banner
Thứ 4, ngày 1 tháng 1 năm 2025
Người B’râu ơn Đàng và Nhà nước
13-6-2014

Người B’râu chủ yếu sống tâp trung ở thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, có tất cả 138 hộ/479 nhân khẩu. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên mọi người, mọi nhà đều chấp hành tốt các chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết vươn lên xóa đói giảm nghèo. Cuộc sống của đồng bào nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực.

Nhớ lại, những năm trước đây,với lối sống du canh du cư và ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, bệnh tật, người B’râu sinh sống  trong các cánh rừng già dọc hai bên biên giới Việt - Lào với đời sống tự túc tự cấp, cuộc sống cực kỳ khó khăn và cũng do tập quán sinh hoạt khép kín trong cộng đồng nên người B'râu suy giảm dân số rất nhanh. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, người B’râu được vận động, bắt đầu chuyển về sống tập trung tại khu vực làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi ngày nay. Lúc đó, cuộc sống của nhân dân vẫn chủ yếu là sản xuất nương rẫy và vẫn còn tình trạng sống du canh du cư.

Năm 1991, khi huyện Ngọc Hồi được thành lập thì cũng là lúc Đảng và Nhà nước ta bắt đầu có những chính sách đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, trong đó có người B'râu. Sau hơn 20 năm, cùng với sự phát triển của huyện Ngọc Hồi, người B'râu đã có sự vươn lên về mọi mặt. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các Chương trình, chính sách dân tộc được đầu tư hỗ trợ đến tận người dân như: Chương trình 135, chương trình 168, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,… Qua đó, thôn Đăk Mế được Nhà nước quan tâm đầu tư xây cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm có điện, đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi và các công trình khác phục vụ dân sinh. Đặc biệt là Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc B’râu của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân có nhà ở kiên cố, có nhà sinh hoạt cộng đồng, có trường lớp cho các cháu học tập, có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng diện tích đất sản xuất, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Nay người B’râu đã biết trồng lúa nước, cao su, cà phê, bời lời, mỳ; biết sử dụng các loại máy móc nông cụ trong sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động; biết tận dụng mặt nước để nuôi cá; biết nuôi trâu, bò, heo và các loại gia cầm để cải thiện cuộc sống. Con đường đất đỏ quanh năm mưa lầy, nắng bụi trước kia nay đã được bê tông hóa sạch sẽ dẫn đến từng căn nhà, giúp cho bà con dễ dàng đi lại, vận chuyển, trao đổi hàng hóa. Và từ đó bà con có điều kiện tốt hơn để phát triển sản xuất, không còn tình trạng đói giáp hạt, được khám chữa bệnh khi ốm đau; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, đời sống văn hóa từng bước được nâng lên. Nhờ sự đoàn kết, nhất trí của người dân, cũng như sự vận động, tuyên truyền tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên trong những năm gần đây bộ mặt của thôn đã có sự đổi thay rõ nét, bà con đã biết phát huy tính chủ động, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ý thức và hành động của người dân B’râu đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Họ không chỉ năng động, sáng tạo trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế mà còn ý thức được vai trò của mình trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm như gia đình anh Thao La, A Hạnh, Thao Tắc.. . Nhiều hộ gia đình từ chỗ không có đủ gạo ăn hàng ngày, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, của các tổ chức đoàn thể, của cộng đồng, sự nỗ lực vươn lên của chính mình nay đã có đời sống ấm no, không còn chịu cảnh đứt bữa kéo dài, phải ăn khoai mì thay cơm như trước. Điều đáng mừng là bà con trong thôn đã biết phát huy lợi thế về nguồn tài nguyên, nhân lực, không những biết trồng các loại cây cà phê, lúa nước, hoa màu mà còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống ổn định, bà con có điều kiện chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Người dân luôn đồng lòng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhờ đó, từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay giảm xuống còn 20 hộ nghèo (trong đó dân tộc B’râu là 18 hộ nghèo, chiếm 14,75% số hộ trong xã); 100% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, toàn thôn không có trường hợp sinh con thứ 3. Không riêng đời sống vật chất được nâng cao, đời sống tinh thần, đặc biệt là các lễ hội truyền thống của đồng bào B’râu đã được khôi phục như: lễ đâm trâu cúng mùa gieo trồng, mừng lúa mới; mừng năm mới … Các ngành nghề truyền thống của người B’râu cũng đã dần được khôi phục nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, nhà nước. Ví như, nghề dệt vải đã được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với tỉnh Đoàn Kon Tum tổ chức lớp dạy nghề ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, thu hút đông đảo thanh niên, phụ nữ tham gia, qua đó đã có 17 phụ nữ được truyền dạy và thành thạo trong việc dệt may các sản phẩm truyền thống, điển hình như các chị Y Dép, Y Thanh, Y Tiêng... không chỉ dệt may giỏi, các chị còn là những người trực tiếp truyền dạy cho các chị em khác để làm ra các sản phẩm dệt may truyền thống của Dân tộc B'râu.

