Người B’râu chủ yếu sống tập trung ở thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, có tất cả 138 hộ 479 nhân khẩu. Hiện nay, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc B’râu. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng, độc đáo. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, càng quan trọng hơn vì huyện Ngọc Hồi nằm ở vùng trọng điểm giao lưu kinh tế - văn hóa với 2 nước bạn Lào và Cămpuchia. Nhận thức được điều này, UBND huyện đã xây dựng Đề án đầu tư, bảo tồn và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc B’râu. Trên cơ sở Đề án, Huyện ủy, HĐND – UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH&TT huyện phối hợp với các cơ quan, ban ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc B’râu gắn với phát triển du lịch và đạt được những kết quả nhất định.
Về văn hóa phi vật thể, đã tiến hành thống kê, rà soát hệ thống phong tục tập quán tốt đẹp của người B’râu, phục dựng lại được các loại hình lễ hội – nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, âm nhạc dân gian, văn học dân gian của dân tộc B’râu. Theo thống kê, dân tộc Brâu có 4 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm là: Lễ hội Mừng nhà rông mới, lễ hội tỉa hạt, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội bỏ lúa vào kho, trong đó, huyện đã phối hợp Sở VHTTDL tổ chức phục dựng được 02 Lễ hội với đầy đủ các nét văn hóa nguyên bản của người B’râu từ xa xưa. Các ngành nghề truyền thống của người B’râu cũng đã dần được khôi phục nhờ Cụ thể, đã tổ chức được 01 lớp dạy nghề dệt vải cho thanh niên và phụ nữ B’râu. Hầu hết các học viên tham gia đều đã thành thạo trong việc dệt may các sản phẩm truyền thống của Dân tộc B'râu, họ tự dệt may trang phục cho gia đình mình và còn dệt may được các sản phẩm đẹp để làm quà lưu niệm cho khách du lịch đến tham quan.
Ngoài tổ chức truyền dạy các ngành nghề truyền thống, phục dựng lễ hội, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa dân gian như đánh cồng chiêng, múa xoang, chế tác nhạc cụ, hát kể sử thi; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca dân vũ với nhiều quy mô khác nhau … Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cho dân tộc B’Râu nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với Viện Khoa học và Xã hội tiến hành nghiên cứu các đề tài liên quan đến công tác bảo tồn văn hoá của người B’Râu; phối hợp với Báo, đài trung ương và địa phương thực hiện nhiều phóng sự về văn hóa và đời sống của đồng bào dân tộc B’Râu, qua đó đã giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo, phong phú của người B’Râu đến với mọi miền đất nước.
Về văn hóa vật thể, theo cuộc khảo sát mới nhất, người B’râu hiện còn lưu giữ 10 bộ Chiêng Tha (loại 2 cái trên 1bộ), 05 bộ cồng chiêng (loại 10 cái trên 1bộ), 01 bộ cồng chiêng loại 8 cái và 1 bộ chiêng Lào loại 03 cái. Nhà rông người B’Râu – thôn Đắk Mế được xây dựng từ Chương trình 135 với kinh phí trên 500 triệu đồng, tổng diện tích là 240m2. Đây là một thiết chế văn hoá tiêu biểu, độc đáo, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội và trong tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào B’Râu. Vừa là nơi người Brau tụ họp, bàn bạc các công việc chung của làng, đồng thời là nơi tổ chức Lễ hội, tổ chức sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trong thôn có 1 đội cồng chiêng thường xuyên duy trì tập luyện và trở thành đội chiêng- xoang tiêu biểu, đại diện cho xã và huyện tham gia biểu diễn ở các chương trình lớn của huyện, tỉnh và Trung ương, như: Ngày hội văn hóa các dân tộc tại huyện Ngọc Hồi; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Kon Tum; Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Đồng Mô- Sơn tây – Hà Nội… Các hoạt động trình diễn, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc B’râu tại các sự kiện đều được đánh giá cao. Nhiều nghệ nhân có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống B’râu đã được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, Nghệ nhân Thao Pem đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong những năm qua, môi trường văn hoá của người B’Râu đã có bước chuyển biến quan trọng, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc B’Râu được phát huy; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được bà con trong thôn hưởng ứng mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của người B’Râu từng bước được cải thiện; 100% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, liên tục từ năm 2008 đến nay, thôn Đắk Mế đều giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc B’Râu tại huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, UBND huyện đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó, đối với dân tộc B’Râu - làng Đắk Mế - xã Bờ Y, UBND huyện tiếp tục tham mưu với các cấp, ngành liên quan từng bước triển khai xây dựng nơi đây thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Theo lộ trình Đề án, huyện sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng mới, sửa chữa một số nhà ở cho người B’Râu theo kiến trúc truyền thống nguyên bản; xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm văn hóa của đồng bào Brau; Nhà bán hàng lưu niệm; Sân lễ hội; công trình vệ sinh công cộng; công trình nước sạch; đường giao thông; xây dựng các công trình phục vụ Du lịch gắn với các thắng cảnh nơi đây: Hồ nước Đăk Hniêng; Hỗ trợ khôi phục bảo tồn và duy trì các lễ hội dân gian tiêu biểu; hỗ trợ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng…phục vụ hoạt động nhà Văn hóa cộng đồng; tiếp tục mở các lớp truyền dạy nghề truyền thống (như đan lát, rèn, dệt…), truyền dạy nghệ thuật dân gian (cồng chiêng, dân ca, nhạc cụ dân tộc)…
Tin tưởng rắng, với những giải pháp thiết thực và nhiệm vụ cụ thể, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc B’râu sẽ ngày càng đạt được những thành tựu lớn hơn, trở thành một trong những yếu tố hỗ trợ phát triển du lịch huyện nhà, đúng như quan điểm của Đảng và Nhà nước “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, quá trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch; hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch” (Khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh Du lịch).
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |