banner
Chủ nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025
Ghi nhận một số ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum
4-3-2013
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum các tầng lớp nhân dân đang tích cực tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Có thể khẳng định đây là sự kiến chính trị - dân chủ quan trong nhất trong năm 2013.
AnhMinhHoa
Đại biểu tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Nhìn chung các tầng lớp nhân dân rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ việc Đảng, Nhà nước ta chủ trương mở rộng dân chủ trong hoạt động lập hiến, mở ra một thời kỳ dân chủ hóa trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tại các buổi hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và mong muốn Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu một cách cầu thị để trình Quốc hội xem xét trong thời gian đến. Sau đây, xin trích dẫn một số ý kiến tham gia của nhân dân:

Tại các buổi lấy ý kiến nhân dân tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết nhân dân đều có chung nhận định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, sát với tình hình thực tế; phản ánh đẩy đủ những vấn đề cơ bản nhất về thể chính chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; về tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương; việc đảm bảo thực thi Hiến pháp và hiệu lực của Hiến pháp…; thể hiện được bản chất của chế độ và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống xã hội hiện tại và trong bối cảnh hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn có một số nội dung quy định chưa rõ ràng, không có chế định cụ thể và rất khó có khả năng áp dụng thực tế trong cuộc sống. Do đó Ủy ban Dự thảo cần phải tiếp thu, xem xét những ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội.

Tại Hội nghị bất thường của ủy ban MTTQ huyện ngày 22/2/2013, có nhiều ý kiến cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” là sự đổi mới trong tổ chức thực hiện quyền lực của Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong dự thảo không hiến định chi tiết việc “kiểm soát quyền lực” giữa các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhiều người đặt câu hỏi, nhìn một cách thuận chiều, trong các cơ quan nhà nước Quốc hội là cơ quan có thể kiểm soát được các cơ quan khác, nhưng trong thực tế không phải mọi việc làm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đều có thể kiểm soát được. Xét ở chiều ngược lại, cơ quan nào, ai là người kiểm soát hoạt động của Quốc hội, thì trong Dự thảo không thấy đề cập đến.

Nhiều đại biểu cho rằng, nếu lý giải Hội đồng Hiến pháp là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực thì không đúng bởi, Dự thảo không hề quy định nội dung này, Hội đồng Hiến pháp có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Trong khi đó hoạt động của các cơ quan Nhà nước đâu chỉ đơn thuần là ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị, Dự thảo phải quy định rõ ràng cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận huyện đều bày tỏ sự quan tâm đến Điều 9 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều đại biểu rất tán thành việc khẳng định Mặt trận có vị trí rất quan trọng, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc tại Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, trong khoản 3 của Điều 9 chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của MTTQ, dễ tạo ra cơ chế xin - cho; thậm chí có sự mâu thuẫn giữa khoản 2 và khoản 3 của Điều 9. Nếu tại khoản 2 của Điều 9 quy định chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận một cách đầy đủ, chi tiết và rất nhân văn, trong đó có nội dung rất quan trọng là của Mặt trận là “tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”; nhưng đến khoản 3 của Điều 9 lại quy định “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.” Nếu Hiến pháp quy định như vậy thì chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận rất khó thực hiện trong thực tế vì nếu Mặt trận, đoàn thể phát hiện vấn đề cần phản biện đối với nhà nước, với chính quyền nhưng Nhà nước không tạo điều kiện hoặc tạo điều kiện nửa vời, thậm chí chính quyền muốn tạo điều kiện cho Mặt trận thực hiện chức năng phản biện nhưng là tạo điều kiện như thế nào, tạo điều kiện đến mức nào thì rất khó xác định. Bên cạnh đó, nội hàm của Điều 9 quy định về vị trí, vai trò, chức năng của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong khi đó tại cuối khoản 3, điều 9 lại quy định thêm cụm từ “và các tổ chức xã hội khác”; quy định như vậy là không hợp tính logich về nội dung trong Điều 9, do đó đề nghị bỏ cụm từ nói trên trong điều này. Các đại biểu đề nghị Dự thảo sửa khoản 3, điều 9 lại như sau: “3. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo điều kiện và phối hợp chặt chẽ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động hiệu quả”.

Điều 58 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng được rất đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, tại khoản 2, Điều 58, Dự thảo quy định: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.”, tuy nhiên, trong khoản 3 lại quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là một kẻ hở dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý đất đai. Dự thảo quy định “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” là một điểm mới, rất quan trọng nó khắc phục được những nhược điểm trong quản lý nhà nước về đất đại trươc đây. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa quy định rõ việc “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức và cá nhân sử dụng có bồi thường…”. Chưa nói về việc quy định giá trị đất để bồi thường cho dân khi bị Nhà nước thu hồi đất, mà chỉ xét về mối quan hệ giữa khoản 2 và khoản 3 của Điều này, rõ ràng có tồn tại một khoảng trống có lợi cho phía cơ quan Nhà nước khi tiến hành quy trình thu hồi đất của tổ chức và cá nhân (nhất là đối với cá nhân). Vì trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, cá nhân luôn luôn nằm ở vị thế bất lợi (bất lợi về địa vị, về quyền lực, năng lực…); bên cạnh đó quyền sử dụng đất được thừa nhân là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, mà đã là tài sản được bảo hộ thì trong Dự thảo chỉ đưa ra một hình thức thu hồi quyền sử dụng đất trong các trường hợp là không thỏa đáng. Phần đồng nhân dân đồng tình và sẵn sàng ủng hộ việc nhà nước thu hồi đất có bồi thường vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; nhưng nếu vì mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội mà nhà nước quyết định thu hồi đất đã giao cho người dân là không hợp lý, dễ gây tiêu cực và bất lợi cho người dân, dễ dẫn đến bất công trong quản lý đất đai nên nhiều ý kiến không đồng tình với điểm này. Nhân dân đề nghị Dự thảo cần phải xem xét đến cùng của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong việc thu hồi đất. Từ đó tại một số hội nghị lấy ý kiến, các đại biểu cho rằng, trong dự thảo cần điều chỉnh lại khoản 3 của Điều 58 như sau: “3. “Nhà nước thu hồi đất đã do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trưng mua quyền sử dụng đất do tổ chức, cá nhân sử dụng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.”

Về Điều 71 và Điều 72, nhiều ý kiến cho rằng: Đề nghị thay đổi cụm từ “từng bước hiện đại” trong Điều 71 và 72 bằng cụm từ “hiện đại hóa”. Vì cụm từ “từng bước hiện đại” phản ánh rất chung chung, không rõ ý, không trả lời được câu hỏi lúc nào, khi nào Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam được trang bị hiện đại để đảm đương nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do đó phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang của chúng ta, hiện đại hóa quân đội, công an không phải để phô trương sức mạnh quân sự, mà là hiện đại hóa để tự vệ, phòng vệ chính đáng và an dân trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải…

Từ nay đến kết thúc việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn khoản một tháng nữa, sẽ còn nhiều ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân gửi đến các cơ quan chức năng. Điều quan trọng hiện nay là các cấp, các ngành, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải biết cách tổ chức để nhân dân tích cực tham gia ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Có như vậy việc lấy ý kiến nhân dân mới hoàn thành được mục đích đề ra./.

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:581
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 12963 Số người online:
Phát triển:TNC