banner
Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024
Du lịch huyện Ngọc Hồi
6-12-2013

Với vị trí hết sức đắc địa, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm ở trung tâm bán đảo Đông Dương, trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, tiếp giáp với Campuchia qua cửa khẩu 18 và với Lào qua cửa khẩu Bờ Y. Là đầu cầu ngắn nhất nối Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia.Nằm ở vị trí hội tụ đầy đủ những điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, có cửa khẩu quốc tế, tài nguyên du lịch tương đối đa dạng và phong phú như các hệ sinh thái rừng, sinh thái hồ, núi, ...rất thuận lợi cho phát triển các laoị hình du lịch sinh thái, thương mại, văn hóa và hoạt động vui chơi giải trí. Hy vọng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, sự đầu tư mạnh mẽ của TƯ và địa phương, cách làm sáng tạo và hợp lý của các cơ quan liên quan, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ trở thành một trung tâm kinh tế quốc tế lớn, sầm uất ngay tại “ngã ba Đông Dương”; là nơi du lịch hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.

2. Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Kần:

Chiến thắng Plei Kần nằm ở phía Tây thị trấn Plei Kần nối giữa 2 thôn: Xuân Tân và Ngọc Thư của xã Đắk Xú - huyện Ngọc Hồi, có tổng diện tích khoảng 2ha.Khu chiến trường xưa đây là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử của đường mòn Hồ Chí Minh nơi lập nên bao chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và còn là công trình giao thông mang tầm vóc nghệ thuật quân sự thế giới.Đây là khu di tích có giá trị lịch sử, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan về khu căn cứ Bến Hét, điểm du lịch có giá trị lịch sử nhưng hầu như địa phương chưa có kế hoạch đầu tư dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, vì vậy cần phải có sự quan tâm rất lớn của chính quyền các cấp và các nhà đầu tư để điểm du lịch trở nên hấp dẫn và thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan nhiều.

3. Khu chiến trường xưa – Đường mòn Hồ Chí Minh:

Khu chiến trường xưa – Đường mòn Hồ Chí Minh: nằm ở trung tâm Thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Trên sườn đông dãy Trường Sơn, nổi tiếng với ngã ba Đông Dương, biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, là nơi giao nhau của nhiều con đường huyết mạch, gồm đường 14B căng ngang suốt từ Bắc vào Nam, tiếp tục đi về phía nam qua Đăk Tô – Tân cảnh; hơn thế nữa lại nằm trên quốc lộ 40, con đường xuyên Đông Dương qua cửa khẩu Bờ Y sang Lào, Campuchia và Myanmar.Cuối năm 1964 nhận rõ vai trò vị trí chiến lược quan trọng khu vực ngã ba biên giới Đông Dương. Thực hiện chính sách dồn dân lập ấp để cách ly đồng bào với lực lượng cáchmạng, Mỹ đã dồn dân về làng Đắk Răng (Bờ Y) để lập ấp chiến lược.Cuối năm 1966 Mỹ tiếnhành xây dựng Plei Kần  thành một cụm cứ điểm án ngữ ngã ba biên giới nhằm chặn sự tiến công của bộ đội chủ lực của ta từ Bắc vào và từ Lào, Campuchia. Do vị trí chiến lược quan trọng Plei Kần được Mỹ xây dựng ngày càng vững chắc, lợi dụng những điểm cao đột xuất, có suối và đầm lầy bao quanh ba mặt với chiều dài hơn 3,5 km và chiều rộng khoảng 2,5 km. Địch đã xây dựng ở đây thành 5 cứ điểm có hầm ngầm, lô cốt cộng sự vững chắc. Mỗi cứ điểm mang tính chất phòng ngự độc lập đồng thời có thể chi viện cho nhau trong một kế hoạch hoàn chỉnh. Khu vực trung tâm gồm 3 cứ điểm chính (A, B, C) tạo thành chân kiềng vững chắc. Từ năm 1967 đến 1969 cứ điểm Plei Kần do một tiểu đoàn Mỹ chốt giữ. Đến cuối năm 1968 sau khi thất bại nặng nề với “Việt Nam hóa chiến tranh” chúng đã giao cụm cứ điểm này cho tiểu đoàn 95 biệt động biên phòng ngụy đảm nhiệm. Chỉ để lại một tổ cố vấn Mỹ. Đầu tháng 10 năm 1972, nhằm hoàn chỉnh vùng giải phóng, mở rộng hành lang chuyển xuống phía Đông và khai thông biên giới. Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã giao cho sư đoàn 10 nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm này. Trung đoàn 66, tiểu đoàn 37 đặc công và toàn bộ lực pháo binh sư đoàn được lệnh tiến đánh cứ điểm Plei Kần.Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, địch cho 57 lượt máy bay bắn phá trận địa pháo của ta. Song với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường sau hơn hai ngày đêm chiến đấu 18h30 ngày 12/10/1972 chúng ta đã hoàn toàn làm chủ khu trung tâm chỉ huy (Khu A) của địch. Trung đoàn 66 cùng tiểu đoàn 37 đặc công được sự chi viện đắc lực của pháo binh đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Plei Kần. Ta đã tiêu diệt 404 tên, bắt sống 65 tên bắn rơi 6 máy bay, thu 6 khẩu pháo 105mm, 2 pháo 155mm, 2 súng cối 106mm, 107mm, 4 xe tăng và toàn bộ kho tàng, đạn dược. Chúng ta đã xóa sổ một tiểu đoàn mà địch đã phong tặng “Tiểu đoàn anh hùng” của Mỹ.Cứ điểm Plei Kần bị xóa sổ, mở ra vùng giải phóng rộng lớn, khai thông tuyến hành lang biên giới Đông Dương. Con đường vận  tải chiến lược của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng con đường Hồ Chí Minh trở thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc. Mở đầu cho sự thất bại dây chuyền, đi đến sự sụp đổ thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai và bọn đế quốc trên mặt trận Tây Nguyên nói riêng và góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.Ngày nay, khi khách đến tham quan chiến thắng Plei Kần chỉ còn nhìn thấy nhà bia tưởng niệm, nơi ghi dấu lại các chiến tích lịch sử hào hùng của chiến sỹ và bộ đội cụ Hồ ta. Hiện nay điểm du lịch chưa thu hút được khách đến tham quan nhiều vì chưa được đầu tư các dịch vụ hỗ trợ phục vụ cũng như cơ sở hạ tầng du lịch.

4. Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Xiêng:

Di tích lịch sử Đắk Xiêng thuộc làng Đắk Răng - xã Đắk Dục - huyện Ngọc Hồi, nằm ở phía Đông - Nam của xã Đắk Dục, có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 41.437m2 (gồm diện tích nhà bia tưởng niệm, một phần sân bay Đắk Xiêng, đường vào căn cứ Đắk Xiêng và căn cứ Đắk Xiêng). Trại Đắk Xiêng được Mỹ xây dựng vào tháng 8 năm 1966 do lực lượng đặc biệt của Mỹ chỉ huy, nhằm án ngự phía Bắc tỉnh Kon Tum và biên giới Việt – Lào. Toàn bộ Trại Đắk Xiêng được xây dựng thành một pháo đài lớn, nằm trên một quả đồi thấp có địa hình tương đối bằng phẳng. Căn cứ này có nhiệm vụ tổ chức thám thính biên giới và ngăn chặn đường xâm nhập, giao liên, tiếp vận của cách mạng, nhận diện, phá hủy hạ tầng cơ sở của cách mạng và trên cơ sở đó mở các trận tấn công tiêu diệt, phá hoại hậu phương của ta.Nhắc đến di tích Đắk Xiêng là nhắc đến những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện H40 những năm 1970 – 1975, gắn liến với tên tuổi của các anh hùng cách mạng A Sang (Nguyên Tỉnh đội trưởng – Tỉnh Đội Kon Tum), Quân Xuân (nguyên Trinh sát Tỉnh đội Kon Tum), B’loong Keo (nguyên Dân quân du kích xã Đắk Nông), A Phê (nguyên Huyện Đội phó H40) và nhiều anh hùng cách mạng khác...Chiến thắng Đắk Xiêng ngày 30/12/1972, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, khai thông biên giới, mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng với hàng chục ngàn dân, tạo điều kiện cho bộ đội địa phương, quân và dân huyện H40 (huyện Đắk Glei ngày nay) vây ép chi khu Đắk Pét, tiến tới giải phóng Đắk Pét năm 1974 và giải phóng tỉnh Kon Tum ngày 16/3/1975. Sau gần 3 năm tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu lịch sử, hồ sơ  Di tích lịch sử Chiến thắng Đắk Xiêng được UBND tỉnh ký Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 01/12/2011. Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh đầu tiên của huyện Ngọc Hồi, và là di tích cấp tỉnh thứ 12 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

5. Làng Văn hóa Nông Kon:

Nằm trên địa bàn xã Đắk Dục, cách thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi khoảng 18km, diện tích xung quang làng khoảng 20ha, gần đường quốc lộ nên rất thuận tiện cho khách du lịch đến tham quan. Đa số đồng bào dân tộc nơi đây là người Giẻ Triêng. Đến thăm làng du khách sẽ được hòa mình trong không khí của núi rừng, được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây, với những lễ hội và phong tục tập quán đầy màu sắc văn hóa.

