banner
Thứ 5, ngày 14 tháng 11 năm 2024
Người mẹ nhân từ
14-8-2012
Tại làng Nông Nội, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có một phụ nữ người dân tộc thiểu số, chưa một lần diễm phúc thực hiện thiên chức của người mẹ nhưng đã nhân từ đùm bọc, cưu mang, nuôi nấng 5 trẻ mồ côi cho đến tuổi trưởng thành, đó là chị Y Hiền.
AnhMinhHoa
Gia đình chị Y Hiền

Có trẻ, ngày chị nhặt ngoài đường mới sinh còn đỏ hỏn, chưa cắt rốn được đưa về nhà nuôi nấng, nay đã học đến lớp 9; có trẻ đói cơm lạt muối, thân hình gầy gò, ốm yếu, ghẻ lở, đến nay đã được dựng vợ gả chồng đàng hoàng...

Thương trẻ kém may mắn

Trong không gian chật hẹp khoảng trên dưới 20m2 của ngôi nhà cấp 4, tôi không thể hình dung trước đây chị Y Hiền đã sắp xếp, bố trí như thế nào để cùng lúc đủ không gian để nuôi nấng, dưỡng dục đến 5 cháu bé, cùng 3 người của gia đình. Nào là góc học tập, sinh hoạt, tiếp khách; nào là nơi để ngủ, nghỉ... Vậy mà 8 con người đã đùm túm chung sống hàng chục năm trong ngôi nhà chật chội, không lời qua, tiếng lại. Đến lúc những đứa trẻ trưởng thành, dựng vợ gả chồng, chúng lần lượt cất nhà, xây dựng tổ ấm riêng của mình. Thỉnh thoảng, chúng bồng bế cháu nội, cháu ngoại tập trung về nhà cười nói bi ba bi bô suốt cả ngày.

Trong ánh mắt đong đầy niềm vui, mãn nguyện cuộc đời của đôi vợ chồng già, anh A Nghiệp - chồng chị Y Hiền - cười khà: “Con mình cả đấy. Bây giờ, cả cháu nội, cháu ngoại, con trai, con gái đã trên chục đứa rồi. Chú thấy đó, chúng sống với nhau rất hoà thuận, như anh em cùng chung một núm ruột sinh ra”. Để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng anh A Nghiệp và chị Y Hiền phải vượt qua bao cơn bĩ cực của cuộc đời, đôi lúc phải đương đầu với  khó khăn đời thường tưởng chừng không thể vượt qua!

Khi tôi hỏi về gia cảnh những đứa trẻ lúc chị nhặt được trên đường, hoặc đã cưu mang về nuôi, ánh mắt của chị Y Hiền thoáng buồn và rơm rớm nước mắt: “Tội lắm chú ơi, đến tận bây giờ đã 24 năm kể từ ngày đưa Y Hạnh về nuôi, tôi vẫn nhớ như in ngày nó mới đi chập chững, đứng  thập thò trước cửa nhà mình ngửa tay xin ăn.

Ban đầu nó không phải tên Y Hạnh mà là Y Híp. Tôi thấy nó cực khổ và mong muốn cuộc đời cháu sau này gặp hạnh phúc, tôi đổi sang tên Y Hạnh”. Rồi chị Y Hiền tiếp lời: “Sau khi sinh Y Hạnh thì mẹ cháu không may bị băng huyết qua đời. Ông A Thận - bố của Y Hạnh - suốt ngày rượu chè, rồi phải vướng vào cảnh tù tội. Nên mẹ mới vừa qua đời mấy ngày thì tai hoạ lại tiếp tục giáng xuống đứa trẻ vô tội. Tôi không hiểu trời xui đất khiến như thế nào mà ở mãi tận làng Dục Nông, Y Hạnh mới 2 tuổi đầu đã lê bước thất thểu đến tận đây”.

Đến nay, Y Hạnh đã 26 tuổi, nhưng nhiều người dân trong làng như ông Siêng Lăng Bin, A Tít, Brao Bok, bà Y Thiet... vẫn nhớ con bé ngày xưa ghẻ lở, “nở hoa” khắp mình mẩy, máu mủ dính nhớp nháp quần áo cứng đờ, không ai trong làng dám đến gần. Vậy mà, vợ chồng A Nghiệp cứ tờ mờ sáng lên đỉnh đồi cắt lá cây rừng về tắm táp, rửa, lau sạch vết thương. Mãi 4 đến 5 tháng sau, Y Hạnh mới hết sài đẹn, hết khóc quấy vào ban đêm...

