banner
Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024
Sự nỗ lực vươn lên của một người phụ nữ tàn tật
26-5-2014

Khi đến trước cửa nhà chị, tuy chưa bước vào nhà nhưng tôi đã nghe giọng của một phụ nữ cất tiếng chào chúng tôi, nghe tiếng nói nhưng nhìn quanh thì không  thấy chủ nhà đâu, cho đến khi bước vào trong thì tôi mới nhìn thấy chị - một phụ nữ tật nguyền đang đi lại bằng hai chiếc ghế gỗ cao khoảng chừng 40 cm. Thoạt nhìn, thật lòng tôi cũng có một chút e ngại vì trông chị quá nhỏ bé, không khác nào một đứa trẻ lên năm, phần vì thấy chị ngồi trên hai chiếc ghế gỗ trông có vẻ không vững chắc cho lắm. Mặc dù trước đó, tôi đã phần nào hình dung về người phụ nữ thiếu may mắn này, tuy nhiên khi tận mắt nhìn thấy thì lại khác rất nhiều với những gì tôi nghĩ.

Sau những câu chào hỏi và giới thiệu lý do chúng tôi đến nhà chị, chị cười tươi và vui vẻ ngồi nói chuyện. Chị bảo, chị rất vui nếu có ai đó đến chơi, vì chị đi lại bất tiện nên không thể đến nhà ai, với lại ở đây ai cũng bận rộn với công việc, chỉ thi thoảng có người đến mua hàng còn ngoài ra chị chỉ biết đi lại trong một khoảng không gian nhỏ này.  Ngồi tâm sự với chị tôi được biết, chị sinh năm 1968, là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em, ngay khi mới sinh ra bản thân chị đã không may mắn như các anh chị em của mình hay các bạn đồng trang lứa, không có một tuổi thơ ngọt ngào và cũng không được làm một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác…

Chị kể, cuộc sống tại vùng quê Hà Tây nơi chị sinh ra gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, qua thông tin của một người bà con đi kinh tế mới tại huyện Ngọc Hồi bảo, nơi này cũng dễ làm ăn nên chị đã cùng gia đình cháu gái di cư vào đây để sinh sống. Thời gian đầu khi mới vào, vì cháu gái mới lập gia đình nên vốn liếng không có nhiều. Thấy cháu phải khổ cực làm lụng nuôi gia đình, lo con cái ăn học thiếu thốn trăm bề vậy mà phải nuôi thêm cả chị, trong khi đó chị lại không giúp gì được cho hai cháu. Trăn trở và suy nghĩ rất nhiều đêm như vậy nhưng chị cũng không biết làm cách nào để giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền cho cháu, đó là chưa kể đến tiền thuốc men lúc đau ốm. Bản thân chị sinh ra đã mắc nhiều bệnh khác nhau, vì cuộc sống quá khó khăn nên cũng chưa có khi nào đi đến các bệnh viện lớn để khám xem mình đang mang bệnh gì, thường chỉ tới các Trung tâm y tế khám, khi thấy trong người nhức mỏi thì ra tiệm thuốc tây để mua, tiền uống thuốc có khi còn nhiều hơn tiền ăn hàng ngày, vì thế chị không hề muốn làm gánh nặng thêm cho cháu được nữa và quyết định vào nương tựa ở Trung tâm bảo trợ tỉnh.

Khi đề xuất ý nguyện của mình với vợ chồng cô cháu gái, ban đầu mặc dù không được vợ chồng cháu chấp nhận vì các cháu nghĩ rẵng cô cũng như mẹ mình, đã đưa cô theo thì có khó khăn khổ cực đến mấy anh chị ấy vẫn cố gắng thu xếp được. Nhưng rồi hàng ngày phải chứng kiến cái cảnh bôn ba làm thuê làm mướn vất vả đủ đường để nuôi cả gia đình thì chị không thể an tâm. Đề xuất mãi thì vợ chồng cháu gái cũng đồng ý. Thế rồi đến đầu năm 2011 chị làm đơn xin vào sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội II của tỉnh Kon Tum.

Thấm thoát thời gian trôi qua cũng được 3 năm kể từ ngày chị vào sống tại Trung tâm, đến tháng 9 năm 2013, thấy Trung tâm lúc này ngày càng nhiều người vào nương nhờ, cuộc sống tại nơi đây càng lúc càng khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe cho những người như chị ngày một hạn chế hơn, vì thế chị quyết định xin về lại với gia đình cháu gái. Nhưng khi về, chị nghĩ mình  không thể làm gánh nặng cho cháu mà quyết định ra sống một mình. Khi được phía gia đình nhà cháu rể giúp đỡ tạo điều kiện cho chị mượn miếng đất trước cửa nhà, chị nhờ bà con hàng xóm xây cho một túp lều nhỏ khoảng chừng 10m2 và bằng số tiền giúp đỡ ít ỏi của những người thân, chị mở một quán tạp hóa nhỏ để kiếm kế sinh nhai.