 

Cảnh sinh hoạt thường ngày dưới sàn nhà cộng đồng

Để tạo thuận lợi cho nhân dân có nơi vui chơi sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ mang tính cộng đồng, nhà nước đã hỗ trợ thôn xây dựng nhà rông văn hóa, qua đó các hoạt động sinh hoạt văn hóa theo phong tục truyền thống được phục hồi, các hủ tục mê tín, lạc hậu như cúng ma cho người ốm, hôn nhân cận huyết giảm mạnh và đã được xóa bỏ. Thông qua các buổi sinh hoạt, những người già, những người có uy tín trong thôn đều nhắc nhở con cháu luôn nhớ về nguồn cội, gốc tích của cha ông. Cùng với đó, bằng việc thực hiện nếp sống văn minh, nhân dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường; đường làng, ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp;  không thả rông gia súc, gia cầm, biết làm chuồng trại cách xa khu vực nhà ở, hạn chế ô nhiễm, dịch bệnh. Nhờ biết phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thôn đã xây dựng được đội nghệ nhân thường xuyên luyện tập và tham gia vào nhiều lễ hội lớn do huyện, tỉnh và trung ương tổ chức. Cũng nhờ sự đoàn kết, mà liên tục từ năm 2008 đến nay, thôn Đắk Mế đều giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa.

 

Già làng làm lễ cúng trước khi xuống giống.

Đủ cái ăn, cái mặc, người B'râu đã chú ý hơn đến việc học chữ của con em mình. Nếu như năm 2005, có 221 người B’râu không biết chữ (chiếm 68,5% dân số toàn thôn), trình độ văn hóa cao nhất là học đến lớp 9 (chỉ có 2 người, còn lại  là chỉ học đến lớp 2-3) thì đến nay, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, số trẻ em ở độ tuổi đến trường đi học đạt 100 %, không còn tình trạng trẻ em bỏ học đi làm rẫy. Người B'râu càng tự hào hơn vì hiện nay đã có con em trong làng học lên bậc cao đẳng, đại học. Có được những kết quả ấy, phải kể đến sự hỗ trợ tích cực từ "Đề án phát triển giáo dục đối với dân tộc B'râu và Rơ Mâm giai đoạn 2011-2015" của tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Bộ đội biên phòng Đồn 677 cũng đã tích cực mở lớp dạy xóa mù chữ cho nhân dân để biết đọc, viết thành thạo.

 Nhờ biết được con chữ, nhiều người có thể đọc báo, nghiên cứu tài liệu để áp dụng vào sản xuất, để trồng cây công nghiệp, trồng lúa nước cho năng suất cao, chăn nuôi con heo, con bò nhanh lớn; cũng nhờ biết chữ mà người dân đã tiếp cận và nắm bắt được thông tin gần, xa và đặc biệt biết phân biệt cái đúng, cái sai  nên không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, người B'râu luôn một lòng tin theo Đảng, tin theo con đường mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn. Nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn luôn được giữ vững ổn định để người dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

 

Lễ hội đâm trâu mở màn bằng phần đánh cồng chiêng trong nhà mới

Về Đắk Mế hôm nay, sự đổi thay dễ nhận ra bên con đường bê tông thẳng tắp là những ngôi nhà vững chãi nép mình trong những vườn cây trái xanh tươi, đường làng sạch đẹp. Sự đổi thay nhanh chóng ấy mới thấy ở nơi vùng sâu vùng xa này, người dân đang phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới, thông qua việc thực hiện các phong trào xóa đói giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Sự đổi thay của Đắk Mế hôm nay, góp phần chung vào sự phát triển của xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi đã minh chứng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự đoàn kết gắn bó, nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, trong đó phải kể đến sự tham gia đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc B'râu trong xã cùng chung tay góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đưa đời sống kinh tế nhân dân ngày càng phát triển đi lên.

Trong tương lai không xa, cùng với sự phát triển của huyện nhà, thôn Đắk Mế với vai trò là "Làng văn hóa du lịch", nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước, qua đó sẽ tạo cơ hội để người B'râu tiếp tục thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp và phồn vinh, người Brâu luôn khắc ghi ơn Đảng và Nhà nước.

 

 

 Trẻ em ngày hôm nay

Trâu tế được buộc bên cây cúng thần có tên là Soóc roóc (cây nêu) biểu tượng tâm linh của người Brâu. Già làng sẽ gánh vai trò làm chủ lễ

BBT
Số lượt xem:5245
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 1502 Số người online:
Phát triển:TNC