Cháu Y Ngọc Hiếu năm nay bước sang tuổi 15. Khi chị Y Hiền nhặt Hiếu ngoài đường thì cháu mới sinh, còn đỏ hỏn chưa cắt rốn. Ở Tây Nguyên, người dân tộc thiểu số quan niệm rằng, chuyện sinh đôi, sinh ba là hiện tượng lạ của xã hội nên thường nghĩ đến chuyện Giàng phạt. Cũng chính các suy nghĩ và quan niệm lạc hậu như vậy, nên thường khi sinh đôi, sinh ba thì các đứa trẻ sinh sau sẽ bị chôn sống hoặc bỏ vào rừng để “con ma” không biết đường quay về làng quấy nhiễu gia đình.

Trầm ngâm trong giây lát, chị Y Hiền kể: Vào một ngày năm 1996, trời nắng như thiêu như đốt, vợ chồng Y Hiền từ rẫy về làng, ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ ven rừng, bỗng nghe oa oa yếu ớt của một đứa trẻ. Biết chuyện chẳng lành, Y Hiền vội băng xuống suối, phát hiện cháu bé mình đầm đìa máu, đang thở thoi thóp, da tím tái. Y Hiện xé vạt áo, quấn kín người, vội vàng đưa cháu bé về nhà. Ban đầu, mới đem cháu bé về nhà nuôi dưỡng, người dân trong làng bán tín bán nghi: Chắc Giàng phạt vợ chồng thằng A Nghiệp thôi, rồi Giàng bắt cả làng, hỏi tội cả làng mình nữa.

Phải đuổi con Y Hiền ra khỏi làng, hoặc đem chôn sống con bé. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, vợ chồng Y Hiền kiên quyết giữ cháu bé, không để cháu đi theo A Tâu (con ma - PV)! Để Hiếu không oán trách người mang nặng đẻ đau ra mình đã vội chối bỏ trách nhiệm, vứt mình dưới vực sâu, vợ chồng chị Y Hiền và A Nghiệp đặt tên cho cháu là Y Ngọc Hiếu.

Khoai củ cùng nhau

Những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, cả tỉnh Kon Tum gần 70% số hộ thuộc diện nghèo đói, thì ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi tỉ lệ người dân nghèo đói gần như 100%. Gia đình chị Y Hiền cũng là một trong những diện nghèo đói của xã. Thuở ấy, người dân bữa có cơm độn mì là mừng rồi, chủ yếu ăn rau rừng, mót mì trên rẫy để sống qua ngày, qua tháng. Vậy mà gia đình chị Y Hiền “dám liều” đưa cả 5 trẻ mồ côi về nhà nuôi dưỡng! “Cứ mình lên rừng đào củ mì, củ chuối thì Y Hiền ở nhà chăm 5 đứa nhỏ.

Mình ăn mì mớm cho tụi nó, mình đào củ chuối về nấu cho chúng ăn qua bữa. Khổ nhất là chạy vạy đi xin sữa. Hiền không đẻ nên không có sữa, phải nhờ một vài người mới sinh con trong làng cho con Y Ngọc Hiếu bú. Nhiều lúc thiếu sữa, Y Ngọc Hiếu khóc ngặt nghẽo suốt cả đêm. Đôi lúc túng quẫn, mình và Y Hiền gùi mấy đứa nhỏ trên lưng đến một vài gia đình ở làng xin bát gạo, chén cơm. Cũng nhờ sự đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ của nhiều người dân trong làng mà tụi nó mới sống đến ngày hôm nay”. Rồi chuyện anh em Y Đại cũng là một “huyền tích”.

Lúc Y Đại mới 1 tuổi thì bố A Liên không may đột ngột qua đời, căn nhà vốn đã dột nát, nay lại bị gió bão quật rách tả tơi, lúc bấy giờ cả gia đình Y Đại không có chỗ trú nắng, trốn mưa. Y Đại có hai người anh trai là A Toàn và A Bưởi. Thấy vậy, anh A Nghiệp bàn với chị Y Hiền đưa cả nhà Y Đại về nuôi. Vậy là, ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè, chật chội là nơi trú ngụ đến 8 con người. Sau này, vợ chồng anh A Nghiệp cất ngôi nhà cấp 4 ở phía sau, anh đã nhường lại ngôi nhà gỗ phía mặt tiền cho mẹ con Y Nghiệp làm nơi tá túc.    