Đang nói chuyện thì có người đến mua hàng, bỏ dỡ câu chuyện đang kể, chị quay qua bán hàng. Nhìn chị ngồi và di chuyển trên hai chiếc ghế gỗ mà tôi không thể cầm được nước mắt. Lấy hàng xong cho khách, chị quay lại nơi chiếc giường chúng tôi đang ngồi. Quan sát căn nhà nhỏ chật hẹp, ngoài hai cái tủ đựng những mặt hàng tạp hóa đơn sơ như vài gói mì tôm, vài túi kẹo, mấy chai nước ngọt, mấy gói bim bim và đôi ba thùng nước lọc, thì tài sản mà tôi thấy giá trị nhất là một chiếc tủ lạnh để chứa nước bán cho khách. Chiếc giường nhỏ cũ kỹ để chị nghĩ ngơi cũng là nơi tiếp khách mỗi khi có người đến thăm. Chỉ sống vỏn vẹn trong 10m2, cửa đi vào nếu ai không để ý thì có thể chạm đầu vào khung cửa ở trên. Nhưng chị nói với chúng tôi, thế này là quá rộng đối với chị. Nghe câu nói ấy của chị tôi cảm thấy chạnh lòng vô cùng. Vì cũng đã trưa nên chị bảo tôi ngồi chơi, chị đi nấu cơm. Chị đi lại một cách khó nhọc trên hai chiếc ghế gỗ, chị bảo đã đôi lần bị ngã, khi bị ngã nếu không có ai giúp đỡ thì chị đành ngồi đợi chứ không cách nào tự ngồi dậy được, và như vậy cuộc sống ngày lại qua ngày trên đôi chân bằng hai chiếc ghế gỗ. Tôi chợt tôi thấy lòng mình thắt lại…

 Đã hơn 40 năm nay chị luôn mơ ước, ước những điều đơn giản nhất nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được. Chị ước có một chiếc xe lăn để tiện hơn cho việc đi lại cũng như sinh hoạt thường ngày của mình, nhưng với điều kiện hiện nay, cái quán nhỏ với vài ba mặt hàng không đủ chị chi tiền thuốc thang do phải thường xuyên ốm đau, chị biết khó khăn là vậy nhưng vẫn phải cố gắng để vượt qua, vì chị nghĩ ở trên đời này có rất nhiều người tàn tật như chị cũng phải tự mình vươn lên trong cuộc sống.

Theo lời chị Nguyễn Thị Tròn, chị Đoàn Thị Nga là đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, theo đó chị Nga được tập thể giáo viên trường Mầm non Đắk Xú nhận đỡ đầu và mỗi tháng chị Nga nhận được 200 ngàn đồng/tháng, số tiền được trích từ tiền lương của các cô giáo, ngoài ra thì không có một khoản trợ cấp nào khác. Chị Nguyễn Thị Tròn cũng cho biết thêm, Đắk Xú là xã biên giới nên còn gặp rất nhiều khó khăn, riêng hộ nghèo hiện tại vẫn còn cao, chiếm 7,1%. Những đối tượng như chị Nga thì Đắk Xú đang có trên 10 trường hợp, mặc dù những năm qua công tác an sinh xã hội được chính quyền xã quan tâm, chú trọng nhưng vì điều kinh tế của xã còn gặp rất nhiều khó khăn.

Dẫu biết rằng xung quanh ta vẫn còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, luôn nhận thức được điều đó nên chị không trông chờ, mà luôn sẵn sàng đứng lên để tự lo cho bản thân mình, tự lao động để kiếm sống, đó là điều chúng tôi rất cảm phục từ nghị lực của một phụ nữ tật nguyền. Chia tay chị, điều tôi mong rằng, ước mơ nhỏ nhoi của chị là có một chiếc xe lăn sẽ sớm trở thành hiện thực; mong có nhiều tấm lòng thơm thảo cùng với Trường Mầm non xã Đắk Xú hỗ trợ cho chị bớt đi những khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

 

Hà Anh
Số lượt xem:5059
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 10184 Số người online:
Phát triển:TNC