banner
Thứ 7, ngày 4 tháng 1 năm 2025
Độc đáo nhạc cụ của người Giẻ Triêng
15-8-2012
Những nghệ nhân đầu tiên trên lĩnh vực chế tác, diễn tấu, truyền dạy nhạc khí dân tộc… được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian VN. Nhạc cụ đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên đầy bí ẩn đang được các nghệ nhân lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Chúng tôi ngược lên ngã ba biên giới huyện Ngọc Hồi, để được đắm chìm trong hơi men rượu cần và âm vang của các nhạc cụ của tộc người Giẻ-Triêng.
AnhMinhHoa
Các nghệ nhân đang biểu diễn nhạc khí Ta Lêh

Chiếc vòng cổ xâu chuỗi bởi những hạt cườm bằng nhựa, dọc theo các hạt cườm là những chiếc răng nanh nhọn hoắt của loài heo rừng, già Bloong Lệ đeo lủng lẳng vào cổ, tạo thế uy nghi đĩnh đạc của một thủ lĩnh đầy uy quyền của tộc người Tây Nguyên. Trên đầu già đội chiếc mũ đầy màu sắc thổ cẩm, gắn đầy lông chim và đuôi loài chim công - trông vào như những các bộ tộc người… da đỏ!. Già làng BRôr Vẻ, Bloong Lệ và BRô Đúc Ngỏi lần lượt trình diễn chín loại nhạc cụ khác nhau cho chúng tôi nghe - xem, mỗi thứ phát ra một thứ âm thanh khác nhau làm chung tôi rạo rực…

Đa âm thanh

Già Bloong Lệ (72 tuổi) cầm cái Đing Gor được làm từ cây nứa có chiều dài 1,4 mét, gần giữa ống có một lỗ khoan nhỏ. Loại nhạc khí này được người Triêng thường dùng vào những lúc cơn mưa rừng Tây Nguyên như trút nước. Mọi người không thể lên nương rẫy được, thì người Triêng đưa ra sử dụng để biểu hiện cảm xúc nhớ rừng, nhớ cái nương cái rẫy. “Lũ làng thường dùng Đing Gor này trong lúc ở nhà trông coi trẻ nhỏ, hay những lúc nhớ vợ, nhớ con, nhớ cái rẫy, cái rừng. Thời gian thường thổi vào lúc bốn giờ sáng tại nhà rông…”. Xưa nay, người Triêng ở biên giới Việt-Lào đêm đến, nam giới trai tráng đều lên ngủ tập trung tại nhà rông (Trhing) của làng, còn đàn bà con gái thì ngủ lại tại nhà (Tông). “Đàn bà con gái cấm tuyệt đối việc ngủ lại nhà rông, ai vi phạm sẽ bị làng phạt nặng đó” – ông BRô Vẻ (64 tuổi) quả quyết.

 

 

 Nghệ nhân BRôr Vẻ trình diễn khèn gọi bạn tình 

 

Mỗi nhạc khí có một tác dụng khác nhau, chẳng hạn Đâlđô thường được người Triêng sử dụng trên quãng đường từ nhà lên rẫy. Đường lên rẫy núi đồi trùng điệp đèo dốc, phải vượt qua bao con suối sâu. Chân mỏi, ngồi nghỉ bên đường có thể dùng dao chặt một cây nứa, dùng dao nhọn khoét một lỗ nhỏ là có ngay trên tay Đâlđô để sử dụng. “Khi sử dụng Đalđô coi như đây là một lời chào hỏi nhau, rừng Tây Nguyên tĩnh mịch khi nổi tiếng Đalđô lên, cái bụng sẽ bớt đói, cái chân sẽ bớt mỏi, cái đầu sẽ thấy vui và tinh thần phấn chấn lắm!” - Ông BRô Đúc Ngỏi cho biết và không quên trình diễn cho chúng tôi xem. Đâlđô âm điệu buồn buồn trầm mặc, nên thường còn được đàn ông không may khi vợ qua đời thì đem ra sử dụng, “Thổi xong một bản, đảm bảo cái bụng sẽ bớt đau buồn à!” - già Lệ bổ sung.

