banner
Thứ 6, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Ngọc Hồi phát triển du lịch cộng đồng
26-7-2019

Ngọc Hồi là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, tận dụng lợi thế này, chính quyền huyện Ngọc Hồi đang đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Qua đó, vừa gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương

Ngọc Hồi được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến với vị trí đặc biệt ngã ba Đông Dương, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cột mốc biên giới giữa ba nước Lào-Việt Nam-Campuchia... Ngọc Hồi còn là nơi hội tụ của 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc biệt với 3 dân tộc tại chỗ là Xơ Đăng, Giẻ- Triêng, Brâu. Đây là điều thuận lợi để Ngọc Hồi phát triển du lịch cộng đồng.

Trước những thuận lợi ấy, huyện Ngọc Hồi đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Ngọc Hồi xác định phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện như Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, làng văn hóa Đăk Răng, làng văn hóa Đăk Mế...

Người Giẻ Triêng ở Ngọc Hồi vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống hấp dẫn khách du lịch

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Quốc Tường- Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết: Để du lịch Ngọc Hồi phát triển, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hình ảnh du lịch Ngọc Hồi gắn với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện như các bản sắc văn hóa truyền thống về lễ hội, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán…của các dân tộc tại chỗ. Trong đó, huyện đang triển khai kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại làng văn hóa Đăk Răng (xã Đăk Dục) và làng văn hóa Đăk Mế (xã Bờ Y). Đây là hai làng văn hóa tiêu biểu cho 2 dân tộc là Giẻ- Triêng và Brâu trên địa bàn. Hai làng này còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc…

Làng văn hóa Đăk Răng (xã Đăk Dục) nằm cách trung tâm huyện khoảng 20km về hướng Bắc. Toàn làng có 120 hộ, gần 400 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Giẻ- Triêng chiếm trên 95%. Ngôi làng có cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đầy đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên. Làng Đăk Răng còn có Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Seang, sân bay Đăk Seang là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân trong những năm 1970 -1975...

Đồng bào làng Đăk Răng sống thật thà, hiền lành, thân thiện và mến khách và luôn có ý thức bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, làng Đăk Răng có đội nghệ nhân có tính chuyên nghiệp cao, thường xuyên được các cấp lựa chọn trình diễn văn hóa tại các sự kiện văn hóa của tỉnh, khu vực và trung ương.

Già làng Brol Vẻ giới thiệu các nhạc cụ dân tộc của người Giẻ Triêng

Nghệ nhân ưu tú - già làng Brol Vẻ cho biết: Ở làng hiện nay còn gìn giữ một số công trình kiến trúc mang đặc trưng riêng của người Giẻ- Triêng như nhà rông văn hóa, nhà ở truyền thống. Nhân dân trong thôn vẫn giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình. Làng đang duy trì được các lễ hội truyền thống như lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, lễ cưới truyền thống…Cùng với đó, làng cũng có nhiều nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, pin, sáo, nhị, ting ning, òng eng… và một số nghề truyền thống.

“Đến làng văn hóa Đăk Răng, du khách sẽ được thưởng thức những điệu múa, điệu nhảy của đội cồng chiêng, múa xoang độc đáo của người Giẻ Triêng; được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc bên mái nhà rông; được nghe tiếng đàn, tiếng sáo của các nghệ nhân nổi tiếng của làng biểu diễn chào đón khách. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống được chế biến từ thực phẩm sẵn có trong tự nhiên hoặc người dân tự sản xuất được cơm lam, rượu cần men lá, gà nướng, cá sông nướng trên than củi và trong ống lồ ô… ”- anh Hoàng Huy Quyền- cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tự hào nói với chúng tôi. 

Còn làng văn hóa Đăk Mế (xã Bờ Y) nằm trên Quốc lộ 40 cách cửa khẩu Quốc tế Bờ Y khoảng 7km. Làng có gần 140 hộ dân với gần 500 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Brâu. Đây là một trong 5 dân tộc ít người nhất ở Việt Nam được Đảng, Nhà nước ban hành chính sách riêng để bảo tồn và phát triển. Đồng bào Brâu hiện nay vẫn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng của dân tộc mình nằm trong tổng thể văn hóa Tây Nguyên nói chung.

Theo anh Hoàng Huy Quyền, văn hóa truyền thống của người Brâu cũng có những nét tương đồng với nhiều cư dân ở khu vực Tây Nguyên nói chung và vùng Bắc Tây Nguyên nói riêng: có nhà rông, nhà sàn, có các lễ hội liên quan tới các chu kỳ sản xuất lúa trên nương rẫy, vòng đời của con người. Nhưng trong quan niệm tâm linh, người Brâu đề cao vai trò của các vị thần (giàng): thần lúa, thần nước, thần đất và các vật linh… nghĩa là mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống đều có cái hồn ở bên trong. Hiện nay, làng Đăk Mế còn giữ được các lễ hội truyền thống như lễ tỉa lúa, lễ cho tha ăn, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội bỏ lúa vào kho… và các nhạc cụ như khèn, sáo, cồng và chiêng, các loại đàn, krông pút, bông-bông, goong-đinh… Đặc biệt chiêng Tha được xem như báu vật của người Brâu và chỉ duy nhất người Brâu mới có loại chiêng này.

Anh Hoàng Huy Quyền cho biết thêm: Trong những lễ hội quan trọng, chiêng Tha luôn là vật không thể thiếu. Một bộ chiêng Tha chỉ có 2 chiếc, gồm Chuar (vợ) và Jơliêng (chồng). Khi diễn tấu, 2 chiêng được treo lên theo hướng úp vào nhau. Người đánh dùi cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi đực thúc dùi vào lòng chiêng. Họ ngồi bệt xuống đất, bàn chân nâng áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm sắc cho chiêng; đồng thời, khi diễn tấu, bao giờ chiêng vợ cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu, rồi chiêng chồng mới tham gia. Nhiều năm qua, đã có nhiều khách du lịch và nhà nghiên cứu đến đây để tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị độc đáo chiêng Tha nói riêng và văn hóa Brâu nói chung...

Để du lịch cộng đồng ở Ngọc Hồi phát triển, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động làm rõ về lợi ích của du lịch cộng đồng mang lại. Đặc biệt, với làng văn hóa Đăk Răng (xã Đăk Dục) và làng văn hóa Đăk Mế (xã Bờ Y), UBND huyện Ngọc Hồi chỉ đạo chính quyền các địa phương cơ sở nơi đây vận động người dân giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy nội lực trong công tác phát triển du lịch cộng đồng, lấy phát triển du lịch để thúc đẩy kinh tế và gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc... 

Phúc Nguyên (Trích từ nguồn internet)
Số lượt xem:5789
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 6368 Số người online:
Phát triển:TNC