banner
Chủ nhật, ngày 11 tháng 5 năm 2025
Hội đồng nhân dân huyện tham gia góp ý sửa Hiến pháp
7-3-2013
Hiện nay, cả nước ta đang triển khai kế hoạch lấy ý kiến toàn dân tham gia sửa đổi Hiến pháp 1992. Sửa Hiến pháp được trưng cầu dân ý, đây là cơ hội để người dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; cũng là thời điểm người đại biểu nhân dân cần phải đem trí tuệ và tâm huyết của mình góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Để lấy ý kiến đại biểu tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng nhân dân huyện tổ chức kỳ họp bất thường mở rộng, lấy ý kiến rộng rãi không chỉ đối với đại biểu HĐND. Tài liệu kỳ họp là dự thảo sửa đổi Hiến pháp được gửi cho đại biểu nghiên cứu trước 7 ngày. Bước vào kỳ họp, chủ tọa kỳ họp đã nêu sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp, gợi ý nội dung cần tham gia góp ý; 30 đại biểu HĐND huyện, đại diện thường trực HĐND các xã, thị trấn cùng với lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và các ngành trên địa bàn huyện được chia thành 2 tổ thảo luận. Kết quả, đã có 27 lượt ý kiến với gần 40 nội dung. Tại phiên thảo luận, đại biểu tham gia các ý kiến vào nhiều lĩnh vực từ phần lời nói đầu, đến những nội dung về chế độ chính trị, quyền công dân, việc bảo vệ Tổ quốc… Nhiều đại biểu rất quan tâm những nét mới trong điều 4 Hiến pháp sửa đổi, “Đảng… chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” đó là điều nhân dân mong muốn và đó cũng là cơ sở để sức mạnh của Đảng và niềm tin của nhân dân với Đảng được tăng thêm.

Đặc biệt một số ý kiến quan tâm Chương IX “Chính quyền địa phương”, vấn đề đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Đồng chí Phó bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện - Nguyễn Thanh Hà đã nhấn mạnh: “Điều 115 viết theo hướng mở sẽ là cơ sở để kết thúc thí điểm, triển khai thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Theo luật định, HĐND rất quan trọng có nên bỏ hay không”? Đại biểu khác viện dẫn, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Điều 2 có ghi: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; Điều 3 khẳng định: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; Điều 6 chỉ rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện thông qua Quốc Hội và HĐND”; Điều 116 quy định: “HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân…”

Như vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn tiếp tục khẳng định và hết sức quan tâm việc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Điều đó đã thể hiện tính ưu việt của bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và càng khẳng định sự đúng đắn của các Văn kiện, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, cụ thể là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã có giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong đó “nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND-UBND các cấp” là một nội dung.

Và để thực hiện quyền làm chủ của mình, nhân dân có thể cử đại biểu đại diện cho mình, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại địa bàn đại biểu ứng cử. Cho nên, cần tiếp tục tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các cấp hành chính. Đó là:

Tại điều 115, chương IX cần ghi rõ chính quyền địa phương gồm những cơ quan nào để đảm bảo tính thống nhất trong một bản Hiến pháp. Đại biểu đề nghị:

Một là: bổ sung khoản 1 quy định chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.

Vì, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là 2 bộ phận cấu thành tổ chức chính quyền địa phương.

Hai là: Trong mục 2, điều 115 đề nghị biên tập đến “do luật định.” bỏ đoạn “phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”. Vì viết như trong mục 2 làm cho người đọc hiểu có thể có hoặc không có HĐND hoặc UBND ở một cấp hành chính nào đó.

Hay nói cụ thể hơn, mục 2 điều 115 (dự thảo) là cơ sở để tiến tới việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Tức là bỏ đi thiết chế dân chủ của nhân dân tại quận, huyện, phường. Điều này trái ngược với những nội dung bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân tại các điều 2; 3; 6 đã nêu phần trên.

Trong khi các lý do để không tổ chức HĐND quận, huyện, phường chưa đảm bảo tính thuyết phục. Một loạt các vấn đề làm hạn chế, cản trở đến hiệu quả hoạt động của HĐND vẫn chưa được tháo gỡ như đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm hầu hết. Địa vị pháp lý trong cấp ủy Đảng của cán bộ hoạt động chuyên trách chưa ngang tầm với chức năng nhiệm vụ luật định. Những đại biểu HĐND công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước không thể mạnh dạn làm nhiệm vụ đại biểu. Việc nhìn nhận hoạt động giám sát của HĐND còn nhiều hạn chế. Cơ quan giúp việc là cơ quan chuyên môn của UBND “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chưa có Luật giám sát của HĐND các cấp. Những quy định về điều kiện giám sát dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương còn mang tính hình thức. Bởi, kỳ họp HĐND cấp dưới phụ thuộc kết quả kỳ họp cấp trên lại chỉ cách có 10 ngày…

Những bất cập đó không chỉ xảy ra ở một địa phương, không chỉ ở quận, huyện, phường và thực sự nó đã cản trở hoạt động của HĐND các cấp, làm cho HĐND không phát huy được tính quyền lực mà luật đã định. Tại sao chỉ thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường mà không thí điểm việc tăng cường cho hoạt động của HĐND đảm bảo tính thực quyền cho cơ quan quyền lực. Mặt khác, chúng ta đang đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì không nên bỏ HĐND quận, huyện, phường. Ngược lại cần phải tăng cường thêm sức mạnh cho HĐND hoạt động hiệu quả.

Hội nghị của Chính phủ tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường (tháng 6/2012) chưa thể hiện tính thực tế khách quan. Bởi, Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương. Một số nội dung nhận định không sát với tình hình thực tế: “Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp tại địa phương những nơi không tổ chức HĐND vận hành thông suốt…”. Theo chức năng, nhiệm vụ luật định, HĐND không cản trở hoạt động của UBND. Ngược lại, thông qua hoạt động của HĐND, đảm bảo tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, làm cho chính quyền mạnh hơn lên nếu được quan tâm đúng mức.

Sửa Hiến pháp lần này là một hoạt động chính trị hết sức quan trọng. Trong đó, Điều 4 và Điều 115 Hiến pháp quyết định rất lớn đến vận mệnh và chế độ chính trị của đất nước. Do đó, đòi hỏi chúng ta cần có sự sáng suốt tư duy để có những quyết định đúng đắn nhất vì sự phát triển trường tồn của dân tộc.

LH
Số lượt xem:562
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 12361 Số người online:
Phát triển:TNC