 

 

 Hai nghệ nhân BLoong Lệ, BRôr Vẻ vừa được công nhận là nghệ nhân dân gian VN 

 

Việc sử dụng nhạc khí Ta Lêh thì khá ly kỳ, người chơi chỉ được sử dụng nó khoảng thời gian từ tháng 6-9 hàng năm “Lúc này lúa trên rẫy đang thì con gái, sắp trổ bông. Người Triêng coi đây là dịp để mừng sinh trưởng của cây lúa, nổi Ta Lêh với mong muốn lúa trên nương gặp mưa thuận, gió hoà, lúa trổ nhiều bông… mùa màng tươi tốt bội thu” - Còn sử dụng vào những tháng khác - tôi hỏi? nếu sử dụng thời điểm khác thì sẽ bị dân làng nguyền rủa, sẽ bị làng phạt cho nữa chớ, thậm chí còn bị đuổi ra khỏi làng - khi ấy lo liệu lên rừng mà sống thôi. Thanh niên nam nữ người Triêng còn sử dụng cây khèn để gọi bạn tình, khi nghe tiếng khèn của chàng trai trong đêm trăng thanh gió mát, các cô sơn nữ sẽ tìm đến “Tiếng khèn càng hay, càng quyến rũ thì tụi con gái chúng mình càng đắm say, mê mẩn! chàng trai sẽ có cơ hội lấy được người bạn đời như ý” - bạn gái Y Book Loan cho biết như vậy.

         

Truyền lại cho con cháu

Đoàn nghệ nhân làng Đăk Răng, (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có 25 thành viên, trong đó có cả đội cồng chiêng. Đoàn đã có nhiều tiết mục xuất sắc đi trình diễn khắp các buôn làng gần xa, tại các tỉnh Tây Nguyên đạt nhiều giải cao. Các tiến mục như “Sêhâk Satih” (Mừng hội lớn), hát Kờ Đọ “Mrau” hát Đồng ca (có người cầm trịch), hát Giao duyên tình yêu, hay Lễ hội mừng cơm mới “Cha Pleih”.

 

 

Truyền dạy cho thế hệ trẻ 

 

Được sự giúp đỡ của ngành văn hoá, hai nghệ nhân BRôr Vẻ, Bloong Lệ đã mở lớp truyền dạy ba loại nhạc khí Talul, TalêhTalil, cho 15 thanh niên trong buôn làng, số thanh niên này hiện nay có thể sử dụng được các loại nhạc khí, tuy nhiên các bạn trẻ đang gặp rất khó khăn trong việc chế tác ra các loại nhạc khí này. Anh Bloong Thu quả quyết: “Tụi em biết sử dụng rồi, với tinh thần học hỏi, không lâu nữa thanh niên trong làng sẽ chế tác được nhạc cụ thôi. Như vậy mới có thể bảo tồn văn hoá dân tộc được chớ”.

 

 

Bạn gái Y Book Loan thành viên đội nghệ nhân trẻ của Đăk răng 

 

Làng văn hoá Đăk Răng trù phú

Bí thư Chi bộ BRôr Đúc Nghĩ cho biết, ngày trước làng Đăk Răng cư trú tận trong núi sâu, bên con suối Đăk Gui. Khi có con đường Hồ Chí Minh rộng đẹp chạy qua, bà con cùng đồng lòng chuyển ra khu ở mới cạnh con đường huyền thoại. Hiện nay, làng có 71 hộ gia đình với 346 nhân khẩu thì hầu hết các hộ gia đình đều nhận khoán trồng, chăm sóc vườn cao su của Nông trường Dục Nông, bình quân mỗi hộ nhận khoán từ 2,5-3 ha, mỗi tháng bình quân cho thu nhập trên 2 triệu đồng.

 

  Làng trù phú Đăk Răng trên biên giới Việt-Lào

Việc học của con trẻ được mọi gia đình chú trọng, nhiều bạn trẻ đã bước vào ngưỡng cửa các trường đại học, cao đẳng tiêu biểu như Hiêng Lăng Xây (ĐH bách khoa Đà Nẵng), Bloong Hiếc (ĐH Nông nghiệp), Y Nga (ĐH Y Huế)… hầu hết những gia đình trẻ trong buôn làng không sinh con thứ ba. Đến làng Đăk Răng bây giờ đi đâu cũng hiện lên hình ảnh trù phú, ấm no. Điều hiếm có là suốt cả năm qua, trong làng không hề xảy ra xích mích, mâu thuẫn, thanh niên không còn hiện tượng say xỉn, quậy phá gây mất an ninh trật tự. Mọi người đoàn kết yêu thương nhau, tuyệt đối không có thanh niên nào nghe lời kẻ xấu xúi dục, lôi kéo hoặc vi phạm pháp luật… năm 2004, nhân dân làng Đăk Răng được UBND tỉnh Kon Tum công nhận làng văn hoá cấp tỉnh.

Trần Thanh Chương
Số lượt xem:5390
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 8021 Số người online:
Phát triển:TNC