banner
Thứ 5, ngày 14 tháng 11 năm 2024
Du lịch Ngọc Hồi – Điểm hẹn lý tưởng
2-6-2016

Thời tiết khí hậu khá mát mẻ trong lành, biên độ dao động trong ngày ổn định; khí hậu trong năm hình thành hai mùa mưa nắng rõ rệt, có tính đặc trưng của khí hậu Tây nguyên. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, hệ thống đường giao thông từ huyện đến các xã, thị trấn đã được xây dựng đồng bộ, hệ thống điện lưới và thông tin liên lạc thông suốt. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với thị trấn Plei Kần đã có kết cấu hạ tầng cơ bản, hình thành nên khu vực phát triển năng động xứng tầm với vùng kinh tế động lực của tỉnh và Thị xã Ngọc Hồi trong tương lai rất gần.

Huyện có 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có các dân tộc tại chỗ là Brâu, Xê Đăng, Giẻ - Triêng. Ngoài 4 dân tộc thiểu số tại chỗ thì có dân tộc kinh và các dân tộc thiểu số chủ yếu ở phía bắc di cư vào huyện sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, phong phú và rất đa dạng. Cộng đồng các dân tộc trong huyện có mối quan hệ giao hòa, đoàn kết, tôn trọng phong tục tập quán của nhau và chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Huyện có các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, xã hội thuận lợi, có Cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, đây là thế mạnh có tính độc đáo riêng có, duy nhất chỉ có ở Ngọc Hồi. Đó là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa 3 nước mà du khách rất muốn một lần được đến tham quan.

Đặc biệt, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nằm ở trung tâm của Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, thuận lợi cho việc đi lại với các tỉnh Nam Lào và đi đến các tỉnh giáp ranh của Vương quốc Campuchia; là cung đường ngắn nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung, đồng bằng Nam Bộ với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan, có thể liên kết với các tuyến hành lang kinh tế Đông –Tây để phát triển thương mại, du lịch.

Việc định hướng phát triển phù hợp với xu thế hội nhập, huyện đã tỉnh xác định trong lộ trình xây dựng huyện thành Thị xã Ngọc Hồi. Tuy nhiên, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch còn những hạn chế nhất định; công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá hình ảnh địa phương chưa được các cấp, các ngành chú trọng đúng mức, chưa khơi dậy và phát huy lợi thế của một miền đất rất đa dạng về văn hóa để khai thác phát triển du lịch, từng bước làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống cung cấp điện, bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ y tế…tương đối tốt, là nguồn lực quan trọng để phát huy tiềm năng cho việc phát triển du lịch của huyện. Nhiều ngành nghề thủ công truyền thống còn được lưu giữ như rèn, đan lát, dệt thổ cẩm gắn với chế tác các nhạc cụ truyền thống độc đáo. Bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội được tổ chức thường xuyên, nhất là Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, tạo cơ hội cho phát triển văn hoá du lịch.

Huyện có tiềm năng du lịch lớn, phù hợp phát triển nhiều loại hình du lịch. Huyện từng bước đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên du lịch của mình, bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống dân tộc, tổ chức các hoạt động du lịch với nhiều chủ đề hấp dẫn, như hành trình về thăm Cột mốc ba biên, Ngã ba Đông Dương, Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại; thăm Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn (công trình hoàn thành vào năm 2015, giá trị đầu tư 15 tỷ đồng, do Ngân hàng Viettinbank tài trợ). Có nhiều tour, tuyến du lịch thuận lợi, hạ tầng giao thông đảm bảo có thể kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, nhất là các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Du khách đến đây có thể tham quan di tích văn hóa lịch sử như Di tích Chiến thắng Pleikần, Di tích lịch sử Đắk Seang, thưởng thức Không gian văn hóa cồng chiêng kết hợp nghiên cứu phong tục, tập quán, lễ hội các dân tộc bằng hình thức du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch mới được xây dựng đưa vào khai thác, như khai thác các tuyến du lịch sinh thái Kon Tum – Nam Lào, Kon Tum – các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…, du lịch văn hóa dân tộc ít người, khảo cứu làng dân tộc Brâu, là dân tộc ít người nhất của cả nước.

Lượng khách hàng năm đến với huyện Ngọc Hồi tăng khá mạnh, bình quân tăng 15- 20%/năm. Tuy nhiên, số lượt khách lưu trú ít, chỉ chiếm khoảng 35- 40% tổng số lượt khách đến tham quan. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 trở lại đây lượng khách đến huyện Ngọc Hồi chủ yếu là khách du lịch nội địa, lượng khách nước ngoài  cũng tăng mạnh theo các năm (đa số là khách Lào, Campuchia, Trung Quốc). Năm 2015, du lịch Ngọc Hồi đón 17.000 lượt khách tham quan, trong đó khách lưu trú là 6.925 người. Tổng doanh thu du lịch trên địa bàn huyện năm 2015 đạt 23 tỷ đồng (Riêng doanh thu tại Khách sạn BMC Ngọc Hồi năm 2014 đạt 10 tỷ 55 triệu đồng).

Điều kiện tự nhiên của Ngọc Hồi, đặc biệt là địa hình đa dạng đã tạo ra một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…Đồng thời, là điểm gắn kết các tuyến điểm du lịch từ Kon Tum đến các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và khu vực duyên hải miền Trung thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Giá trị văn hóa đặc sắc của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào. Mỗi dân tộc có bài chiêng khác nhau, góp phần đưa Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

 Để từng bước hình thành và thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, đáp ứng được yêu cầu và tầm nhìn phát triển của huyện Ngọc Hồi, tạo ra điểm nhấn về du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của một vùng kinh tế động lực của tỉnh, yêu cầu có tính cấp bách là phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, ưu tiên nguồn lực sẵn có tại chỗ.

Du lịch được cho là một ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và là một trong 10 ngành kinh tế tạo ra nhiều việc làm nhất cho xã hội. Ngành du lịch mang lại những hiệu quả to lớn đối với nền kinh tế của một quốc gia hoặc cho mỗi địa phương. Ngành du lịch tạo ra nguồn ngoại tệ và tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, kích thích các nguồn kinh tế khác như nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…phát triển  theo. Du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản và văn hoá truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch mới, được các tổ chức phát triển khuyến khích triển khai với mục tiêu gắn du lịch với phát triển cộng đồng khu dân cư. Các thành viên trong cộng đồng đều được hưởng các lợi ích do du lịch mang lại từ việc tăng thu nhập, cải thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức cộng đồng.

Nhận thức được giá trị và cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa, sẽ có định hướng đúng đắn nhằm quy hoạch một cách phù hợp vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được các nhu cầu của du khách. Việc làm đó vừa phát huy được những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần phát triển du lịch, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Lê Huyên
Số lượt xem:5979
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 8291 Số người online:
Phát triển:TNC