Trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Ngọc Hồi là một điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch “Hành trình Xanh Việt Nam”; tuyến du lịch xuyên suốt trong các tỉnh Tây Nguyên; tuyến du lịch Bắc – Nam; tuyến du lịch sinh thái từ Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến Sài Gòn đến Champasắc (Lào), đếnThái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…Trên mỗi nẻo đường là màu xanh bạt ngàn của các vườn cây công nghiệp, rừng nguyên sinh, xen lẫn trong đại ngàn là sức sống vươn lên của vạn vật, là sự bứt phá của những con người đã một thời làm nên lịch sử, giữ đất giữ làng, giữ biên giới quê hương ruột rà máu thịt, như bóng cây Kơ nia sừng sững trước bão táp phong ba.
Ngọc Hồi là một miền đất rất phong phú về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến với Ngọc Hồi để cảm nhận không gian văn hóa rất đậm đà bản sắc, đó là những mái nhà rông sừng sững hiên ngang giữa đại ngàn trùng điệp, đó là dòng sông Pôcô lặng lẽ trôi mang nặng phù sa và dòng nước mát lành uốn mình qua bao ghềnh thác, đó là mùi hương của hoa lá cỏ cây hòa quyện trong không gian tĩnh lặng. Đến với Ngọc Hồi để có dịp thưởng thức không gian văn hóa ẩm thực, đó là món cơm lam truyền thống, món thịt dúi nướng ống lồ ô, ếch rừng nướng, cá suối làm chua, thịt chuột chiên giòn chấm với muối tiêu rừng khai vị với rượu cần men lá rừng…có hương vị rất tuyệt vời.
thác nước
Với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó huyện Ngọc Hồi có 03 dân tộc tại chỗ, đó là Giẻ -Triêng, Xơ Đăng, Brâu; mỗi dân tộc có đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng, tạo nên các giá trị văn hóa vừa đa dạng, phong phú vừa đặc sắc, đậm đà của bà con dân tộc nơi đây. Ngọc Hồi có rất nhiều thôn, làng vẫn còn giữ được nét nguyên sơ truyền thống, đó là các nhà sàn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, các lễ hội rất đặc trưng, độc đáo được tổ chức vào các dịp lễ trọng của làng, như lễ hội mừng nhà rông mới, lễ hội đâm trâu của bà con dân tộc Triêng; lễ hội mừng lúa vào kho của bà con dân tộc Brâu; cuộc sống quần cư thường ngày rất thanh bình với các sinh hoạt rất riêng có và giàu bản sắc…đó thực sự là sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn đối với du khách tham quan. Đặc biệt, một trong những nét văn hóa đặc sắc rất nổi bật, đó là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Huyện Ngọc Hồi có các đội Nghệ nhân cồng chiêng được đi trình diễn nhiều nơi trong cả nước, để lại trong lòng người xem những ấn tượng không thể nào quên; bên ché rượu cần có hương vị rất đậm đà, xen lẫn âm vang cồng chiêng hòa cùng với hồn thiêng sông núi, với các điệu múa xoang của các thiếu nữ Triêng, Xơ đăng trong trang phục truyền thống, ngọn lửa nhà rông rực sáng trong ánh mắt lung linh và nụ cười rạng ngời hạnh phúc của bao chàng trai, cô gái đang độ sức xuân, du khách càng cảm nhận được những giá trị rất riêng, rất ngọt ngào về miền đất và con người nơi đây.
Nổi bật trong tiềm năng và thế mạnh của huyện Ngọc Hồi là lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, một địa điểm trung chuyển quan trọng, một trung tâm kinh tế lớn trên trục hành lang kinh tế Đông -Tây. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi trong việc giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, ASEAN. Có Cột mốc ba biên, là mốc giới với nước bạn Lào, Vương quốc Campuchia. Xuất phát từ cửa khẩu Bờ Y, đây là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ với các tỉnh đông bắc Thái Lan, Nam Lào. Lộ trình từ các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đông bắc Thái Lan, Campuchia, các tỉnh nam Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y ngắn hơn lộ trình khác khoảng gần 1.000km. Từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến biên giới phía bắc Thái Lan là 340km, đến Thành phố Hồ Chí Minh 650km theo tuyến quốc lộ 14. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Ngọc Hồi phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy du lịch phát triển, đặc biệt là loại hình du lịch Caravan đang ngày càng phổ biến, mở rộng các tuyến du lịch giữa Ngọc Hồi với các tỉnh Tây Nguyên sang các tỉnh nam Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc giao lưu hợp tác để quảng bá du lịch của các địa phương trong các tuyến du lịch luôn thực sự cần thiết cho việc thu hút du khách tham quan. Việc hợp tác phát triển giữa huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum với các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai đã có những bước đi thích hợp, từng bước hình thành các tour du lịch nội vùng, các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, ẩm thực…Thường xuyên trao đổi thông tin liên quan về du lịch, thông tin về xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Các đơn vị đã thống nhất khảo sát và kết nối các tour du lịch, xác định điểm đến và thế mạnh của từng vùng, miền, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho khách đoàn đến địa phương khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ du lịch nhanh chóng, thuận lợi.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Hồi lần thứ V đã xác định về việc xây dựng huyện Ngọc Hồi thành Thị xã vào năm 2015, đây là cơ hội lớn để đánh thức tiềm năng du lịch của huyện Ngọc Hồi. Với những tiềm năng và thế mạnh hiện có, hy vọng trong tương lai không xa, huyện Ngọc Hồi sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, là điểm hẹn ngọt ngào cho du khách tham quan.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|