủ tịch UBND huyện. Nếu đương sự tiếp tục không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện thì có quyền khởi kiện ra tòa. Quy định như vậy để hạn chế các vụ việc tranh chấp đất đai nhỏ lẻ đều dồn hết về cấp tỉnh làm cho vụ việc kéo dài và phức tạp. (Cần có sự tiếp cận, đối chiếu với Điều 17 và Điều 18 của Luật Khiếu nại năm 2011 để có sự thống nhất với nhau).

Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, nó quan trọng không chỉ vì đất đai là một loại tài sản đặc biệt mà đất đai nó có quan hệ đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mọi tổ chức, cá nhân. Do đó để văn bản Luật Đất đai hoàn chỉnh và có tính khả thi cao thì đòi hỏi các tổ chức và các tầng lớp nhân dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu và trình Quốc hội xem xét./.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:890
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 1198 Số người online:
Phát triển:TNC