banner
Thứ 5, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Huyện Ngọc Hồi với công tác Đền ơn đáp nghĩa
23-7-2012
Lịch sử dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, có biết bao thế hệ cha anh với tinh thần yêu nước nồng nàn, với chí khí quật cường và lòng thuỷ chung nhân hậu đã hiến dâng cả máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì độc lập tự do của Tổ quốc
AnhMinhHoa
Đ/c Bùi Duy Chung- UVTV, Phó Chủ tịch TT thăm và tặng quà các gia đình chính sách

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, ngay từ đầu của những ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đó là những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, những ngày vô cùng khó khăn khi lực lượng cách mạng còn non trẻ phải đối phó với cả thù trong, giặc ngoài. Vào thời điểm đó, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hằng năm là Ngày thương binh, liệt sỹ, đó là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Và từ đó, ngày 27/7  hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị và nhân văn sâu sắc.

Hằng năm, cứ mỗi dịp 27/7 lại về, trong mỗi chúng ta, những người con đất Việt đều vô cùng xúc động vì bao thế hệ đã anh dũng hy sinh cho cuộc sống bình yên và hạnh phúc hôm nay.

Huyện Ngọc Hồi có hơn 3.000 đối tượng hưởng chế độ ưu đãi một lần và hằng tháng, trong đó có 1.147 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng; thương binh và những người hưởng chế độ chính sách như thương binh là 173 đối tượng; bệnh binh là 385, tuất liệt sỹ là 61, tuất bệnh binh từ trần là 74, có công với cách mạng là 350, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc và con họ sinh ra bị dị tật là 48 trường hợp.

Trong những năm qua tuy còn nhiều khó khăn thách thức, song công tác Đền ơn đáp nghĩa của huyện Ngọc Hồi đã được các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã đặc biệt quan tâm. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đều được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo dạy nghề và tạo công ăn việc làm. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, mọi người cùng chung tay chia sẻ những khó khăn mất mát, đau thương của những người có công, góp phần động viên họ vượt lên những khó khăn thường nhật, có cuộc sống ổn định hơn.

Khen thưởng tại Hội nghị Người có công tiêu biểu năm 2012

Từ năm 2007 đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện đã huy động được gần 500 triệu đồng; các xã, thị trấn vận động được trên 60 triệu đồng. Từ số tiền của Quỹ đã chi hỗ trợ xây dựng 21 căn nhà tình nghĩa, mua 20 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá 2 triệu đồng cho đối tượng người có công hưởng trợ cấp hằng tháng gặp khó khăn; chi thăm hỏi các gia đình chính sách ốm đau, bệnh tật…Ngoài ra, năm 2011, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện được hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhiều căn nhà cho các đối tượng chính sách; nâng cấp, sửa chữa các Nhà bia tưởng niệm.

Cùng với việc chăm lo cho thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ và người có công, huyện đã phối hợp các cơ quan chuyên trách tổ chức đón, tiếp nhận, làm Lễ truy điệu và An táng hàng trăm hài cốt liệt sỹ hy sinh ở hai nước bạn Lào và Camphuchia về mai táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện; đồng thời làm tốt công tác xây dựng, tôn tạo và chăm sóc các Phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang.

Ơn trả nghĩa đền là truyền thống đạo lý có từ ngàn xưa của dân tộc ta; đó là lòng biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay với bao lớp người đi trước đã làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc; và lẽ dĩ nhiên những người có công và thân nhân của họ sẽ được thừa hưởng nhiều hơn những giá trị vật chất, tinh thần mà xã hội mang lại. Song, các thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sỹ và gia đình có công đã không trông chờ ỷ lại, đã vượt lên những thách thức khó khăn, nỗ lực phấn đấu không ngừng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong phong trào đó đã xuất hiện nhiều tấm gương rất đáng khâm phục, bởi họ không những là anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, mà còn là các chiến sỹ tiên phong trên mặt trận xoá đói giảm nghèo, góp phần tô thắm thêm bức tranh 20 năm thành lập huyện.

Nhiều hộ gia đình chính sách, các trường hợp thương, bệnh binh có thu nhập hằng năm từ 50-70 triệu đồng; tiêu biểu như bênh binh Thao Đoàn, dân tộc KDong, làng Tà Ka, xã Bờ Y, đã khai thác lợi thế của đất vườn đồi, xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập bình quân từ 70 – 100 triệu đồng. Gia đinh bệnh binh A Lan, dân tộc Triêng, xã Đắk Dục đã trồng hơn 05 ha cao su, 0,5 ao cá, 03 ha mì, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Gia đình bệnh binh Thao Thượng Ác xã Bờ Y, bệnh binh Huỳnh Xích, thị trấn … không những vươn lên làm giàu mà còn chăm lo cho con em mình học hành đến nơi đến chốn. Và còn nhiều hộ gia đình chính sách khác trên địa bàn với những nỗ lực vưon lên trong cuộc sống đáng được trân trọng, tôn vinh.

Có thể khẳng định rằng, Phong trào Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống đậm chất nhân văn. Tiêu biểu cho phong trào này đó là Công ty 732, UBND xã Bờ Y, Doanh nghiệp tư nhân Hương Sơn và nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu khác…Tuy nhiên, công tác chăm sóc Người có công cũng còn những hạn chế nhất định, một số gia đình người có công còn nhỉều khó khăn, sức khoẻ giảm sút, bệnh tật phát sinh… chưa được động viên thăm hỏi kịp thời; công tác chăm lo chế độ chính sách và các điều kiện hỗ trợ khác cho các gia đình chính sách, người có công ở một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa được chú trọng đúng mức...

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: Chăm sóc Người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài.

Thiết nghĩ, để Phong trào Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói riêng có bước phát triển mới, tiếp tục mang lại những giá trị vật chất, tinh thần đích thực cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công với cách mạng thì cần phải làm tốt hơn nữa công tác chăm lo chế độ chính sách kịp thời, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp, ngành và toàn xã hội; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thương, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công được lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ, con em họ được hưởng các chế độ tốt hơn để có điều kiện học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định.

Để Phong trào tiếp tục có bước phát triển mới về chất, cùng với sự nỗ lực của những người có công, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người có công phát triển sản xuất, kinh doanh bằng những điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần cụ thể để kịp thời động viên người có công thoát khỏi cái nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển chung của huyện như Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng bộ huyện đã đề ra./.

BBT
Số lượt xem:905
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5852 Số người online:
Phát triển:TNC