Chỉ vì tình người

Đến nay chị Y Hiền đã bước sang tuổi 66, nhưng có 7 năm tham gia vận tải đạn, cõng gạo, súng... phục vụ chiến trường Gia Lai, Kon Tum; đến 20 năm công tác tại Hội Phụ nữ xã Đăk Nông. Đây cũng chính là khoảng thời gian chị tham gia tích cực các phong trào do địa phương phát động. Chị vận động người dân sinh đẻ kế hoạch, vận động Fulro trở về làng làm ăn lương thiện, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo...

Khi nhắc về Y Hiền, người dân cả xã Đăk Nông ai cũng thán phục: “Con Y Hiền giỏi lắm, nếu  nó không giỏi thì Fulro giết chết từ lâu rồi”. Bây giờ, ngôi nhà của chị Y Hiền treo đầy bằng khen, giấy khen từ cấp xã đến cấp tỉnh. Quan sát mãi không thấy bằng khen hoặc giấy khen nào khen thưởng công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo khó, hình như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, chị Y Hiền cho biết: “Mình nuôi mấy đứa trẻ mồi côi được lãnh đạo xã, huyện qua các thời kỳ động viên, khuyến khích.

Cố gắng nuôi, giúp đỡ cho các cháu trở thành người, đừng bỏ mặc chúng sống cù bơ cù bất ngoài đời là có tội. Vậy là mình thực hiện thôi, cần gì mà bằng khen, giấy khen. Hơn nữa, chúng tôi đã già rồi, tâm sự, trao đổi với nhà báo biết cho vui”.

Còn anh A Nghiệp ngồi bên chốc chốc lại gãi đầu. Thấy vậy, tôi thử “nắn gân” anh A Nghiệp: “Những năm 90 của thế kỷ trước, chị bận công tác xã hội suốt cả ngày, gia đình vốn đã nghèo khổ, khốn khó như vậy sao anh chị dám liều nuôi cùng lúc đến 5 đứa trẻ trong nhà mà chúng không họ hàng, thân thích gì cả?”.

Không một chút đắn đo, suy tính, anh A Nghiệp trả lời: “Mình nuôi nấng, dưỡng dục những đứa trẻ mồ côi cũng coi như nuôi chính các đứa con do mình và Y Hiền đứt ruột sinh ra. Mình nuôi các cháu để vơi đi gánh nặng cho xã hội. Mình không nuôi thì mình cầm lòng không được. Thấy Y Ngọc Hiếu đang thở thoi thóp ở rừng chả lẽ để nó chết, phải đưa về nhà nuôi thôi. Bây giờ, đứa con nào của mình cũng có caosu, rẫy mì..., mình hết sợ chúng đói rồi! Chỉ còn Y Ngọc Hiếu đang học lớp 9 tại trường THCS ở xã”.

Đã đi qua phía bên kia triền dốc của đời người, chị Y Hiền như vẫn còn trăn trở: “Vừa rồi mình thành lập tổ dệt thổ cẩm, huy động 40 chị em trong làng tham gia, dệt từ 20-30 tấm thổ cẩm trong một tháng nhưng không thấy ai đến mua. Mình đành cuốc bộ lên tận chợ huyện Đăk Glei để bán, để trao đổi hàng hoá.

Giá như có chủ trương hoặc chính sách gì nhằm giữ gìn và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì tốt hơn, nếu không thì nghề dệt thổ cẩm sẽ bị mai một, mất đi vốn quý của dân tộc”. Có lẽ nửa đời người chị Hiền đã lo cho các đứa trẻ mồ côi, gần nửa cuộc đời còn lại  lo cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Giẻ Triêng.

“Không, tất cả những gì vợ chồng mình đã làm trong thời gian qua cũng chỉ vì tình người” - anh A Nghiệp nói lúc chia tay chúng tôi. Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy!  

 

 

Số lượt xem:3989
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 344 Số người online:
Phát triển:TNC