 Lễ hội đâm trâu của người đồng bào Giẻ - triêng

Tài nguyên du lịch ở làng Nông Kon này hầu như bị hạn chế, người dân xung quanh làng hầu như đã chuyển sang làm kinh tế, còn rất ít hộ dân còn lưu truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Mái nhà rông đã bị Kinh hóa đi rất nhiều, được thay bằng máy tôn làm giảm giá trị văn hóa của làng.

6. Làng Văn hóa Nông Nội:

Đến với làng Nông Nội du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà rông của đồng bào nơi đây. Vào mùa lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ, tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống tâm linh của dân tộc Giẻ Triêng....Người dân có cuộc sống tinh thần phong phú với nhiều hoạt động lễ hội mang bản sắc văn hóa riêng. Làng Nông Nội hiện vẫn còn lưu giữ nét văn hóa là: Nhà rông và những ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, dệt vải của dân tộc mình.

 Phụ nữ Giẻ - Triêng đang dệt thổ cẩm

7. Làng Đăk Mốt:                     

Làng Đắk Mốt đã hoàn thành định canh định cư, bỏ tập tục đốt rẫy, sản xuất lúa nước hai vụ và trồng cây cà phê, cao su. Mấy năm nay, sau khi được tách về thị trấn Plei Kần, bình quân mỗi người ở làng Đắk Mốt đã có mức thu nhập hằng năm trên 400kg thóc. Làng không còn hộ đói, nhiều nhà có ti vi, xe máy, xây nhà kiên cố, điện đã kéo về, đêm đêm sáng bừng, tiếng loa đài, tiếng nhạc vang.Du khách đến đây ngoài việc tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, truyền thống đấu tranh của các dân tộc tỉnh Tây Nguyên, du khách còn được tham quan nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên  như: ( Nhà rông, các lễ hội, văn hóa, văn nghệ...). Tuy nhiên, cần có công tác xúc tiến, quảng bá để nhiều người biết đến làng. Bên cạnh đó cần tiến hành quy hoạch, đầu tư xây dựng làng thành điểm du lịch hấp dẫn, ấn tượng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhiều hơn. Hiện tại, điểm du lịch này còn hoang sơ chưa có dịch vụ gì để phục vụ du lịch.

8. Làng Văn hóa Đăk Răng:

Từ trung tâm huyện theo quốc lộ 14 đi về hướng Bắc khoảng 18km tới địa phận xã Đăk Dục, du khách đã tới Làng văn hóa Đăk Răng. Nơi đây còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ của đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng (làng nghề truyền thống, nhạc cụ truyền thống dân tộc...). Làng du lịch văn hóa Đăk Răng có nhà Rông cao, đẹp; một kiểu nhà sàn đặc trưng dùng làm nơi tụ họp ở các buôn làng Tây Nguyên. Mỗi dân tộc đề có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn. Có những ngôi nhà cao tới 18m, có mái hình lưỡi búa vươn lên bầu trời với một dáng vẻ mạnh mẻ. Du khách có thể ngủ lại qua đêm, tham gia các sinh hoạt giao lưu văn hóa, uống rượu cần, nghe kể Khan bên bếp lửa bạp bùng cùng người dân bản địa.

Các nhạc cụ còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay

So với các làng khác đóng trên địa bàn xã Đắk Dục có thể nói làng Đắk Răng là một làng văn hóa lâu đời còn lưu giữ nhiều lễ hội cũng như ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhất. Đặc biệt làng có những đoàn nghệ nhân nổi tiếng tham gia các lễ hội truyền thống trong và ngoài tỉnh, tại đây có thể thấy được quá trình chế tác các nhạc cụ truyền thống như: đàn Đinh tút, Ting Ning, sáo, ta-len, ta-lét, bìn, oòng-enh, pin-pui, Pờ-Rưn, Tơ-rưng dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nổi tiếng như: Blong Vẻ hay còn có tên gọi khác là A Vẻ, Blong Vương. Dưới bàn tay khéo léo của các cô gái Giẻ-Triêng tạo nên những trang phục truyền thống hay tấm choàng… Hoa văn và màu sắc được tạo ra trong sản phẩm dệt đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong trang phục của người Giẻ-Triêng, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, ngày trước thì họ dùng để trao đổi hàng hóa.

9. Suối Đăk Tờ Kan:

Suối Đăk Tờ Kan có cảnh quan đẹp, khu vực được tạo nên bởi những bãi đá nối liền nhau. Du khách có thể xuất phát từ làng văn hóa Đăk Mốt, theo hướng Đông Nam khoảng 3km, là nơi có phong cảnh trữ tình, êm ả đặc biệt vào mùa hè, tạo cho du khách những cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Thực sự, đây là nơi thăm quan, du lịch lý tưởng với những người yêu thích thiên nhiên.

Suối Đăk Tờ Kan

HTH
Số lượt xem:11728
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 9815 Số người online:
Phát triển:TNC