banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024
20 năm với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
25-6-2012
Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển kinh tế; là linh hồn, cốt cách của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Văn hoá được hình thành cùng với lịch sử hình thành và phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, là bản sắc, là tâm hồn của mỗi dân tộc. Với ý nghĩa đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc luôn là nhiệm vụ được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm.
AnhMinhHoa
Một lễ hội của đồng bào dân tộc Dẻ Triêng

Thời kỳ trước năm 1991, Ngọc Hồi đang là vùng đất thuộc địa phận của ba huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Sa Thầy, nơi đây chỉ có một vài cộng đồng dân tộc thiểu số là người bản địa sinh sống như Xê Đăng, Dẻ-Triêng, Brâu. Do điều kiện địa hình xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân dân thiếu thốn nhiều mặt,  nên công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc ít được quan tâm. Sau khi huyện Ngọc Hồi được thành lập theo Quyết định số 316-HĐBT ngày 15/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ, nơi đây đã thu hút các dân tộc ở mọi miền đất nước đến làm ăn sinh sống, đến nay huyện đã có trên 17 thành phần dân tộc định cư. Việc hội tụ đa dân tộc là điều kiện để giao lưu, làm phong phú thêm văn hoá các dân tộc. Song nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác bảo tồn, tôn tạo những bản sắc văn hoá riêng.

Như mọi vùng quê khác trên mảnh đất Tây Nguyên, nói đến văn hoá các dân tộc Ngọc Hồi không thể thiếu các nghi lễ, luật tục, những làn điệu dân ca, dân vũ mang bản sắc riêng của người dân Tây Nguyên, những loại nhạc cụ mà chỉ người dân Tây Nguyên mới có như: đàn Đinh tút, Ta- len, Ta- lét và đặc biệt là không gian văn hoá Cồng chiêng- “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” được UNESCO công nhận… Để không làm mất đi những giá trị văn hoá ấy, ngay từ khi mới thành lập, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy văn hoá truyền thống của các dân tộc luôn được Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể huyện đặc biệt quan tâm thực hiện. Bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể, trong những năm qua, huyện đã tổ chức khảo sát, sưu tầm lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị văn hoá đặc sắc. Hiện nay, tại Bảo tàng truyền thống của huyện có khoảng hơn 200 hình ảnh, hiện vật truyền thống được trưng bày, như: cồng chiêng, trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh những hiện vật được tìm thấy và lưu giữ tại bảo tàng, trong nhân dân còn lưu giữ nhiều hiện vật quý là biểu tượng văn hoá của mỗi dân tộc mình. Theo thống kế, hiện có khoảng 64 bộ cồng chiêng, 52 đội nghệ nhân chiêng- xoang, 76 đội văn nghệ… Những hiện vật được tìm thấy và lưu giữ đã phản ánh sinh động đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc huyện Ngọc Hồi.

Đáng chú ý là đội nghệ nhân của làng Đắk Răng- xã Đắk Dục là một trong những đội nghệ nhân tiêu biểu nhất của huyện. Họ vốn là những người nông dân chất phác, gắn bó với nương rẫy, nhưng họ cũng là những nghệ sỹ trên sân khấu với những tiếng cồng chiêng ngân vang và điệu múa xoang uyển chuyển. Đội nghệ nhân tiêu biểu này thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn ở  huyện, tỉnh và Trung ương. Năm 2009, đội nghệ nhân Đắk Răng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen; có 04 nghệ nhân của huyện cũng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” đó là các Nghệ nhân: Thao Pem- Làng Đắk Mế- xã Bờ Y; Bloong Vươn- Làng Dục Nhầy 1, Bloong Lệ và BRôl Vẻ- làng Đắk Răng- xã Đắk Dục.

Cùng với công tác tìm kiếm, sưu tầm hiện vật văn hoá, công tác phục dựng các lễ hội mang bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc cũng được các cấp đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, các ngành, các cấp đã phục dựng được nhiều lễ nghi, lễ hội mang bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc, như: lễ mừng lúa mới của người Brâu, lễ đâm trâu, lễ cưới cổ truyền của người Dẻ- Triêng, Sau khi phục dựng, các lễ hội này được đồng bào duy trì tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở cộng đồng dân cư phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi vùng.

Nói đến bản sắc văn hoá Tây Nguyên nói chung và huyện Ngọc Hồi nói riêng, không thể không nhắc đến mái Nhà Rông; nhà Rông từ bao đời nay là niềm kiêu hãnh của người Tây Nguyên, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các nghi lễ truyền thống của mỗi dân tộc. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, các ngành, các cấp đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 21/CT-UBND ngày 25/11/1999 của UBND tỉnh về khôi phục Nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; đến nay, toàn huyện đã có 60/76 thôn, làng có nhà Rông truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt 78,9% (trong đó có 39 Nhà Rông và 21 nhà sinh hoạt cộng đồng). Bên cạnh, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, còn có công sức đóng góp to lớn của cộng đồng dân cư bản địa trong việc khôi phục nhà Rông truyền thống. Điều này càng khẳng định ý thức tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ngọc Hồi trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Để xây dựng lực lượng nòng cốt kế tục công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong tương lai; việc truyền dạy sáng tạo nghệ thuật truyền thống luôn được chú trọng. Trong những năm qua, huyện đã phối hợp tổ chức được 02 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho gần 100 thanh thiếu niên; 01lớp chế tác nhạc cụ truyền thống; 01 lớp chỉnh chiêng cho 35 nghệ nhân; khôi phục và phổ biến những giá trị đặc sắc nghệ thuật dân gian như đàn hát dân ca, hát ru, hát kể sử thi, một số ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm…

Bên cạnh các loại hình văn hoá- nghệ thuật, các loại hình văn hoá- lịch sử, di tích lịch sử trên địa bàn huyện cũng được các cấp quan tâm trùng tu, tôn tạo, trở thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu, như: Di tích lịch sử chiến thắng Pleikần (thuộc xã Đắk Xú) được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Văn hoá, thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2000; Di tích chiến thắng Trại Đắk Siêng - xã Đắk Dục đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh; ngoài ra còn khoảng 10 di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng đang ở dạng tiềm năng.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan văn hoá phát triển sâu rộng. Đến nay, đã có 6.440 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 44 thôn, làng văn hoá; 53 khu dân cư tiên tiến. Trung bình hàng năm có trên 1.300 hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; 10-15 cơ quan được công nhận là cơ quan văn hoá; trên 40 thôn, làng giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến.

Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong 20 năm qua, diện mạo văn hoá của huyện Ngọc Hồi đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng: Môi trường văn hoá có bước chuyển biến nhất định, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được phát huy; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được đồng bào hưởng ứng mạnh mẽ; đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Hồi khoá V, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đưa ra một số giải pháp để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những tồn tại trong công tác phát triển văn hoá, trong đó nhấn mạnh: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc- không chỉ là công việc của các cấp chính quyền, mà còn là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, theo quan điểm “Ý Đảng, lòng dân”. Trên cơ sở tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ của văn hoá bên ngoài, Ngọc Hồi sẽ gìn giữ những thuần phong mỹ tục của đồng bào các dân tộc, loại bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời để xây dựng một bản sắc văn hoá mang đặc trưng Ngọc Hồi, góp phần xây dựng huyện Ngọc Hồi ngày càng văn minh, giàu đẹp trong tương lai không xa./

                                                                                                           Bùi Duy Chung

                                                                                           UVTV, Phó Chủ tịch TT UBND huyện

 

BBT
Số lượt xem:5368
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 3594 Số người online:
Phát triển:TNC